Nợ duyên Cồn Cỏ

(Baohatinh.vn) - Tôi đã chờ 16 năm để trở lại Cồn Cỏ... Có nỗi đợi nào dài hơn như thế nữa không? Có - tôi nhớ bà nội tôi trả lời - đó là nỗi đợi ngày thống nhất...

Mỗi lần về Quảng Trị, ghé Cửa Tùng, tôi thường nhớ tới bà nội tôi. Bà ngồi nơi chiếc võng mắc đung đưa giữa hai cây dương nhìn ra xa xa mặt biển rồi chỉ cho tôi: Đó là đảo Cồn Cỏ. Tôi nheo mắt ra phía biển, đảo Cồn Cỏ lúc đó nhỏ xíu lúc ẩn lúc hiện dưới lớp sóng lấp lánh nắng vàng mà lòng không khỏi bồi hồi: một hòn đảo nhỏ bé nhường kia đã mang trên mình một sứ mệnh thiêng liêng và cao cả: vọng gác tiền tiêu của tuyến lửa miền Bắc.

Nợ duyên Cồn Cỏ

Toàn cảnh Đảo Cồn Cỏ. Ảnh Internet

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, vỹ tuyến 17 dọc sông Bến Hải, thuộc tỉnh Quảng Trị được chọn làm mốc phân định giới tuyến quân sự tạm thời giữa 2 miền Bắc - Nam của Việt Nam. Vỹ tuyến 17 chia đôi đất nước. Nhát cắt ấy chia đôi tỉnh Quảng Trị, chia đôi huyện Vĩnh Linh kéo một vệt dài ra biển chia cắt Cồn Cỏ. Đảo Cồn Cỏ bị chia làm hai, phần lớn của đảo thuộc về phía Bắc vĩ tuyến, phần phía Nam chỉ là chỗ bến Ghè lúc ẩn lúc hiện khi triều lên xuống. Vậy nên Cồn Cỏ mới thuộc về miền Bắc và trở thành phần đất đầu sóng ngọn gió đúng nghĩa trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Nợ duyên Cồn Cỏ

Đại đội 13 pháo binh Vĩnh Linh bắn chi viện cho các chuyến chở hàng ra đảo Cồn Cỏ. Ảnh Internet

Bà nội tôi vào Đảng năm 1949, hồi đó vừa chớm tuổi 20, mang bí danh là Vân, là Bí thư Phụ nữ cứu quốc xã Kinh Duy, đồng thời là Ủy viên Ban chấp hành Phụ nữ cứu quốc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, hoạt động trong lòng địch. Những năm đó, kẻ thù điên cuồng tập trung cả không quân và hải quân bao vây đánh phá, dội hàng trăm tấn bom các loại xuống Cồn Cỏ. Đất Quảng Trị gồng mình gánh chịu mưa bom. Đội phụ nữ cứu quốc Vĩnh Linh, Hải Lăng, Gio Linh, Triệu Phong… anh hùng vừa bám đất, vừa bám biển, vừa chi viện hỗ trợ Cồn Cỏ giữ gìn từng tấc đất…

- Hồi đó bà đã được ra đảo chưa?

- Ra làm răng được con. Đường ra đảo Cồn Cỏ là con đường được mở bằng máu đấy!

Bà tôi nói thế rồi lại thở dài. Tôi biết lòng bà giờ đây đang như sóng duềnh lên những nỗi nhớ thương không dứt. Biết bao đồng đội, bao người thân của bà tôi đã tình nguyện lên đường tiếp tế cho đảo. Máu của họ đã nhuốm hồng mặt biển để giữ bằng được “con mắt thần ở Biển Đông”, bởi Cồn Cỏ là trạm gác cho đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, tiền đồ phòng thủ của miền Bắc, không thể để mất.

Nợ duyên Cồn Cỏ

Đảo Cồn Cỏ là một địa chỉ đỏ linh thiêng tại Quảng Trị. Ảnh Internet

Trong những ngày ác liệt đó, vì công tác bí mật, ông nội tôi được điều ra Bắc. Đó là một đêm mùa đông rét cắt da thịt. Ông tôi, bà tôi cùng hai người em được đưa qua sông. Từ đó, bà tôi biền biệt quê hương cho đến ngày Bắc - Nam hoàn toàn thống nhất. Sau này, trong trí nhớ bà tôi, qua những câu chuyện kể về quê hương Quảng Trị, tất cả chỉ gom lại đằng sau tiếng thở dài là những từ “nhớ lắm, thương lắm, xa lắm” nói ra trào nước mắt. Bởi thế, khi tôi hỏi bà: “... Có nỗi đợi nào dài hơn như thế nữa không? Có - tôi nhớ bà nội tôi trả lời - đó là nỗi đợi ngày thống nhất...”. Câu trả lời đó làm tôi nhói lòng khi bà tôi với tay vặn nhẹ chiếc radio mở một bài hát cũ “Câu hò bên bến Hiền Lương”: Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê... nghe cứ như tiếc nuối, day dứt. Lúc đó, tự nhiên trong lòng tôi mang theo chút nợ duyên, ước mong dẫu chỉ một lần thôi được ra Cồn Cỏ.

Chị Đào gọi điện cho tôi vào một ngày tháng Bảy rực nắng: “Về Cồn Cỏ cùng chị không?”, tôi vội vàng như sợ nếu chậm đi một xíu thôi mình sẽ tuột mất cơ hội ngàn năm có một: “Chờ em!”.

Chòng chành say sóng vượt hơn 27 km đường biển, rồi tôi cũng đặt chân lên đảo. Đảo xanh, biển xanh, đẹp đến mê lòng. Cồn Cỏ làm tôi ngạc nhiên. Trải qua bao mưa bom bão đạn, Cồn Cỏ có lúc tưởng như bị san phẳng bởi: “Cứ mỗi héc-ta đất Cồn Cỏ hứng chịu trên 22,6 tấn bom, đạn; mỗi chiến sĩ nơi đây phải đội trên mình 39,2 tấn; có những ngày 28 lần địch tập kích bằng đường không, pháo kích triền miên dội thâu đêm suốt sáng. Thậm chí phi công Mỹ khi đánh phá miền Bắc trở về, nếu không kịp cắt bom, chúng đều tìm cách trút hết xuống đảo…”. Ấy vậy mà trước mắt tôi, Cồn Cỏ như một hòn ngọc xanh với gần 80% diện tích trên đảo là rừng tự nhiên vẫn còn gần như nguyên vẹn và thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới quý hiếm trong số các đảo được hình thành bởi núi lửa giữa biển.

Nợ duyên Cồn Cỏ

Phòng truyền thống là điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến với đảo Cồn Cỏ. Ảnh Internet

Chúng tôi đi trong chiều lộng gió. Chị tôi đi trước chỉ cho tôi từng gốc cây, ngọn cỏ như từng quen thân. Chị kể cho tôi nghe, trong chuyến ra đảo lần này, Cồn Cỏ đã cho chị một cảm xúc mới. Bên chân sóng giữa đại dương là một quần thể phố phường cảng thị hiện hữu đầy sức sống. Những con đường tít tắp ôm bóng cây xanh đi qua khu dân cư đầm ấm… Hai trục đường trung tâm đảo là trụ sở của các ban, ngành; giữa đảo có một hồ dự trữ nước ngọt cho cả đảo đủ sức dùng quanh năm, cùng với hệ thống giếng bơm nước ngọt có khắp khu vực đảo đủ để dân cư trên đảo đủ dùng. Đêm xuống, từ ngoài khơi nhìn vào, Cồn Cỏ hiện ra dưới quầng sáng của đèn đường, của những dãy nhà cao tầng mang dáng dấp của một đô thị trẻ.

Với chủ trương “dân sự hóa”, năm 2002, mô hình “Đảo thanh niên” của Tỉnh đoàn Quảng Trị được hình thành. Hồi ấy, 43 thanh niên nhiệt huyết xung phong ra đảo lập nghiệp. Họ đã vượt qua mọi khó khăn, đem sức trẻ xây dựng cuộc sống. Có nhiều đôi đã nên duyên nơi đây, tình nguyện ở lại mảnh đất này!”. Chị Đào vừa đi, vừa nói chuyện khi chúng tôi rẽ vào một hộ gia đình mới tới đảo. Ngôi nhà nhỏ xinh vừa dựng còn thơm mùi vôi mới. Anh Tuấn, chủ nhà đón khách niềm nở, kể cho chúng tôi nghe bao điều về đảo.

Khi hỏi về việc duy trì cuộc sống, anh cho biết, ngoài việc tỉnh hỗ trợ gạo một năm rưỡi và chi phí sinh hoạt 1,2 triệu đồng/tháng/hộ trong năm đầu, để có thêm thu nhập, ban ngày, anh vào rừng hái lá thuốc nam bán cho khách du lịch, buổi tối đi biển bắt cá… “Khi gắn bó với hòn đảo này, chúng tôi nhận ra sự linh thiêng của Cồn Cỏ. Cồn Cỏ không chỉ là đảo tiền tiêu đầu sóng ngọn gió nữa mà giờ đây nó dần trở thành một hòn ngọc quý với hệ thực vật rất phong phú, là khu vực biển hội tụ của nhiều hệ sinh thái điển hình vùng biển nhiệt đới quý hiếm…”.

Nợ duyên Cồn Cỏ

Một góc huyện đảo Cồn Cỏ. Ảnh Internet

Tôi đạp xe quanh đảo khi mặt trời đang lừng khừng chưa nhô lên khỏi mặt biển, chợt giật mình vì tiếng gà râm ran gáy sáng. Tiếng gà sao mà thiết tha, nó như đánh thức mặt biển ngủ yên chợt rộn ràng vỗ sóng. Nó đánh thức cả chính lòng tôi về nỗi yêu quê hương thiết tha thuần chất. Tôi cũng không ngờ được rằng đã bao lâu rồi ở phố đôi khi thèm nghe một tiếng gà mà chịu. Vậy mà ở đảo xa này, cách đất liền hàng chục cây số, tiếng gà gáy sáng như át cả tiếng sóng, kiêu hãnh cất lên giữa biển trời như khẳng định: đất này là đất mẹ, đất này là quê hương, là máu thịt không rời.

Tôi thắp nén nhang trên đài tưởng niệm Cồn Cỏ trước khi rời đảo, cúi đầu xin nhặt một hòn đá cuội được bào mòn bởi năm tháng và thời gian của đảo về để nơi bàn làm việc làm kỷ niệm, đánh dấu những chặng đường tôi đã đi qua trong những tháng năm rong ruổi sống và viết. Hòn đá đó nhắc tôi về bà nội, về quê nội Quảng Trị máu và hoa luôn rực rỡ trong lòng…

Tháng 6/2022

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast