Những bước chân thầm lặng

Theo hẹn, tôi ra Thị xã Hồng Lĩnh với 2 đồng nghiệp trẻ. Điều trùng hợp ngẫu nhiên là hai đồng nghiệp của tôi đều có bố mẹ làm việc trong ngành công an nay đã nghỉ hưu; những ấn tượng về bố mẹ cùng với những bộ quân phục quen thuộc và công việc thầm lặng của họ vẫn còn in rõ trong kí ức của hai cây bút trẻ. Vì thế, họ cũng rất háo hức khi “nhập cuộc” với tôi trong chuyến đi thực tế ở một lĩnh vực tưởng chừng như rất quen thuộc nhưng cũng đầy lạ lẫm này.

Tháng tám, Hà Tĩnh bắt đầu mùa thu với những cơn mưa vội vàng không báo trước. Thị xã Hồng Lĩnh nằm dưới rặng núi Hồng Lĩnh trầm mặc trong những cơn mưa nhè nhẹ của đất trời như hẳn nơi đây người dân sống yên bình vui vẻ và hoà đồng như hẳn nơi đây không lưu dấu của những câu chuyện pháp luật, những bài học cảnh giác và những vụ án mạng có thể xẩy ra. Để có được những chuỗi ngày bình yên đó, những chiến sĩ công an Thị xã Hồng Lĩnh đã không quản ngại những khó khăn gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảm thiểu những va chạm, giữ vững an toàn cho nhân dân trên toàn thị xã.

Vì bình yên cuộc sống. Ảnh chí có tính minh họa
Vì bình yên cuộc sống. Ảnh chí có tính minh họa

Chúng tôi đi vòng quanh thị xã. Hồng Lĩnh như trong vòng tay của mình. Là một thị xã miền núi bao gồm 3 dạng địa hình chính: địa hình núi cao, địa hình thung lũng hẹp và một phần đồng bằng, có 6 đơn vị hành chính gồm 2 phường Nam Hồng, Bắc hồng và 4 xã Thuận Lộc, Đậu Liêu, Trung Lương, Đức Thuận với tổng diện tích gần 5.844.64ha lại là nơi giao nhau của quốc lộ 1A và 8A, cách thành phố Hà Tĩnh 30km về phía nam và cách thành phố Vinh 20 km về phía bắc, cách Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo 92km về phía tây. Thị xã Hồng Lĩnh được xem là trung tâm kinh tế văn hóa xã hội phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi là 2 chiến sĩ công an một "già" và một "trẻ". Người "già" về kinh nghiệm và người "trẻ" về nhiệt huyết đã không ngần ngại kể cho chúng tôi nghe về những khó khăn trong công việc một cách cụ thể. Thượng tá Trần Thủy Hồng - Phó Trưởng Công an thị xã Hồng Lĩnh phụ trách điều tra - người đã gắn bó với Thị xã ngay từ những ngày đầu mới thành lập hồi tưởng lại:

Được thành lập từ năm 1992, đơn vị Công an thị xã Hồng Lĩnh lúc ấy được tiếp quản trên cơ sở đồn Công an Hồng Lĩnh thuộc huyện Đức Thọ, một đơn vị ở xa trung tâm huyện lỵ. Cái khó khăn ban đầu là tình hình an ninh, TTXH có nhiều phức tạp do những mâu thuẫn trong dân giữa các xã của huyện này với các xã của huyện khác. Nhân dân chủ yếu làm nông nghiệp, dân trí thấp nên nhận thức về văn hoá và lối sông cộng đồng chưa cao dẫn đến dễ gây hiềm khích dẫn đến xô xát, mất trật tự.

Thị xã Hồng Lĩnh đất không rộng, người không đông nhưng có vị trí địa lí phức tạp. Thị xã nằm ngay ở ngã ba đường 8 - đường đi cửa khẩu Cầu Treo sang nước bạn Lào, lại là nơi đường 1A Bắc - Nam chạy cắt ngang thị xã từ Vinh vào Hà Tĩnh nên có rất nhiều những đối tượng thường xuyên hoạt động ra vào trên tuyến đường này và hoạt động tương đối rộng. Mặt khác, trước năm 1992, huyện Đức Thọ có rất nhiều những vụ án khó khăn trọng điểm như vụ Trung Lương, hay vụ mâu thuẫn tại một số địa phương giáp ranh giữa hai huyện Can Lộc và Đức thọ vẫn chưa ổn định, việc thành lập công an thị xã với những khó khăn trước mắt đó đặt lên vai một đơn vị vừa mới thành lập với rất nhiều khó khăn thử thách.

