Các quốc gia giàu có kiểm soát súng đạn như thế nào?

Vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bằng súng mới đây đã gây xôn xao dư luận quốc tế, làm dấy lên lo ngại về việc sở hữu súng đạn ở một số quốc gia giàu có.

Vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe hôm 8/9 tại Nhật Bản đã tạo ra làn sóng chấn động trên toàn thế giới . Nhật Bản vốn được biết tới với các quy định nghiêm ngặt về vũ khí và tỉ lệ bạo lực súng đạn thấp. Tuy nhiên, không chỉ Nhật Bản mà một số quốc gia khác trên thế giới có luật kiểm soát súng nghiêm ngặt cũng đã trải qua những vụ bạo lực thảm khốc liên quan đến súng.

Các quốc gia giàu có kiểm soát súng đạn như thế nào?

Nhật Bản

Luật vũ khí của Nhật Bản quy định: “Không ai được sở hữu vũ khí, súng cầm tay hoặc gươm giáo”. Một số quy định về sở hữu súng tư nhân tại Nhật Bản được xếp vào hàng nghiêm ngặt nhất thế giới, theo hãng tin DW. Ngoại trừ cảnh sát và quân đội, không ai được phép sở hữu súng ngắn. Chỉ có súng săn và súng hơi được cho phép cung cấp cho dân thường.

Người Nhật phải mất thời gian dài và nhiều thử thách mới có thể sở hữu súng. Họ buộc phải tham gia các lớp học về súng, vượt qua bài kiểm tra viết và kiểm tra tầm bắn với độ chính xác ít nhất đạt 95%.

Người nộp đơn sở hữu súng cũng phải trải qua cuộc đánh giá sức khỏe tâm thần, sau đó cảnh sát sẽ kiểm tra lý lịch của họ bao gồm cả lý lịch người thân nhằm đảm bảo rằng họ và cả người thân cận đều không có tiền án.

Giấy phép sở hữu súng có giá trị trong vòng 3 năm. Sau khi hết hạn, chủ sở hữu phải thi lại để gia hạn bằng. Vũ khí phải được đăng ký và kiểm tra hàng năm bởi cảnh sát.

Lần gần nhất Nhật Bản xảy ra vụ ám sát một chính trị gia bằng súng là năm 2007, khi đó thị trưởng thành phố Nagasaki là ông Iccho Itoh bị bắn tử vong khi đang thực hiện chiến dịch tái tranh cử. Sau vụ ám sát đó, Nhật Bản đã siết chặt các hạn chế hơn nữa, nâng hình phạt đối với hành vi sở hữu vũ khí trái phép.

Các quốc gia giàu có kiểm soát súng đạn như thế nào?

Vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 8/7 đã gây chấn động nước này, nơi hiếm khi xảy ra bạo lực súng đạn. Ảnh: DW.

Bạo lực súng đạn đã rất hiếm xảy ra ở Nhật Bản. Dữ liệu từ Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản cho thấy nước này chỉ xảy ra 10 vụ xả súng trong năm ngoái. Để so sánh, mỗi ngày tại Mỹ ghi nhận trung bình 321 người bị bắn và khiến 111 người trong số đó tử vong, theo dữ liệu từ chương trình chống bạo lực súng đạn “Brady Campaign”.

New Zealand

Vào năm 2019, một tay súng cực đoan đã bắn tử vong 51 người và làm bị thương ít nhất 40 người khác tại thành phố Christchurch, New Zealand. Chỉ trong vòng một tháng, Chính phủ nước này đã ban hành lệnh cấm trên toàn quốc đối với vũ khí bán tự động và súng trường tấn công. Phần lớn Nghị viện New Zealand đã bỏ phiếu nhất trí ủng hộ sự thay đổi về sở hữu súng đạn, với chỉ một phiếu chống duy nhất.

Trong tháng 5 vừa qua, sau khi xảy ra xả súng trong trường học tại thành phố Uvalde, bang Texas (Mỹ), Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã cho rằng sự thay đổi nhanh chóng của đất nước đối với luật súng sau vụ xả súng hàng loạt năm 2019 ở thành phố Christchurch là một phản ứng dựa trên thực tế.

Bà Jacinda Ardern cho biết: “Chúng tôi thấy điều gì đó không ổn, chúng tôi đã hành động”.

Các quốc gia giàu có kiểm soát súng đạn như thế nào?

Bà Jacinda Ardern, Thủ tướng New Zealand, cho rằng nước này đã hành động nhanh chóng sau vụ xả súng ở thành phố Christchurch xảy ra năm 2019. Ảnh: DW.

Đức

Sau vụ tấn công khủng bố ở Paris, Pháp vào năm 2015, Ủy ban châu Âu (EC) đã soạn thảo bản cải cách và sau đó được đưa vào luật vũ khí của Đức vào năm 2020. Các nhà chức trách Đức sẽ thực hiện xác minh với cơ quan tình báo trong nước để xem liệu người nộp đơn sở hữu súng có phải là kẻ quá khích hay không.

Các nhà chức trách cũng kiểm tra 5 năm một lần xem người đăng ký sở hữu súng có “nhu cầu hợp pháp” để sở hữu vũ khí hay không, chẳng hạn như họ là thành viên câu lạc bộ bắn súng hay có giấy phép săn bắn.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi về tính hiệu quả của các biện pháp này trong việc ngăn chặn những kẻ cực đoan tấn công. Cả thủ phạm Tobias R đã bắn tử vong 9 người tại thành phố Hanau năm 2020 và thủ phạm Stephan E đã sát hại thống đốc địa phương Walter Lübcke năm 2019 tại Đức đều là thành viên câu lạc bộ bắn súng.

Theo Bộ Nội vụ Đức, tính đến tháng 12/2021, 1561 phần tử cực đoan cánh hữu tại nước này vẫn sở hữu vũ khí hợp pháp, con số đã tăng gần 30% so với một năm trước.

Bộ Nội vụ Đức đang soạn thảo dự luật mới, theo đó sẽ mở rộng phạm vi kiểm tra lý lịch mà các cơ quan chức năng phải thực hiện trước khi cấp hoặc gia hạn giấy phép sử dụng súng đạn.

Thụy Sĩ

Thụy Sĩ là một trong những quốc gia được trang bị vũ khí mạnh nhất trên thế giới, với hơn 2,3 triệu khẩu súng thuộc sở hữu tư nhân trong tổng dân số 8,5 triệu người.

Văn hóa súng của Thụy Sĩ về cơ bản có liên quan đến chính sách quân đội. Tại đây, mọi công dân nam bắt buộc tham gia nghĩa vụ quân sự , những người này sau khi kết thúc nghĩa vụ có thể giữ lại khẩu súng được giao.

Số lượng vũ khí lớn không đồng nghĩa rằng Thụy Sĩ không siết chặt quy định. Người dân nước này muốn sở hữu súng đạn phải xin giấy phép của chính quyền địa phương và trải qua kiểm tra lý lịch.

Thụy Sĩ không là thành viên của Liên minh Châu Âu (EU), nhưng nước này nằm trong Khối Schengen (hiệp ước tự do đi lại do một số nước Châu Âu ký kết) và có mối quan hệ chặt chẽ với EU. Vì vậy, vào năm 2019 Thụy Sĩ đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý nhằm siết chặt luật súng đạn nước này phù hợp với quy định mới của EU. Theo đó, gần 64% cử tri Thụy Sĩ đồng ý với những hạn chế cứng rắn hơn đối với vũ khí bán tự động và tự động.

Dù Thụy Sĩ có văn hóa sử dụng súng mạnh mẽ và tỉ lệ sở hữu súng tương tự như Mỹ, nhưng số lượng các vụ xả súng hàng loạt giữa 2 nước là không thể so sánh. Vụ xả súng hàng loạt gần nhất của Thụy Sĩ đã diễn ra vào năm 2001, trong khi tổ chức theo dõi bạo lực súng đạn Gun Violence Archive ghi nhận tới 692 vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ chỉ trong năm 2021. Đây là con số cao nhất kể từ khi Gun Violence Archive bắt đầu theo dõi các vụ xả súng tại Mỹ từ năm 2014.

Các quốc gia giàu có kiểm soát súng đạn như thế nào?

Hầu hết cảnh sát ở Anh không mang súng. Ảnh: DW.

Anh và Na Uy

Vụ một tay súng bắn tử vong 16 học sinh và giáo viên trường tại tiểu học thị trấn Dunblane, Scotland vào năm 1996 dẫn đến những cải cách hơn nữa về luật súng ở Anh. Đạo luật về súng (sửa đổi) năm 1997 của Anh cấm người dân sở hữu súng đạn ngoại trừ súng ngắn cỡ nòng nhỏ nhất, nhưng loại súng này cũng đã bị cấm dưới thời của Thủ tướng Tony Blair vào năm sau.

Theo GunPolicy.org, Anh là một trong những quốc gia có tỉ lệ sở hữu súng thấp nhất thế giới, cứ 100 người dân chỉ có 5 khẩu súng. Phần lớn cảnh sát nước này cũng không mang theo súng.

Ngược lại, Na Uy có tỉ lệ sở hữu súng ở mức cao so với các quốc gia khác tại khu vực châu Âu, với 28,8 súng trên mỗi 100 người dân. Tuy vậy, bạo lực liên quan đến súng tại Na Uy là rất thấp. Một thập kỷ sau vụ tấn công khủng bố khiến 77 người thiệt mạng tại Na Uy, vào năm 2021 nước này đã cấm vũ khí bán tự động, vốn là loại vũ khí được sử dụng trong cuộc khủng bố đó.

Theo DW/The Guardian/NĐT

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast