Quan hệ Nga-Mỹ liệu có ấm lên nhờ gia hạn hiệp ước START-3?

Bên cạnh lợi ích của việc này, dư luận hiện hết sức quan tâm, liệu quan hệ giữa Nga và Mỹ có ấm lên sau khi đã dược thỏa thuận gia hạn Hiệp ước?

Hôm qua (27/1), Duma quốc gia (tức Hạ Viện) và Hội đồng Liên bang Nga (Thượng Viện) đã thông qua việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (SART-3). Theo đó, START-3 sẽ có hiệu lực đến ngày 5/2/2026. Bên cạnh lợi ích của việc này, dư luận hiện hết sức quan tâm, liệu quan hệ giữa Nga và Mỹ có ấm lên sau khi đã dược thỏa thuận gia hạn Hiệp ước?

Hôm qua, trả lời các phóng viên, thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng, bất chấp sự hiểu biết đã đạt được với các đối tác Mỹ về sự cần thiết phải gia hạn Hiệp ước về các biện pháp tiếp tục cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3), hiện chưa có cơ sở thực tế để nói chuyện về khởi động lại quan hệ. Ông cũng lưu ý rằng, không nên dùng thuật ngữ “khởi động lại”. Theo lời ông, trong cuộc điện đàm giữa các Tổng thống Nga và Mỹ đã ghi nhận “những bất đồng khá nghiêm trọng”, nhưng cần thiết phải tiếp tục đối thoại.

Quan hệ Nga-Mỹ liệu có ấm lên nhờ gia hạn hiệp ước START-3?

Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga tham gia duyệt binh tại Quảng trường Đỏ. Ảnh: New York Times

Còn chuyên gia, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chính trị-Quân sự của Viện Mỹ và Canada-Viện Hàn lâm khoa học Nga Vladimir Batyuk cho rằng, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga và Mỹ, được ghi dấu bằng thỏa thuận về việc gia hạn Hiệp ước START-3, cho thấy tín hiệu tích cực về tương lai của mối quan hệ Nga-Mỹ. Nhưng theo ông, vẫn còn quá sớm, nếu kỳ vọng vào một bước đột phá trong quan hệ giữa hai nước trong tương lai gần do sự phức tạp của các vấn đề tích tụ. Với tất cả ý chí chính trị của Matxcơva và Washington, sẽ phải mất một thời gian rất dài để “tháo dỡ những đống đổ nát này ".

Nhà quan sát quân sự Litovkin Viktor nhận định rằng, việc gia hạn Hiệp ước START-3 thêm 5 năm nữa sẽ cho phép cả hai bên tiếp tục thảo luận về kiểm soát vũ khí - cả chiến lược và chiến thuật, hạt nhân và phi hạt nhân, để đàm phán về sự ổn định chiến lược và có thể là về cắt giảm vũ khí, với sự tham gia của các bên thứ ba vào các cuộc đàm phán này. Không chỉ Trung Quốc, như chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ D.Trump đã nhấn mạnh, mà còn cả các đồng minh NATO của Mỹ là Pháp và Anh. Theo ông, một cuộc gặp theo định dạng của 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung Quốc, mà Matxcơva và Washington đang đàm phán, có thể góp phần vào việc này.

Nhưng chuyên gia Viktor cho rằng, có vẻ ngây thơ khi hy vọng vào mối quan hệ ấm lên rõ rệt giữa Mỹ và Nga sau khi Hiệp ước START được gia hạn, vì có rất nhiều lý do. Trước hết, theo nhà quan sát quân sự này, vì không ai có thể hủy bỏ cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Moscow và Washington, cũng như giữa Washington và Bắc Kinh. Nga, giống như Trung Quốc, là một trong những cường quốc không thể và không nên thỏa hiệp với vai trò của một quốc gia thứ hai vĩnh viễn, luôn theo sau Mỹ. Như các đồng minh châu Âu của họ đang làm việc này theo NATO, những người từ lâu đã mất chủ quyền và độc lập, và đã trở thành chư hầu của Washington. Nga không thể thực hiện một bước như vậy, vì điều đó đồng nghĩa với việc mất nước, tựa như những gì đã xảy ra vào những năm 90 của thế kỷ trước, thậm chí có thể xấu hơn.

Nhà quan sát quân sự Litovkin Viktor phân tích, Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhóm của ông đã lên tiếng rằng, họ cần kiểm tra sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ vào năm 2020, các cuộc tấn công mạng vào các cơ quan chính phủ và tổ chức xã hội của Mỹ (không ai cần bằng chứng cho những tuyên bố như vậy) và khuyến khích Taliban Afghanistan giết lính và sĩ quan Mỹ để lấy tiền của Nga (?!)...

Theo chuyên gia, sau những tuyên bố như vậy, không có gì đáng hy vọng rằng, điều gì đó sẽ thay đổi hoàn toàn trong quan hệ giữa Nga và Mỹ, sau khi nhóm của ông Joe Biden lên nắm quyền và việc gia hạn Hiệp ước START-3. Các lệnh trừng phạt sẽ không được dỡ bỏ khỏi Nga, áp lực chính trị, kinh tế, tài chính, thông tin và tâm lý sẽ tiếp tục, và họ sẽ tiếp tục can thiệp vào công việc nội bộ của Nga./.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast