“Vén màn bí mật” của cha con ngư dân sát hại đồng nghiệp

(Baohatinh.vn) - Dù cha con bị cáo kiên quyết phủ nhận đã đánh chết một ngư dân, song, các kết quả khám nghiệm, vật chứng… chính là “bằng chứng thép” tố cáo hành vi giết người, buộc 2 kẻ phạm tội chịu tổng hình phạt 31 năm tù giam, do TAND Hà Tĩnh tuyên phạt.

Ngày 29/3/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh mở phiên tòa xét xử 2 bị cáo Nguyễn Văn Pháp (SN 1959) và Nguyễn Văn Đức (SN 1994), cùng trú thôn Tân Trung Thủy, xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) về tội “Giết người”. Vụ án nhận được sự quan tâm của đông đảo người tham dự bởi các bị cáo là 2 cha con trong vụ án mạng gây rúng động dư luận hồi tháng 5/2022.

“Vén màn bí mật” của cha con ngư dân sát hại đồng nghiệp

Nguyễn Văn Pháp (SN 1959) và Nguyễn Văn Đức (SN 1994, cùng trú thôn Tân Trung Thủy, xã Cẩm Lộc, Cẩm Xuyên) tại phiên toà sơ thẩm xét xử về tội “Giết người”.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, khoảng 14h ngày 30/5/2022, Nguyễn Văn Pháp cùng Nguyễn Văn Đức đánh cá tại vùng biển thuộc xã Yên Hòa (Cẩm Xuyên). Do thiếu quan sát, Đức điều khiển thuyền đè lên phao và cờ đánh dấu lưới đánh cá của ông T. nên hai bên lời qua tiếng lại.

Lúc này, Đức đã nhường vị trí lái lại cho cha, còn bản thân cầm 1 mái chèo bằng gỗ đứng trước mũi thuyền. Khi Pháp điều khiển thuyền va vào thuyền của ông T., Đức đã dùng mái chèo đánh 3 phát vào đối phương. Tiếp đó, Pháp dùng “khấu” (làm bằng thân tre khô có gắn móc kim loại hình lưỡi câu) đánh tiếp vào nạn nhân.

Sau khi bị đánh, ông T. rơi xuống biển. Thấy vậy, Pháp và Đức kéo ông T. lên thuyền sơ cứu rồi chèo vào bờ để nhờ người hỗ trợ nhưng lúc này ông T. đã tử vong.

“Vén màn bí mật” của cha con ngư dân sát hại đồng nghiệp

Đại diện Viện kiểm sát công bố bản cáo trạng.

Tại tòa cả Nguyễn Văn Pháp lẫn Nguyễn Văn Đức đều giữ thái độ bình thản. Trả lời câu hỏi của đại diện viện kiểm sát lẫn hội đồng xét xử (Hội đồng xét xử), các bị cáo kiên quyết phủ nhận hành vi phạm tội của mình. 2 bị cáo khẳng định, cái chết của ông T. là sự cố, xuất phát từ va chạm giữa thuyền của hai bên khiến nạn nhân rơi xuống biển.

Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả khám nghiệm tử thi, khám nghiệm phương tiện, vật chứng, các kết luận giám định của cơ quan điều tra, ông T. bị chấn thương sọ não, tử vong do ngạt. Điều đó cho thấy, việc các bị cáo chối tội hoàn toàn không có cơ sở.

Bên cạnh đó, ngày 10/6/2022, Nguyễn Văn Pháp và Nguyễn Văn Đức đã đến Công an huyện Cẩm Xuyên đầu thú. Tại đây, Pháp và Đức đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Các lời khai của cả 2 trong quá trình điều tra phù hợp với các tài liệu, chứng cứ và có sự thống nhất. Trong khi đó, lời chối tội tại phiên xử sơ thẩm lại mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với tài liệu, chứng cứ khác.

Trước khi đưa vụ án ra xét xử, Hội đồng xét xử cũng đã lường trước việc Nguyễn Văn Pháp và Nguyễn Văn Đức có sự thay đổi lời khai. Chính vì vậy, để “vén màn bí mật” của vụ án, chủ tọa phiên tòa đã quyết định tách riêng 2 bị cáo nhằm lấy lời khai, đảm bảo tính khách quan. Kết quả cho thấy, lời khai của Pháp và Đức có sự mâu thuẫn. Tuy nhiên, để đảm bảo quá trình xét xử đúng người, đúng tội, Hội đồng xét xử đã tuyên tạm hoãn phiên tòa nhằm làm rõ hơn các tình tiết trong vụ án.

“Vén màn bí mật” của cha con ngư dân sát hại đồng nghiệp

Đông đảo người dân đến tham dự phiên xử.

Đến ngày 28/4/2023, vụ án “Giết người” do Nguyễn Văn Pháp và Nguyễn Văn Đức gây ra được Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xét xử lại. Tại phiên xử, 2 bị cáo tiếp tục quanh co, chối tội. Tuy nhiên, kết quả khám nghiệm tử thi, khám nghiệm phương tiện, vật chứng, các kết luận giám định của cơ quan điều tra và lời khai mâu thuẫn của cả 2 chính là “bằng chứng thép” tố cáo hành vi giết người của 2 cha con.

Hội đồng xét xử nhận định, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt, song, cả 2 lại thiếu kiềm chế, sẵn sàng tước đoạt mạng sống của người khác. Đây là hành vi hết sức manh động, mất nhân tính. Bên cạnh đó, sau khi bị Nguyễn Văn Đức đánh vào người, dù nạn nhân đã ở “thế yếu”, song, Nguyễn Văn Pháp vẫn tiếp tục đánh. Tại phiên tòa, cả 2 vẫn không thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Điều đó thể hiện, các bị cáo không chỉ coi thường sức khỏe, tính mạng của người khác mà còn coi thường luật pháp. Do vậy, cần mức án nghiêm khắc, phải cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian dài nhằm mục đích răn đe, giáo dục và có tác dụng phòng ngừa.

“Vén màn bí mật” của cha con ngư dân sát hại đồng nghiệp

Trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử đã xem xét khách quan, toàn diện các chứng cứ, hồ sơ vụ án.

Sau khi đánh giá toàn diện vụ án, cân nhắc các tình tiết, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt 2 bị cáo tổng hình phạt 31 năm tù giam; trong đó, Nguyễn Văn Pháp 16 năm tù và con trai Nguyễn Văn Đức 15 năm tù về tội “Giết người”.

Sai lầm nào cũng phải trả giá, và pháp luật không thể khoan hồng cho những tội phạm không tự nhận ra sai phạm của mình…

Chủ đề Tòa tuyên án

Chủ đề Chuyện vụ án

Đọc thêm

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

Thời gian gần đây, một số nhóm thanh thiếu niên tụ tập đi xe máy mang theo hung khí, lạng lách, đánh võng, rú ga trên một số tuyến đường ở Hà Tĩnh đã gióng lên hồi chuông báo động.
Hứa… không giữ lời hứa!

Hứa… không giữ lời hứa!

Lừa góp vốn đầu tư làm ăn rồi chiếm đoạt của một bị hại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền 1,6 tỷ đồng, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Hứa (trú tỉnh Bình Dương) vẫn quanh co chối tội.
Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.