Vũ Quang bừng sáng giữa đại ngàn

(Baohatinh.vn) - Tên gọi Vũ Quang đã có từ trong lịch sử, nhưng chính thức từ năm 2000 mới trở thành một đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Hà Tĩnh. Từ một vùng rừng thiêng, nước độc, thế núi, hình sông dựng nên trận đồ cho các cuộc kháng chiến, nay Vũ Quang đã bừng ánh hào quang giữa đại ngàn hùng vĩ.

Vũ Quang bừng sáng giữa đại ngàn

Vũ Quang trước đây thuộc một phần của dãy Trường Sơn Bắc, nằm giữa ngọn Rào Cỏ (Hương Khê) và ngọn Giăng Màn (Hương Sơn).

Vùng đất “rừng thiêng, nước độc” trong lịch sử

Theo lịch sử huyện Vũ Quang và các thư tịch cổ ghi lại, Vũ Quang trước đây thuộc một phần của dãy Trường Sơn Bắc, nằm giữa ngọn Rào Cỏ (Hương Khê) và ngọn Giăng Màn (Hương Sơn), thuộc lưu vực hai con sông Ngàn Sâu và Ngàn Trươi.

Ngàn Sâu (còn gọi là Thâm Nguyên) dằng dặc chảy theo triền núi, uốn mình “chín khúc Hội Nai”. Ngàn Trươi (còn gọi là Nậm Trươi, Ác Giang) hiểm trở thác ghềnh. Thế núi, hình sông dựng nên trận đồ cho các cuộc kháng chiến.

Vũ Quang bừng sáng giữa đại ngàn

Những miền quê đáng sống ngày càng được Vũ Quang chú trọng xây dựng.

Từ cuối thế kỷ XIX, không chỉ trong nước mà cả thực dân Pháp đã biết đến tên gọi Vũ Quang - căn cứ địa kháng chiến, nơi Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng dựng cờ khởi nghĩa; nơi những người nông dân đã tự chế ra súng trường kiểu Tây để đánh Tây.

Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhất là từ năm 1947-1952, Vũ Quang, Hương Khê được biết đến là an toàn khu, nơi sản xuất vũ khí cung cấp cho các chiến trường Bình - Trị - Thiên và Liên khu V đánh thắng giặc Pháp. Trải qua nhiều thập kỷ gian khó, mảnh đất Vũ Quang năm xưa giờ đang lớn mạnh từng ngày.

Ông Trần Xuân Trung (SN 1953, trú tại tổ dân phố 2, thị trấn Vũ Quang) - một người con gắn bó máu thịt với Vũ Quang cho biết: “Sinh thời, cha tôi (ông Trần Xuân Tạo, SN 1922, nguyên là trực Đảng xã Hương Đại cũ) kể rằng: từ năm 1867 đến Cách mạng tháng 8/1945, vùng đất Vũ Quang thuộc về các huyện Hương Sơn, La Sơn (Đức Thọ) và Hương Khê.

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, thực hiện chủ trương của chính quyền cách mạng cấp trên, các đơn vị hành chính cấp xã trên vùng đất Vũ Quang đã được phân lại địa giới và mang những tên gọi mới”.

Vũ Quang bừng sáng giữa đại ngàn

Vũ Quang đã xây dựng được các vùng trồng cam quy mô lớn. (Trong ảnh: đồi cam ở xã Đức Lĩnh - địa phương có diện tích trồng cam lớn nhất huyện Vũ Quang - 800 ha).

Ngày ấy, vùng đất Vũ Quang khó khăn không kể xiết, xung quanh đồi núi trùng điệp, sông hồ bao phủ. Ấy vậy mà, con người nơi đây với ý chí kiên cường, sát cánh bên nhau cùng “khai hoang, phục hóa” trên bạt ngàn đồi núi để hình thành nên miền quê trù phú.

Nơi núi rừng điệp trùng, sông suối dày đặc đã tạo nên những cánh rừng xanh tốt bốn mùa. Rừng Vũ Quang như quà tặng quý giá của thiên nhiên, là thảm thực vật, nguồn sinh thủy cho vùng đất và con người nơi đây.

Huyện mới bừng sáng giữa đại ngàn

Phát huy những tiềm năng, lợi thế của vùng đất giáp ranh giữa 3 huyện Hương Sơn, Hương Khê và Đức Thọ, ngày 4/8/2000, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 27/2000/NĐ-CP về việc thành lập huyện Vũ Quang.

Vũ Quang bừng sáng giữa đại ngàn

Từ một miền quê nghèo, sau hơn 2 thập niên thành lập, Vũ Quang đã có những bước chuyển mình quan trọng, diện mạo nông thôn đã thay đổi với gam màu tươi mới, đầy sức sống.

Huyện Vũ Quang ra đời trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của các huyện Đức Thọ, Hương Khê và Hương Sơn gồm 12 xã; sau sáp nhập nay còn 9 xã và 1 thị trấn. Buổi đầu thành lập, cán bộ vừa mới, vừa thiếu, đời sống Nhân dân hết sức khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt mức 1,7 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo cao; kinh tế chủ yếu là tự cung, tự cấp; kết cấu hạ tầng yếu kém, giao thông đi lại hết sức khó khăn.

Thế nhưng, phát huy truyền thống cách mạng, vượt lên gian khổ, khó khăn, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và các lực lượng vũ trang đã làm nên những thành quả to lớn trên nhiều lĩnh vực. Từ một miền quê nghèo, giao thông cách trở, sau hơn 2 thập niên thành lập, Vũ Quang đã có những bước chuyển mình quan trọng. Diện mạo nông thôn, thị trấn đã thay đổi với gam màu tươi mới, đời sống Nhân dân không ngừng được nâng lên.

Vũ Quang bừng sáng giữa đại ngàn

Đến nay, Vũ Quang đã xây dựng được 1.845 mô hình kinh tế cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Ảnh tư liệu

Thành tích nổi bật nhất, cũng là bước đột phá mạnh mẽ của Vũ Quang là xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, 100% số xã đã về đích NTM; toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Đức Lĩnh và Ân Phú; thị trấn Vũ Quang đang hình thành đô thị văn minh; huyện Vũ Quang đã được Trung ương công nhận đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2020. Đó là một kỳ tích, sự cộng hưởng sức lực, trí tuệ của nhiều thế hệ đã bền bỉ phấn đấu cho sự phát triển của vùng đất này.

Đến nay, Vũ Quang đã xây dựng 1.200 vườn mẫu và 54 khu dân cư kiểu mẫu đạt chuẩn; 1.845 mô hình kinh tế cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người của Vũ Quang đạt gần 39,68 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.

Vũ Quang bừng sáng giữa đại ngàn

Ông Nguyễn Hoài Sơn - Trưởng thôn 7, xã Quang Thọ tự hào trước sự đổi thay, giàu mạnh từng ngày của huyện nhà.

Ông Nguyễn Hoài Sơn - Trưởng thôn 7, xã Quang Thọ phấn khởi: “Huyện Vũ Quang ra đời phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, phát triển tỉnh nhà và hợp lòng dân. Diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi rõ nét, đời sống Nhân dân không ngừng được nâng lên. Chúng tôi biết ơn Đảng và Chính phủ đã quan tâm đến người dân miền núi, để miền quê gian khó, hiểm trở ngày nào, giờ bừng sáng giữa đại ngàn hùng vĩ”.

Vũ Quang bừng sáng giữa đại ngàn

Từ miền quê “sương mù ẩm ướt”, Vũ Quang giờ đây đang bừng sáng giữa đại ngàn hùng vĩ.

Kế thừa mạch nguồn lịch sử của buổi đầu thành lập tỉnh và khí chất của vùng đất Cần Vương, các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân nơi đây đang từng ngày nỗ lực vượt khó, xây dựng Vũ Quang ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Thiều Quang cho biết: “Cán bộ, đảng viên và Nhân dân Vũ Quang sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống, trí tuệ của những người đi trước; khơi dậy và huy động sức mạnh tổng hợp của người dân để kiên trì thực hiện mục tiêu xây dựng Vũ Quang trở thành huyện vững mạnh toàn diện, phát triển nhanh và bền vững; vươn tầm huyện NTM nâng cao vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra”.

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.