Về nơi trẻ em đốt đuốc đi học...

(Baohatinh.vn) - Mùa khô thiếu nước, mùa mưa cô lập, việc học hành của con em gián đoạn; người dân mỗi năm vài lần đi chợ trung tâm xã... Vùng đất khai hoang từ thời bao cấp để hưởng ứng chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới, đến nay, trải qua 45 năm, người dân làng Địa Lợi, thuộc xã Hương Thủy (Hương Khê) vẫn đang sống trong cảnh thiếu thốn đủ bề.

Đi đường đất, ăn nước ao, tắm nước sông

Chỉ cách QL 15A hơn 3 km và cách trung tâm xã Hương Thủy khoảng 6 km, nhưng đường vào làng Địa Lợi vẫn hết sức gập ghềnh. Anh Phan Văn Chung - người dẫn đường, đón chúng tôi từ tận QL 15A than thở: “Địa Lợi khổ lắm, anh chị không tưởng tượng được mô”.

ve noi tre em dot duoc di hoc

Đường vào làng Địa Lợi trơn trượt, nhiều “chướng ngại vật”.

Quả thật, con đường vòng qua những ngọn đồi cao su ước chừng hơn 3 km nhưng phải mất hơn 30 phút, chúng tôi mới đặt chân đến làng. Gọi là đường cho oai chứ thực ra chỉ đủ một làn xe máy. Con đường như sợi dây thừng vắt quanh những ngọn đồi, do người dân trong làng tự tạo lối mòn mà thành. Vẻ hoang sơ đến lạ. Không có bất cứ một dấu hiệu nào để chúng tôi có thể tin phía cuối lối đi này sẽ có sự sống của con người. Nhận ra sự ngỡ ngàng của chúng tôi, anh Chung vội giải thích: “Để vào làng có 4 con đường, nhưng đây là đường an toàn nhất, đặc biệt là trong 7 tháng mùa mưa. Các con đường khác nhiều đèo dốc, lại bị xói lở, trơn trượt, đi lại rất nguy hiểm”.

ve noi tre em dot duoc di hoc

Để vào làng nhanh nhất chỉ có cách đi đò

Làng Địa Lợi là cái tên được người dân ở đây tự quy ước, tên gọi chung của 15 hộ với 53 nhân khẩu, thuộc các xóm 5, 6, xã Hương Thủy. Vào tận làng, chúng tôi mới hiểu thêm được từ “khổ” mà anh Chung nhắc đến. Ở đây, người dân vẫn phải dùng nước ao để ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Cái ao rộng chừng 20 m2, sâu hơn 6m, nước vẫn còn đục ngầu, trở thành bể chứa nước sinh hoạt của gia đình anh Chung. Đến mùa khô, nước khan hiếm, ao nước này chỉ dùng để nấu ăn, uống, còn các sinh hoạt như tắm, giặt đều sử dụng nước sông.

ve noi tre em dot duoc di hoc

Ao nước này được gia đình anh Chung sử dụng để sinh hoạt cho cả nhà suốt những năm qua

Câu chuyện trở nên “đắng” hơn khi vợ anh - chị Mai Thị Nguyệt, từ tận Ninh Bình về đây đã hơn 4 năm nhưng vẫn chưa biết… chợ nằm ở đâu. Không chỉ chị Nguyệt, mà với nhiều phụ nữ ở đây, mỗi tháng đi chợ một lần là nhiều, thậm chí đến mùa mưa, hàng tháng trời, họ không thể ra khỏi làng. Việc chuyển người bệnh đi cấp cứu, sinh đẻ là cả một vấn đề... Cựu chiến binh Đặng Văn Vinh - một trong những người già nhất làng, đau yếu thường xuyên, nhưng hiếm khi đi bệnh viện. “Khi quá đau yếu, bà đến hiệu thuốc, kể triệu chứng rồi mua thuốc về cho ông. Đưa ông đi viện, ông không chịu vì đường đi khó quá, sợ ngã”, bà Đặng Thị Lý - vợ ông Vinh bày tỏ.

Điện tạm bợ, trẻ em đốt đuốc đi học…

Năm 2000, người Địa Lợi “đón” điện về làng muộn hơn 4 năm so với các địa phương trong huyện; tuy nhiên, vẫn chỉ kẻ có, người không. Phải đến 2 năm sau, điện mới chính thức “phổ cập”. Do ít kinh phí, đường điện tạm bợ, năm nào lụt to, cột điện bị trôi, làng phải dựng lại. Năm 2010, sau cơn lũ lịch sử, bà con đóng góp hơn 20 triệu đồng xây dựng lại đường điện. Tưởng chừng kiên cố, nhưng cuối cùng vẫn phải chịu thua thiên tai. Đến bây giờ, đường điện vẫn phải chống cột tre chằng chịt, cả xóm dùng chung một công tơ tổng đặt ở bên kia bờ sông. Mặc dù điện phập phù, nhưng người dân phải trả hơn 3.000 đồng/kW/h.

ve noi tre em dot duoc di hoc

Đường dây diện vào thôn qua một đồng hồ tổng bên kia sông, cột điện là những cọc tre nghiêng ngả

Vùng đất Địa Lợi có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế trang trại. Dù không có nhiều đất sản xuất lúa, hoa màu nhưng bù lại, diện tích đất đồi lớn, người dân đã biết phát huy “thiên thời, địa lợi”, trồng các loại cây dài ngày như cam, bưởi, hoặc trồng rừng, kết hợp chăn nuôi… Ngặt nỗi, giao thông hiểm trở, sản phẩm làm ra giá bán chỉ còn một nửa so với vùng lân cận, thậm chí, không thể bán được. Theo lời kể của người làng, anh Phan Xuân Phương nuôi 20 con lợn thương phẩm, với bao kỳ vọng có thêm khoản thu nhập lớn. Nhưng lợn đến lứa xuất chuồng, gặp mưa lũ liên tiếp, thương lái không tìm đến mua, gia đình cũng không vận chuyển lợn ra ngoài được, đành ngậm ngùi tự làm thịt, nhờ người trong làng mua ủng hộ, chấp nhận lỗ vốn.

Gần 45 năm qua, làng Địa Lợi mới chỉ có 3 người tốt nghiệp trung học phổ thông. Những người có trình độ học vấn cao nhất làng nhờ được gửi học ở những nhà người thân, địa phương khác, mới có thể theo học đến cùng. Phần lớn học sinh chỉ học đến cấp 2 rồi bỏ. Đường sá khó khăn, với học sinh tiểu học, vào mùa mưa, cứ khoảng 4-5h sáng, cha, mẹ phải đốt đuốc, soi đèn cõng con ra sông rồi chèo đò đưa đến trường.

Anh Chung bùi ngùi: “Ở tuổi chúng tôi, đứa nào cố lắm thì theo học được hết lớp 9, hầu hết đành bỏ giữa chừng. Giờ đi xin việc, không có bằng cấp, khó khăn lắm. Người lớn khổ mấy cũng được, chỉ thương và lo cho tương lai của các con”.

ve noi tre em dot duoc di hoc

Cả làng không có nổi một đoạn đường bê tông, thậm chí để đi sang nhà hàng xóm người dân còn phải đi qua cây “cầu khỉ” chông chênh.

“Lực bất tòng tâm...”

Chủ tịch UBND xã Hương Thủy Nguyễn Ngọc Thọ cho hay: Tuy xã biết rất rõ những khó khăn của làng Địa Lợi nhưng việc giải quyết nằm ngoài khả năng của địa phương. Không chỉ làng Địa Lợi, cuộc sống của bà con toàn xã nói chung đang gặp nhiều khó khăn. Hơn 98% người dân sản xuất nông nghiệp, tổng thu ngân sách hàng năm của xã không quá 200 triệu đồng. Riêng vấn đề giao thông ở Địa Lợi, xã đã tiến hành rà soát, nhưng do diện tích rộng, dân số thưa thớt nên lại càng khó khăn.

ve noi tre em dot duoc di hoc

Người dân giãi bày tâm sự

Rời làng Địa Lợi khi trời nhá nhem tối. Con đường nhỏ càng trở nên hun hút. Cái lạnh của vùng núi như càng lạnh hơn. Trở về với miền xuôi, nơi cuộc sống phồn hoa, sôi động, chúng tôi mong muốn có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền Hương Khê và sự đồng hành, chung tay của cộng đồng, để một ngày không xa, cuộc sống người dân nơi đây sẽ khấm khá lên; trẻ em được đến trường và những tâm sự buồn của bà con làng Địa Lợi sẽ sớm lùi vào quá khứ.

Đọc thêm

Cảm ơn đồng bào!

Cảm ơn đồng bào!

Trong cơn hoạn nạn do bão Yagi gây ra, người Hà Tĩnh cùng đồng bào cả nước đã chung tay cùng bà con miền Bắc khắc phục khó khăn, tái thiết sau thiên tai. Giờ đây, những bản làng, thôn xóm trên ấy đã xôn xao nhịp sống mới...
Học sinh Trí Đức rộn ràng chào xuân mới 2025

Học sinh Trí Đức rộn ràng chào xuân mới 2025

Các hoạt động chào xuân là dịp để các bạn nhỏ Trường Mầm non Trí Đức (TP Hà Tĩnh) được vui chơi, hiểu thêm về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Muôn sắc màu tại Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Muôn sắc màu tại Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025 trưng bày nhiều ấn phẩm báo chí, phản ánh sự sáng tạo và đổi mới trong công tác tuyên truyền của báo chí Hà Tĩnh và cả nước trong kỷ nguyên số.
Thủ khoa trường làng chia sẻ đam mê Hóa học

Thủ khoa trường làng chia sẻ đam mê Hóa học

Nguyễn Nam Tiến - Trường THCS Kỳ Long (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã trở thành niềm tự hào khi trở thành thủ khoa môn KHTN - B (Hóa học) trong Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 9 vừa qua.