Tết Trung thu nhớ bài thơ “Trăng ơi... từ đâu đến?”

(Baohatinh.vn) - Cậu bé thơ thần đồng Trần Đăng Khoa viết bài thơ này lúc lên mười tuổi, với cảm xúc rất hồn nhiên, nhưng giàu sự liên tưởng.

tet trung thu nho bai tho trang oi tu dau den

(Ảnh minh họa từ internet)

Trăng ơi... từ đâu đến?

Hay từ cánh rừng xa

Trăng hồng như quả chín

Lửng lơ treo trước nhà.

Trăng ơi... từ đâu đến?

Hay biển xanh diệu kỳ

Trăng tròn như mắt cá

Không bao giờ chớp mi.

Trăng ơi... từ đâu đến?

Hay từ một sân chơi

Trăng bay như quả bóng

Bạn nào đá lên trời.

Trăng ơi... từ đâu đến?

Hay từ lời mẹ ru

Thương Cuội không được học

Hú gọi trâu tới giờ!

Trăng ơi... từ đâu đến?

Hay từ đường hành quân

Trăng soi chú bộ đội

Và soi vàng góc sân.

Trăng ơi... từ đâu đến?

Trăng đi khắp mọi miền.

Trăng ơi có nơi nào

Sáng hơn đất nước em...

1968

Trần Đăng Khoa

Ánh trăng rằm lồng lộng trong đêm Trung thu đã làm xao xuyến tâm hồn trẻ thơ bao thế hệ. Nhất là các em ở vùng nông thôn, vầng trăng ấy biết bao thân thiết và gần gũi. Cậu bé thơ thần đồng Trần Đăng Khoa viết bài thơ này lúc lên mười tuổi, với cảm xúc rất hồn nhiên, nhưng giàu sự liên tưởng. Bài thơ sử dụng điệp khúc từ đầu đến khổ thơ cuối: Trăng ơi... từ đâu đến?

Nhịp thơ năm chữ cứ đều đều như nhịp trống tùng… dinh… dinh… của các em rước đèn phá cỗ đêm Trung thu đầy háo hức. Tiết tấu của từng câu thơ, khổ thơ được diễn biến theo trình tự thời gian của vầng trăng. Bắt đầu trăng không phải từ trong vũ trụ mà từ cánh rừng xa, với sự liên tưởng “trăng là con đẻ của cây” tạo nên “quả chín” lửng lơ treo trước nhà. Đấy là quà tặng của cây dành cho trẻ thơ trong đêm Trung thu đấy. Màu hồng của trăng như trái chín, tức là khi vầng trăng mới lấp ló, khoảng cách của trăng cũng gần như quả chín trên cây có thể hái được, nắm bắt được.

Trăng ơi... từ đâu đến?

Hay biển xanh diệu kỳ

Trăng tròn như mắt cá

Không bao giờ chớp mi

Một sự so sánh rất thông minh qua hình tượng trăng tròn như mắt cá nhưng mắt cá ấy không bao giờ chớp mi bởi ánh sáng của con mắt ấy vừa dịu dàng, vừa mênh mông, đắm đuối. Dường như thế giới trong trăng là một thế giới thần tiên, lung linh, được trăng chia đều.

Từ khoảng cách xa của rừng và biển, trăng dịch chuyển tới gần góc sân gia đình và chung niềm vui cùng trẻ nhỏ. Vầng trăng như “quả bóng” được các em thỏa thích, vui chơi. Nhưng rồi, mạch thơ không dừng lại ở đây, tứ thơ được nâng lên, vượt ra khỏi cái nhìn của trẻ thơ:

Trăng ơi... từ đâu đến?

Hay từ lời mẹ ru

Thương Cuội không được học

Hú gọi trâu đến giờ.

Ở khổ thơ này, vầng trăng không nằm ngoài sự quan sát, so sánh, tưởng tượng nữa, vầng trăng đã “lặn vào” bộc lộ nội tâm. Vầng trăng sáng cho trẻ thơ vui chơi trong đêm trăng rằm này, nó cũng được nuôi dưỡng từ trong ca dao cổ tích. Hình ảnh gốc đa chú Cuội ngồi trong trăng xa vời vợi ấy lại đến cùng với các em.

Phải chăng, nhắc tới chuyện này để yêu hơn những câu chuyện truyền thuyết ca ngợi vầng trăng của người xưa? Mặt khác, cấu trúc của bài thơ được sắp rất lô-gíc để bật lên sức sống mãnh liệt của dân tộc. Vầng trăng rằm đêm Trung thu hiện lên trong hoàn cảnh cả nước hành quân ra tuyến lửa. Hình ảnh “trăng soi chú bộ đội” và “soi vàng góc sân” khiến người đọc hiểu sâu thêm rằng: Vì một vầng trăng hòa bình, vì hạnh phúc của đêm Trung thu trẻ thơ mà người lính phải ra đi chiến đấu.

Trăng ơi có nơi nào?

Sáng hơn đất nước em.

Câu hỏi để dành trăng trả lời, nhưng đó chính là sự trả lời thay trăng của trẻ thơ cho nhân loại biết rằng: đất nước Việt Nam dẫu còn nhiều gian lao, vất vả, nhưng vẫn sáng ngời lên dưới ánh trăng những làng quê hồn hậu và đầy sức sống, tình người.

Phan Thế Cải

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast