Vì sao bưởi Phúc Trạch ra hoa muộn, nụ teo tóp?

(Baohatinh.vn) - Theo cơ quan chuyên môn, thời điểm cây bưởi Phúc Trạch (Hương Khê - Hà Tĩnh) làm búp đã gặp rét đậm, mưa phùn, sương muối; sau đó, búp hoa bị nhiều loại côn trùng chích hút, làm cho vỏ đầu búp bị sần cứng, không phát triển và bung nở được.

Vì sao bưởi Phúc Trạch ra hoa muộn, nụ teo tóp?

Thời điểm này, nhiều vườn bưởi Phúc Trạch ở Hương Khê vẫn chưa có hoa.

Thông thường, cây bưởi Phúc Trạch sẽ nở hoa vào dịp tết Nguyên đán hay đầu tháng Giêng âm lịch. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hoa bưởi mới chỉ chớm nở lác đác. Không ít vườn bưởi đến nay vẫn chưa có hoa.

Vì sao bưởi Phúc Trạch ra hoa muộn, nụ teo tóp?

Lứa hoa bưởi đầu tiên của gia đình chị Đặng Thu Hoài có hiện tượng dị hình.

Gia đình chị Đặng Thu Hoài (thôn 3, xã Phúc Đồng) có 550 gốc bưởi Phúc Trạch. Năm 2022, bưởi được mùa và mang về khoản thu nhập cho gia đình 180 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện đã cuối tháng Giêng nhưng vườn bưởi chị mới chỉ bắt đầu ra hoa khoảng 10-15%.

Vì sao bưởi Phúc Trạch ra hoa muộn, nụ teo tóp?

Nhiều nụ hoa bị mù, không có nhụy và phấn.

Chị Hoài lo lắng: “Chúng tôi đã bón phân từ cuối mùa vụ trước để bổ sung dưỡng chất và phun các loại thuốc kích thích ra lộc, ra hoa nhưng năm nay cây bưởi vẫn ra hoa khá muộn. Lứa hoa đầu có nhiều nụ bị mù, không thể bung hoa, không có nhụy, không có phấn. Nếu những lứa hoa tiếp theo vẫn diễn ra tình trạng này thì nguy cơ mất mùa rất cao”.

Tại xã Hương Trạch, dù là người có kinh nghiệm và sử dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật để chăm sóc bưởi nhưng anh Trần Xuân Loát (Giám đốc HTX Nông nghiệp Choa) vẫn không khỏi lo lắng cho vụ bưởi đặc sản năm nay.

Vì sao bưởi Phúc Trạch ra hoa muộn, nụ teo tóp?

Anh Trần Xuân Loát lo lắng khi bưởi ra hoa muộn hơn những năm trước.

Theo anh Loát, hoa bưởi đầu mùa các năm thường rất to và đẹp nhưng năm nay thì rất xấu, bông hoa teo tóp không có nhụy, lộc cũng nhỏ hơn thường lệ. Có thể do năm nay nay nhuần hai tháng 2 (âm lịch) nên thời tiết thay đổi làm ảnh hưởng rất lớn đến chu kỳ ra hoa của cây bưởi. “10 năm trồng bưởi mà chúng tôi chưa thấy năm nào hoa bưởi có tình trạng này. Theo những người có kinh nghiệm hơn trong vùng, tình trạng ra hoa của bưởi năm nay cũng rất hiếm gặp” - anh Loát cho biết.

Vì sao bưởi Phúc Trạch ra hoa muộn, nụ teo tóp?

Hiện tượng dị hình của hoa bưởi là do thời tiết rét đậm trong giai đoạn cây làm nụ.

Việc cây bưởi ra hoa muộn khiến nhiều hộ trồng ở Hương Khê phải tìm nhiều biện pháp ứng phó. Hầu hết các hộ trồng chấp nhận tốn thêm một phần chi phí để phun tưới thuốc kích hoa. Anh Trương Văn Hiếu - một chủ vườn tại xã Hương Thủy chia sẻ, là năm nhuần và thời tiết nóng, lạnh thất thường nên cây bưởi ra hoa muộn, có các hiện tượng dị thường. Việc cần làm nhất là tiếp tục phun thuốc kích thích hoa và hi vọng thời tiết thuận lợi hơn để cứu vãn cho những lứa hoa tiếp theo.

Ông Võ Tá Tài - cán bộ kỹ thuật Trại Giống bưởi Phúc Trạch (xã Phúc Trạch) cho biết: "Thực tế mùa hoa bưởi không muộn thời vụ vì năm nay nhuần 2 tháng hai âm lịch. Trước thời vụ ra hoa vừa rồi có đợt rét nên một số cây bưởi chậm bung hoa một vài ngày. Những ngày tới, thời tiết nắng ấm hơn, cây bưởi sẽ bung hoa đại trà.

Về hiện tượng hoa dị hình có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chính là do khí hậu thời tiết. Thời điểm cây bưởi đang trong giai đoạn làm búp gặp rét đậm, mưa phùn và sương muối. Cùng đó, thời gian ra búp bị nhiều loại côn trùng chích hút, đặc biệt là bọ trĩ, rệp, bọ xít, nhện… hút hết dịch và dinh dưỡng ở đầu hoa làm cho vỏ đầu hoa bị sần cứng lại, không phát triển và không bung ra được. Trong khi đó, noãn và nhụy phía trong vẫn phát triển bình thường làm cho hoa bị nứt ngang, dẫn đến hiện tượng dị hình.

Bên cạnh đó, một số gia đình chăm sóc chưa đúng kỹ thuật, phun thuốc quá nồng độ và liều lượng hoặc trộn quá nhiều loại thuốc với nhau để phun gây hiện tượng ngộ độc làm cho hoa bị sần; chế độ dinh dưỡng, cây yếu rễ ko hút đủ dinh dưỡng để nuôi hoa".

Vì sao bưởi Phúc Trạch ra hoa muộn, nụ teo tóp?

Người dân cần tranh thủ “tranh mưa, cướp nắng” để phòng trừ dịch hại bảo vệ lộc và hoa.

Các nhà chuyên môn cũng khuyến cáo, để chuẩn bị tốt cho quá trình thụ phấn, bà con cần “tranh mưa, cướp nắng” để phòng trừ dịch hại bảo vệ lộc và hoa. Giai đoạn này bà con cần sử dụng thuốc trừ sâu, nấm, bọ trĩ và kết hợp canxi-bo tăng sức đề kháng cho hoa, thúc đẩy quá trình phát nụ, giảm rụng nụ và giảm khả năng gây hại của sâu bệnh.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast