Vốn chính sách giúp người nghèo thay đổi tư duy làm kinh tế

(Baohatinh.vn) - Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Tĩnh đã và đang tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo trên địa bàn tiếp cận vốn vay ưu đãi đầu tư sản xuất, cải thiện đời sống.

Chị Phan Thị Tuyết (thôn 4, xã Phúc Đồng) luôn trân quý từng đồng vốn mà Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hương Khê cho vay.

Với chị, “cần câu” được trao gửi đã trở thành nguồn lực để gia đình mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trong thời điểm đời sống chật vật nhất.

Lãnh đạo Ngân hàng CSXH huyện Hương Khê kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay hộ nghèo, hộ cận nghèo tại xã Phúc Đồng.

Chị Tuyết tâm sự: “Hoàn cảnh tôi trước đây rất khó khăn. Chồng sức khoẻ yếu, con đông, cuộc sống chỉ nhìn cả vào mấy sào ruộng. Rất may gia đình được vay 50 triệu đồng theo diện hộ cận nghèo từ Ngân hàng CSXH huyện. Có vốn trong tay, tôi mạnh dạn bước những bước đầu tiên trên hành trình thay đổi tư duy để tự chủ về kinh tế”.

"Chúng tôi bắt đầu khai khẩn vườn tược, trồng cây ăn quả và chăn nuôi bò sinh sản. Cuộc sống dần ổn định, năm 2019 gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó. Rồi Ngân hàng CSXH lại đồng hành cùng tôi khi cho vay 90 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo và 50 triệu đồng từ chương trình khác để tiếp tục phát triển kinh tế. Đến nay, điều kiện khá giả hơn, gia đình đã có tích góp, đầu tư cho con cái học nghề, xuất khẩu lao động” – chị Tuyết không dấu nổi niềm vui.

Gia đình chị Phan Thị Tuyết là một trong hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo của huyện Hương Khê được tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH để từng bước vươn lên, ổn định cuộc sống.

Ông Lê Viết Thông – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Hương Khê cho biết: “Tính đến 30/6/2023, tổng dư nợ của đơn vị đạt 566 tỷ đồng, tăng 42 tỷ đồng so với đầu năm với 10.518 khách hàng đang có dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đạt gần 238 tỷ đồng với 4.963 khách hàng đang phát sinh dư nợ”.

Nguồn vốn Ngân hàng CSXH góp phần quan trọng giúp người nghèo huyện Hương Khê thay đổi tư duy làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, tỷ lệ hộ nghèo tại Hương Khê đã giảm rõ rệt: năm 2021 là 5,98%, năm 2022 giảm còn 4,63%; tỷ lệ hộ cận nghèo năm 2021 là 6,12%, năm 2022 giảm còn 4,46%.

Hà Tĩnh đang tập trung triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách dành cho người nghèo.

Tại huyện Kỳ Anh, dòng vốn chính sách cũng đã đến với nhiều hộ nghèo, cận nghèo.

Gia đình anh Thiều Sinh Pháp (thôn Quảng Ích, xã Kỳ Khang) là hộ cận nghèo. Trước đây làm nghề giao hàng song công việc vất vả, bấp bênh nên anh không thể gắn bó. Đời sống gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn sản xuất nên việc được tiếp cận nguồn vốn chính sách với anh Pháp càng trở nên quý giá.

“Năm 2021, tôi được vay 80 triệu đồng theo chương trình hộ cận nghèo. Có vốn, tôi quyết tâm đầu tư chăn nuôi bò thịt. Lứa này gối lứa kia, đến nay quy mô đàn đã lên 9 con với doanh thu ngày càng tăng. Nguồn vốn cùng sự định hướng trong phát triển mô hình của Ngân hàng CSXH giúp tôi nâng cao nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên trong sản xuất" – anh Pháp chia sẻ.

Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh tạo điều kiện tiếp vốn cho người dân phát triển kinh tế.

Ông Phạm Anh Đức – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh cho hay: “Đến 30/6/2023, dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại huyện đạt gần 722 tỷ đồng, tăng hơn 50 tỷ đồng so với cuối năm 2022 với 13.077 người dân được tham gia vay vốn. Trong đó, dư nợ 3 chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đạt trên 375 tỷ đồng, tăng hơn 13 tỷ đồng so với đầu năm với 6.882 người dân vay vốn”.

Cũng theo ông Phạm Anh Đức, 20 năm thực hiện Nghị định 78/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Kỳ Anh đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, khắc phục tình trạng thiếu vốn sản xuất. Qua đó góp phần tạo việc làm cho gần 10.000 lao động, gần 22.000 hộ thoát ngưỡng đói nghèo, trên 4.000 hộ cải thiện đời sống; gần 5.000 hộ có chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn; xây dựng, sửa chữa trên 1.900 căn nhà ở cho hộ nghèo...

Tổng dư nợ 3 chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo của Ngân hàng CSXH tỉnh hiện đạt 2.925,7 tỷ đồng.

Cùng với Hương Khê và Kỳ Anh, các địa phương khác cũng đang nỗ lực triển khai các chương trình tín dụng với mục tiêu tạo thêm nguồn lực để người nghèo “vượt lên chính mình”.

Thông qua chương trình tín dụng chính sách, các đối tượng thụ hưởng có vốn kịp thời đầu tư phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm. Từ đó, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, vốn chính sách còn trực tiếp đẩy lùi và ngăn chặn tác động tiêu cực của “tín dụng đen” đến đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là vùng nông thôn.

Tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH tỉnh tính đến 13/7/2023 đạt 6.282,9 tỷ đồng với gần 106.000 khách hàng. Trong đó, tổng dư nợ 3 chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đạt 2.925,7 tỷ đồng với 57.529 khách hàng đang còn dư nợ.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói