Việt Nam thực hiện ca ghép tế bào gốc chữa xơ phổi đầu tiên trên thế giới

Tạp chí American Journal of Case Reports (Mỹ) vừa công bố trường hợp đầu tiên trên thế giới ghép tế bào gốc chữa xơ phổi thành công được thực hiện tại Bệnh viện Vinmec, Hà Nội.

viet nam thuc hien ca ghep te bao goc chua xo phoi dau tien tren the gioi

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm và ê kíp thực hiện ghép tế bào gốc cho bệnh nhân

Trong số ra tháng 10/2017, tạp chí khoa học uy tín hàng đầu thế giới American Journal of Case Reports đã công bố công trình nghiên cứu về trường hợp đầu tiên ghép tế bào gốc chữa xơ phổi thành công trên thế giới. Công trình do nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu tế bào gốc - Công nghệ gene Vinmec do GS.TS Nguyễn Thanh Liêm dẫn đầu thực hiện.

Trường hợp ghép tế bào gốc chữa xơ phổi là một trẻ sinh non ở tuần 30, nặng 1,5 kg. Tháng 5/2016, bệnh nhi nhập viện khi mới 4 tháng tuổi, đang trong tình trạng nhiễm trùng do thở máy kéo dài. Trẻ đứng trước nguy cơ tử vong do nhiễm trùng tái diễn và tăng áp lực động mạch phổi bởi các phương pháp điều trị truyền thống không phát huy tác dụng.

Sau một thời gian điều trị, tháng 9/2016, Bệnh viện Vinmec đã tiến hành ghép tế bào gốc cho bệnh nhi. 4 tuần sau, trẻ có thể tự thở, hoàn toàn cai được oxy. Hiện tại, cháu bé đã 22 tháng tuổi, phát triển tương đương trẻ sinh đủ tháng.

“Y văn thế giới chưa ghi nhận các phương pháp truyền thống giúp điều trị dứt điểm xơ phổi nặng ở trẻ sinh non. Trong khi đó, ghép tế bào gốc có thể mang lại hiệu quả triệt để bởi khả năng ngăn chặn và làm giảm quá trình xơ hóa phổi, đồng thời có thể biệt hóa thành phế nang mới giúp cải thiện cấu trúc và chức năng phổi. Nhờ đó, trẻ có thể tự thở, không cần lệ thuộc máy”, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết.

Sau ca đầu tiên này, Bệnh viện đã ghép tế bào gốc chữa xơ phổi thành công cho 2 trường hợp sinh non khác ở tuần 26 và 31 của thai kỳ.

Thành tựu đột phá này đã tạo bước ngoặt lớn trong lĩnh vực nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sinh non yếu. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non cần chăm sóc đặc biệt. Trong đó, 30-80% trẻ sinh non yếu ở tuần 26-28 có nguy cơ tử vong trong 2 năm đầu tiên do xơ phổi, nhiễm trùng, tăng áp lực động mạch phổi. Tỉ lệ này sẽ tăng lên đến 80-90% khi sinh non yếu ở tuần 24-25. Đặc biệt, 50% trẻ sinh non được cứu sống phải nhập viện trên 5 lần/năm do viêm phổi.

American Journal of Case Reports là tạp chí y học uy tín nhất trên thế giới chuyên công bố các phương pháp điều trị và chẩn đoán mới có tính đột phá hoặc công bố các bệnh lần đầu được phát hiện. Các bài báo đăng tải trên tạp chí sẽ đồng thời được đưa vào PubMed - thư viện y khoa điện tử của Mỹ - nơi công bố các công trình nghiên cứu có giá trị trong lĩnh vực y học để giới khoa học toàn cầu có thể tra cứu, tham khảo.

Theo VGP News

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.