Trong tâm trí tôi hồi bé, cứ mỗi lần về quê còn được nghe ông bà kể về dân Kẻ Treo – “dân mổ mèo lấy cá” đó là một tên gọi dành riêng cho khu vực Đậu Liêu, đó là một vùng trũng giáp ranh giữa hai huyện Đức Thọ và Can Lộc. Dân cư thưa thớt, đồng hoang vắng, bọn du thử du thực thường tụ họp ở đây trấn cướp các chuyến xe khách bắc nam. Chúng rất liều lĩnh, hung dữ gây ra rất nhiều những vụ giết người cướp của gây ra bao nỗi hoang mang cho người dân mỗi khi ngang qua.

Còn nhớ những trước những năm 1990, vùng Kẻ Treo được xem là nỗi ám ảnh kinh hoàng của những người lái xe khách đường dài. Những đêm mùa đông rét cắt da cắt thịt, giữa đồng vắng quanh hiu và gió bấc ràn rạt thổi trên đám lau sậy ven đường, khi đi qua đoạn đường này, hành khách và lái xe đều rất căng thẳng, chủ động với những tình huống có thể xẩy ra. Có thể từ trong đám lau lách um tùm đó, một tốp trấn cướp lao ra chận đường, đe dọa thậm chí trấn cướp, giết người để chiếm đoạt tài sản.

Không chỉ những vụ trấn lột cướp bóc, Công an Hồng Lĩnh còn phải đối mặt với các vụ tội phạm hình sự có âm mưu lật đổ, chống phá chính quền như ở xã Trung Lương. Ở Trung Lương hồi đó, do mâu thuẫn nội bộ trong lãnh đạo địa phương một số phần tử xấu lợi dụng kích động, lôi kéo quần chú gây mất ổn định về chính trị. Xã Trung Lương hồi đó được xem là điểm nóng trong cả nước. Dân chúng bị xúi dục nổi loạn, các vụ đốt nhà, chống người thi hành công vụ nên công việc của các chiến sĩ gặp rất nhiều khó khăn nguy hiểm. Các anh phải bám sát dân, cài cắm để nắm bắt tình hình chuẩn bị kĩ phương án tác chiến.

Trước tình hình đó, lực lượng công an thị xã Hồng Lĩnh đã chủ động nắm chắc tình hình, lập phương án tác chiến. Có những chiến sĩ đã phải cải trang thành dân thường trà trộn vào trong đám hành khách đi qua đoạn đường này để đón lỏng, nắm rõ hành vi hoạt động của nhóm đối tượng kịp thời cấp báo cho anh em lên kế hoạch tác chiến. Kịp thời tham mưu cho cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp, phối hợp với các ngành đoàn thể quần chúng giải quyết tốt tình hình an ninh cơ sở. Như ở xã Đậu Liêu đã tham mưu cho các cấp, các ngành liên quan cắm mốc biên giới đất, phát động phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ, gọi hỏi đấu tranh số đối tượng quá khích…

Nhờ nắm vững biện pháp nghiệp vụ, chỉ sau một năm, tình hình trật tự ở các điểm nóng đã dần ổn định…để có được những kết quả đáng phấn khởi đó, các chiến sĩ công an đã không ngần ngại nguy hiểm gian khó bám sát dân, vận động dân tham gia các phong trào quần chúng, xây dựng nếp sống văn hoá mới.

Bên cạnh công việc phải đảm bảo an ninh trật tự, an ninh chính trị ở Hồng Lĩnh cũng đang là điểm nóng phức tạp. Hồng Lĩnh là địa bàn qua lại của rất nhiều đối tượng trong đó có những đối tượng lưu vong, phản quốc, hoạt động mạnh ở Lào. Trước tình hình đó, được sự chỉ đạo nghiệp vụ của công an tỉnh, công an thị xã đã xây dựng hàng chục phương án chống địch xâm nhập, “phương án phản gián đường 8” ngăn chặn hiệu quả về âm mưu “diễn biến hoà bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch. Khi đã nắm rõ, bám sát đối tượng, các chiến sĩ phải cải trang khi làm nhiệm vụ, chủ động đón bắt khi có tình huống phức tạp xẩy ra. Vì thế, trong những năm vừa qua, Thị xã Hồng Lĩnh đã gặt hái được những thành quả đáng ghi nhận. điều tra làm rõ các vụ phạm pháp hình sự, tội phạm kinh tế, xoá bỏ các ổ nhóm, tệ nạn xã hội.

Câu chuyện như kéo dài mãi không dứt, những vụ án được anh kể một cách rõ ràng cụ thể từng thời điểm làm cho chúng tôi hình dung được một cách rõ ràng về phương thức đánh án của các anh. Tôi đá là vụ Nguyễn Văn Long. Long sinh năm 1969 quê ở Vĩnh Lộc (Can Lộc), là đối tượng tù hình sự vừa được tha về. y không về ở nhà mà tạm trú tại Tp Vinh, ngay sau cổng chợ Vinh. Hồi đó, trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh và các vùng phụ cẩn thường xuyên bị mất trộm tài sản, nhất là các thiết bị vi tính, công nghệ tin học một cách rất tinh vi. Qua một quá trình điều tra thăm dò, các chiến sĩ xác định được đối tượng chính là Nguyễn Văn Long, hắn hoạt động độc lập, đơn tuyến và không hề móc nối cộng tác với ai khác. Ngày ngày sinh hoạt ở thành phố Vinh nhưng đêm đến lại nhảy xe về thị xã Hồng Lĩnh và các vùng phụ cận bẻ khóa trộm cắp tài sản. Đêm ngày 3/1/2002, nhận được nguồn tin đối tượng Long xuất hiện ở Thị xã Hồng Lĩnh, vòng vây các trinh sát dã theo sát cuối cùng bắt được đối tượng trên thu hồi hàng chục loại tài sản có giá trị như dàn máy vi tính, ti vi và nhiều tài sản có giá trị khác trị giá 110 triệu đồng.

Hay như vụ Phạm Viết Định ở khối 11 phường Nam Hồng là một điểm mua bán tàng trữ chất ma túy. Đây là một đối tượng rất mưu mô và có quan hệ rất rộng nên việc bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn. Qua công tác điều tra lâu dài sau vàu năm mới bắt được đối tượng, thu về 96 gói heroin và lập hồ sơ xét xử vụ án.

Chính vì thế, trong công tác điều tra phá án Công an Hồng Lĩnh đã thu được những kết quả không nhỏ. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, đã điều tra làm rõ được 11/14 vụ phạm pháp hình sự (đạt tỉ lệ 78%) Đấu tranh có hiệu quả 3 chuyên án, triệt phá các nhóm trộm cắp, tiêu thụ tài sản...

Trật tự xã hội ở Thị xã Hồng Lĩnh đến nay đã tương đối ổn định. Đời sống tăng, các vụ án hình sự, trộm cắp, các loại tệ nạn xã hội vì thế cũng mưu mô, xảo quyệt hơn. Đứng trước những thử thách đó, các chiến sĩ công an phải không ngừng học hỏi, lăn lộn và chịu nhiều những khó khăn hơn thế để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Chiến công của các anh đã được khẳng định nhưng khi được hỏi những thành tích, đóng góp cá nhân cho thành công của các vụ án, các anh chỉ cười, nụ cười tươi trẻ xoá đi những mệt mỏi trên gương mặt từng trải qua những ngày dài phá án. Công việc của một người chiến sĩ hi sinh một cách thầm lặng khiến tôi khâm phục. Anh không nói ra nhưng tôi hiểu những khó khăn, nguy hiểm và gian khổ mà anh và các đồng đội của anh đã gặp phải. Anh kể cho chúng tôi nghe về các vụ đánh án ấn tượng mà anh và các đồng đội đã tham gia với một giọng đều đều, kể như chiêm nghiệm, như đúc rút những bài học cho các vụ án tiếp theo.

… Hồng Lĩnh mùa mưa, những cơn mưa dai dẳng kéo dài mãi như không dứt. Chúng tôi, không ai nói ra nhưng cũng đều bồn chồn nghĩ đến những khó khăn của những chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ. Mưa gió bão lũ cũng không được phép ngần ngại, khi đã nắm được thông tin về đối tượng là lên đường làm nhiệm vụ.

Tôi muốn dừng câu chuyện nửa chừng để hỏi về đời tư người chiến sĩ trẻ: Đại úy Bùi Việt Hùng - Đội Phó đội CSGT sinh năm 1981 ở Đức La (Đức Thọ). Anh tốt nghiệp Học viện cảnh sát năm 2004 về công tác tại công an Hồng Lĩnh. Là một đảng ủy viên, Bí thư chi đoàn Công an Hồng Lĩnh, trong gần 7 năm công tác, Bùi Việt Hùng đã có được những thành tích đáng kể. Thế nhưng, khi hỏi đến những thành tích của mình, anh chỉ cười, những thành tích mà mình có được có thấm gì đâu với những thành tích mà các anh đã đạt được trong những năm qua. Là một chiến sĩ trẻ, kinh nghiệm thực tiễn còn ít mình phải cố gắng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Làm chiến sĩ công an vất vả một, người thân và gia đình vất vả mười, vì hơn hết, họ phải chấp nhận những thiệt thòi mà chồng, con, cha anh mình vì công việc đặc thù không thể làm khác được. Nhất là những người trẻ tuổi và mới có gia đình như mình. Đi đêm suốt, có án là đi, không thông cảm không được.

Hùng ngồi trước mặt tôi trong bộ thường phục giản dị, tôi cứ nghĩ anh giống như một thư sinh, một thầy giáo hơn là một người chiến sĩ. Thế nhưng khi trò chuyện với anh, nét rắn rỏi, tố chất của một Đại uý cảnh sát hình sự làm cho tôi ngỡ ngàng. Tôi hỏi:

- Ngày nhỏ chắc Hùng đã mê nghề cảnh sát hình sự lắm nhỉ?

Hùng có vẻ bẽn lẽn:

- Thích lắm, anh ạ và nghĩ mình cũng có chút ít tố chất của công việc này nên em thi vào học viện an ninh

- Và nay Hùng đang làm đề tài cao học là…?

- Tội phạm hình sự anh ạ

- Hùng chắc giỏi võ lắm nhỉ? (tôi vốn là người mê phim hình sự nên rất thú vị khi được gặp một người là “khắc tinh” của bọn tội phạm)

- Bọn em được học bài bản trong trường, nay ra thực tế phải tập luyện thêm. Nhưng đấu tranh với bọn tội phạm đâu chỉ bằng vũ lực mà đấu trí mới là quan trọng- nhất là những phải ứng tâm lí trong đó:

- Đó là sự linh cảm trực giác cũng rất quan trọng phải không?

- Đúng thế anh ạ!

- Vợ Hùng là giáo viên - tôi phán đoán

- Sao anh biết? - Hùng ngạc nhiên nhìn tôi - nghề của em có người vợ là giáo viên lo cho công việc dạy dỗ, chăm sóc con cái đỡ đi phần nào; vì công việc bọn em như anh biết đấy, rất phức tạp lại nguy hiểm nữa, không có giờ giấc ngày nghỉ nhất định.

Câu chuyện tưởng chừng như nhẹ nhàng nhưng đã để lại trong tôi những ấn tượng rất lớn. Hình ảnh những người vợ trẻ một mình chờ chồng đang đi làm nhiệm vụ trong những đêm tối mùa đông lạnh lẽo và chứa đầy bất trắc gợi cho tôi xúc động mạnh về đức hi sinh cao cả của họ vì sự bình yên của nhân dân. Họ- những người phụ nữ can đảm đứng cạnh sau lưng những người đàn ông can đảm đã làm nên những chiến công vẻ vang nhưng thầm lặng. Đáng khâm phục biết mấy!

Trời vẫn lất phất mưa, thời gian như dài ra và câu chuyện trinh sát có vẻ nóng lên khi chúng tôi đề cập đến vấn đề ma túy- cái chết trắng: nó gây nên nỗi ám ảnh về những cái chết vật vã kinh hoàng. Cũng vì nó, bao gia đình li tán, con xa mẹ, vợ mất chồng...cuộc sống trở nên bế tắc. Suốt một thời gian dài, Thị xã Hồng Lĩnh rơi vào bế tắc trong công việc xóa sổ điểm trắng đó. Thị xã Hồng Lĩnh được xác định là trung tâm kinh tế phía bắc của tỉnh, lại nằm trên tuyến đường thông thương. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản trong quan hệ giao lưu phát triển kinh tế xã hội, mặt khác nó còn là nơi bọn tội phạm thường lợi dụng hoạt động phi pháp. Con đường hoạt động của nó cũng mưu mô, xảo quyệt hơn.

Nhờ chủ động nắm chắc tình hình lực lượng, Công an Hồng Lĩnh đã phá được rất nhiền những vụ án tàng trữ và buôn bán chất ma túy tương đối lớn như vụ bắt Trần Đại Thắng, Nguyễn Thị Thanh Bình ngảy 20/7/2001 thu 85 viên hồng phiến, 56 gam herooin... Tuy bắt được đối tượng, thu được tang vật nhưng các anh vẫn trăn trở. Lực lượng cảnh sát mỏng không đi sâu nắm bắt được đối tượng, cách tốt nhất là phải dựa vào dân, khơi dậy tinh thần trách nhiệm xây dựng cộng đồng trong nhân dân để cùng phối hợp với Công an giữ gìn anh ninh trật tự và an toàn trên địa bàn. Đứng trước tình hình đó, Công an Hồng Lĩnh đã có quyết định sáng suốt, kịp thời tham mưu cho cấp ủy đảng tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm với nhiều hình thức, nội dung phù hợp trên địa bàn như: tham mưu đề án phòng chống tội phạm, cai nghiện tại cộng đồng.

Công tác xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia phòng chống ma túy. Trên cơ sở các mô hình, điển hình tiên tiến, công an thị xã Hồng Lĩnh đã lựa chọn 3 địa phương điển hình là Trung Lương, Đức Thuận và Thuận Lộc. Các xã đã tổ chức thí điểm dựa vào thực tế của từng địa bàn, xây dựng các mo hình tiên tiến như "dòng họ không có ma túy", "thanh niên nói không với ma túy", "gia đình không có ma túy"... Nhờ những hoạt động tuyên truyền sâu rộng, công an Hồng Lĩnh còn tham mưu tổ chức những điễn đàn tuyên truyền rộng rãi về tác hại của ma túy, phòng chống ma túy kết hợp với các phong trào khác ở địa phương như: phong trào xóa đói, giảm nghèo, phong trào dân xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, hay phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực... taọ ra sự cộng hưởng rộng khắp trên toàn thị xã gớp phần không nhỏ trong việc chế ngự gia tăng tệ nạn ma túy trong dân cư.

Sau 4 năm thực hiện triển khai kế hoạch cụ thể hoá nội dung tổng thể phòng chống ma tuý đến năm 2010 của Thủ tướng chính phủ và Đề án số 07/ ĐA- UBND ngày 2/6/2003 của uỷ ban thị xã về tăng cường công tác phòng chống tội phạm ma tuý và công tác phòng chống ma tuý tại cộng đồng, công an Hồng Lĩnh đã thu được những kết quả tích cực, đề án xây dựng xã không có ma túy được biểu dương nhiệt liệt ở các sáng kiến kinh nghiệm cho các địa phương học tập. Điều đáng lưu ý ở đây, các anh đã phối kết hợp với các cấp uỷ đảng chính quền để cho ra đời hai câu lạc bộ cai nghiện Câu lạc bộ Tình thương ở Bắc hồng và CLB cai nghiện ở Nam hồng đều đạt kết quả tích cực và đã được Công an Hà Tĩnh lấy làm báo cáo điển hình ở Trung ương.

Trò chuyện với Trưởng công an Thị xã còn rất trẻ, Thiếu tá Nguyễn Thanh Liêm, tôi thật thú vị khi biết đề tài anh đang dồn tâm huyết nghiên cứu để hoàn thành chương trình tiến sĩ bằng thực tiễn địa bàn công tác của mình đó là “An toàn giao thông” - một vấn đề thời sự đặt ra từng ngày, từng giờ cho toàn cộng đồng xã hội khi tỉ lệ tai nạn, chết người ở Việt Nam trong khi tham gia giao thông ngày càng tăng. Loại trừ những yếu tố khách quan như xây dựg hạ tầng cơ sở, hệ thống đường giao thông thì yếu tố tâm lí “nông dân” từ lâu đời đã ăn sâu vào hành vi ứng xử văn hoá giao thông của người dân đã thành thói quen. Có lẽ nước ta khác đặc biệt khi đa số người dân sinh trưởng từ nông thôn, từ đường ngang ngõ dọc hẹp lối, từ chỗ làm ăn manh mún nhỏ lẻ, cạnh tranh manh mún; vì thế chuyện “vượt đèn đỏ” cũng là điều khá hiển nhiên mới biết ngày ngành Công an là một khoa học tâm lí học tổng hợp. Nhất là vùng địa bàn anh phụ trách: Ngã ba địa bàn thị xã Hồng Lĩnh có đường 8 lên cửa khẩu, giao nhau với đường 1A khá phức tạp. Được biết, cách đây gần 10 năm, vấn nạn “cơm tù, xe khách” đã gây bao nhức nhối ở đây. Bạn tôi - nhà thơ Vũ Toàn ở Báo Tuổi trẻ, đã từng đóng giả hành khách, vượt qua bao tình huống nguy hiểm để có loạt bài phóng sự điều tra gây tiếng vang trong dư luận. Nay đã xoá được những điểm “đen ấy” nhưng cũng giúp cho các anh rút ra bao bài học.

Chia tay các anh vào cuối buổi chiều. Dòng người tấp nập xe cộ lướt qua dưới cơn mưa tầm tã. Thời gian không nhiều để tôi có thể đi hết cả một đoạn hành trình dài qua câu chuyện và những chiến công thầm lặng của các anh. Xe đang dần rời thị xã, tôi nhìn quanh, hai bên đường các chiến sĩ cảnh sát giao thông vẫn đang làm nhiệm vụ. Các pano, áp phích tuyên truyền hưởng ứng tháng an toàn giao thông được hưởng ứng một cách nhiệt liệt, phối hợp với các cấp giải thoả hành lang an toàn giao thông để giảm thiểu những tai nạn giao thông không đáng có.

Để có được những thành công đó, lực lượng Công an Hồng Lĩnh đã không ngừng củng cố, kiện toàn lực lượng, đảm bảo đủ lực lượng để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Ban giám đốc tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức cho 100% cán bộ, đảng viên học tập nâng cao ý thức và tư tưởng, phát động phong trào thi đua “học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh- CAND vì nước quên thân vì dân phục vụ” tạo phong trào thi đua sôi nổi trong toàn đơn vị. với những nổ lực phấn đấu không ngừng đó, công an Hồng Lĩnh đã nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen của tỉnh và chính phủ. Trong đại hội tổng kết 5 năm thực hiện pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự (2005-2009), Công an thị xã Hồng Lĩnh được đề nghị tổng cục VII tặng giấy khen và 4 cá nhân được đề nghị các cấp khen thưởng.

Tôi hỏi đồng nghiệp Trần Quỳnh Nga:

- Nếu viết về hình ảnh người chiến sĩ công an thì em sẽ viết gì?

- Em sẽ viết về những người vợ hậu phương vững chắc của họ. Chỉ có những người vợ mới thấm hết được nỗi vất vả của ngành công an và đặc biệt là những chiến sĩ công an nữ- mẹ em một thời hoạt động ở lĩnh vực này.

- Thế còn em - Tôi quay sang thiếu úy Võ Thị Ánh Hồng - Em có tứ thơ gì mới chưa.

- Em sẽ viết về những dấu chân thầm lặng; những dấu chân lặng lẽ trong đêm nhưng để lại bao dấu ấn.

Lúc tôi kết thúc bài viết này, là khi vừa đọc xong tiểu thuyết “Bóng đêm” của nhà văn Ma Văn Kháng viết về đề tài công an vừa xuất bản. Cái thiện và cái ác, màu đen và màu trắng đan xen nhau trong đời sống xã hội hàng ngày, gõ cửa vào từng ngôi nhà, số phận của con người. Tôi lại nhớ gần đây, vào lúc 3 giờ sáng khó ngủ vì trăn trở với trang viết, tôi rủ nhà văn Hữu Phương ở Quảng Bình đang nghỉ ở Khách sạn Thai tham gia trại viết về thị xã Hồng Lĩnh, hai anh em đi dạo trên đường phố. Thị xã trong đêm im lìm ngủ ngon, từng hàng thông xanh trên đỉnh núi Hồng ngả bóng xuống trầm mặc. Con đường 1A vẫn sáng loáng ánh đèn của những chuyến xe đêm. Tôi bỗng bất chợt nhận ra có mấy bóng người đang lặng lẽ đi sát bên nhau, rẽ vào một ngõ vắng: hoá ra đó là các anh cảnh sát khu vực cùng đội tuần tra dân phòng đang đi làm nhiệm vụ. các anh không ngủ cho thị xã ngon giấc.

Những bước chân thầm lặng vào đêm, vào “bóng đêm” đang chứa bao điều bí mật mà chỉ có các anh – những chiến sĩ công an mới biết được. Các anh là những ngôi sao chính vị lặng lẽ dưới vòm trời đêm không yên tĩnh…

Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh tháng 9/2011

Bút kí

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast