“Tà dương” và ý thức tự hủy của Dazai Osamu

Tháng 7/1947, Dazai Osamu lần đầu tiên cho xuất bản ’Tà dương’. Cuốn sách được xem là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác ngắn ngủi của ông.

ta duong va y thuc tu huy cua dazai osamu

Tác phẩm Tà dương của Dazai Osamui.

Tà dương (Sayou) kể câu chuyện về một gia đình quý tộc sa sút, rơi vào trạng thái khủng hoảng khi những giá trị truyền thống đang dần bị xem nhẹ, và hủy hoại. Ở đó các nhân vật chới với trong ánh chiều tà dần buông, ngồi nhìn trông ra xa xăm mà không biết cuộc đời mình rồi sẽ rơi xuống nơi nào bởi những lớp sóng đời xô nhau nghiệt ngã.

Người giữ cái cốt cách cao nhã, đẹp đẽ và tốt lành nhất mà cơn lốc của cách mạng, của sự đổi mới không thể nào lay chuyển được chính là người mẹ. Ở bà, ngay cả cái dáng ngồi ăn súp, cái dáng cúi xuống đi vệ sinh, cũng là biểu hiện phẩm chất cao quý bẩm sinh tự nhiên, không cần học đòi, không thể giả tạo.

Nhưng chuyện Dazai viết, sự tự hủy cũng sinh ra tự nhiên. Ở nhân vật người mẹ là cái tự hủy của cao nhã, sang trọng. Trong đời sống bát nháo với những nghiện ngập, đồi bại, bất hạnh ngoài kia, thì sự tự hủy của cái đẹp vốn là điều không mấy ngạc nhiên, nhưng nó khiến người ta trở nên bất hạnh, bi thiết và thu mình giam cầm trong cô độc.

Người mẹ cao quý kia, đang già đi, bệnh tật liên miên, và rồi cái ánh sáng đẹp đẽ còn leo lét của bà, thứ duy nhất để hai người trẻ trong gia đình có thể neo dựa vào mà sống cũng đã đến khoảnh khắc tắt lịm. Khi ấy, chỉ còn đêm tối bao trùm, cô độc và bế tắc.

Kazuko, người con gái luôn cố gắng sống mạnh mẽ, can đảm đã quyết định xin có con với Uehara, một kẻ thô bỉ, xấu xa, để mong có chỗ dựa. Cô mong muốn điều gì, cô đã đạt được gì, ngoài sự tự hủy tâm hồn. Cái cách lựa chọn của cô hoàn toàn không phải là cuộc vượt thoát như nhiều người vẫn bảo, mà nó chính là sự đầu hàng, sự thỏa hiệp, nó khiến tâm hồn cô trở nên chết lịm. Ở lại với đời sống này, trong sự đầu hàng khốn khổ này, cô còn lại gì ngoài thân xác trống rỗng, và mơ hồ. Cô là sự bất hạnh tồn tại, như rất nhiều thế hệ người Nhật trong công cuộc xóa bỏ và đồng hóa bởi cách mạng. Cái cao sang bị áp chế, bị xóa bỏ, chỉ còn lại cái bần tiện, hèn kém.

Nếu như Kazuko lựa chọn một cách tự hủy mà ánh mắt không thể soi chiếu tỏ bày được, thì Naoji, em trai cô, đã nhất quyết tự hủy thân xác mình, để giữ được chút ít những nét cao nhã còn sót lại. Không còn một lối thoát nào khác ngoài cái chết, dù anh đã thử hạ mình để sống một đời sống thường dân, nhưng ấy cũng là lúc nhu cầu tự hủy trong anh thét gào mạnh mẽ. Naoji là nhân vật phản chiếu rất nhiều hình ảnh tự thuật của chính tác giả, với cái chết trong nỗi bi quan cực đoan. Anh cũng như nhân vật trong Thất lạc cõi người, là điển hình cho cái u buồn, bi kịch, tự hủy cực đoan gần như một loại tín ngưỡng của người Nhật sau chiến tranh.

Dazai viết Tà dương bằng một lối văn giản dị như đời sống thường ngày, nhưng lại khiến độc giả ám ảnh. Văn chương của ông tỏa ra một thứ cảm xúc tự hủy tiêu cực khiến ai chạm vào đều dễ sa ngã trong niềm đau đớn cô độc. Ông là một trong những gương mặt tiêu biểu của nhóm tác gia Nhật hậu chiến: Vô Lại phái. Nhóm Vô Lại phái của Dazai có khuynh hướng chống lại thứ văn chương quy ước, diễm lệ, tải đạo, và họ đều có lối sống sa đọa đến tự hủy. Cuộc sống ấy, đã ảnh hưởng sâm đậm lên văn chương của họ, mà Dazai Osamu là một điển hình. Osamu đã 5 lần tự sát, và lần cuối cùng, năm 1948, một năm sau khi Tà dương hoàn thành, người ta phát hiện tử thi của Osamu trên một hồ nước ngọt gần sông Tamagawa, cùng với Tomie, người tình cuối cùng của ông.

Ngoài Tà dương, Dazai còn có hai tác phẩm nổi tiếng khác đã được dịch ở Việt Nam là Thất lạc cõi người và Nữ sinh, đều do dịch giả Hoàng Long chuyển ngữ. Ông được xem là nhà văn gây ám ảnh cực đoan nhất trong văn chương Nhật Bản.

Theo Zing.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast