Vụ rò rỉ tài liệu mật từ Mỹ và phản ứng của đồng minh

Đây được xem là vụ rò rỉ tài liệu mật nghiêm trọng nhất kể từ vụ rò rỉ hàng trăm tài liệu mật của Mỹ xuất hiện trên trang web WikiLeaks hồi năm 2013.

Giới chức Mỹ đang ráo riết điều tra để xác định nguồn rò rỉ khoảng 100 trang tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tuần trước. Thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đã chính thức chuyển vấn đề này lên Bộ Tư pháp để điều tra. Cuộc điều tra được thực hiện trong bối cảnh nhiều câu hỏi tiếp tục được đặt ra xung quanh nguồn gốc, tính xác thực của các tài liệu này.

Ảnh minh họa: Reuters

Tuần trước, các tài liệu có đóng dấu mật này đã được đăng trên nhiều trang mạng xã hội, trong đó có Twitter. Các tài liệu này giống với các bản cập nhật hàng ngày của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, song không được công khai. Những tài liệu này được phát hành trong khoảng thời gian từ ngày 23/2 đến ngày 1/3 vừa qua, hé lộ nhiều thông tin chi tiết về tình hình tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ.

Trong số các tài liệu mật này có việc cạn kiệt hệ thống phòng không S-300 của Ukraine, việc lực lượng tình báo Mossad của Israel khuyến khích các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch tư pháp của Thủ tướng Benjamin Netanyahu và các cuộc thảo luận nội bộ trong giới chức cấp cao Hàn Quốc về việc Mỹ gây áp lực nhằm buộc đồng minh cung cấp vũ khí cho Ukraine…

Nếu các thông tin này là chính xác, đây được xem là một trong những vụ rò rỉ tài liệu mật nghiêm trọng nhất của Mỹ, kể từ khi hơn 700.000 tài liệu, video xuất hiện trên trang web WikiLeaks vào năm 2013. Điều này có thể gây nguy hiểm cho các nguồn tin và làm tổn hại các mối quan hệ đối ngoại quan trọng của Mỹ với các đồng minh.

Ngay sau khi thông tin rò rỉ được công bố, nhiều đồng minh của Mỹ đã lên tiếng về vụ việc này.

Văn phòng của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hôm nay (10/4) cho biết, việc kiểm tra thực tế trên các tài liệu là ưu tiên hàng đầu và Hàn Quốc sẽ yêu cầu Mỹ thực hiện các bước đi thích hợp sau khi xác nhận chi tiết. Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, không loại trừ khả năng các tài liệu là bịa đặt hoặc là sản phẩm của sự can thiệp của bên thứ ba, đồng thời cảnh báo mọi nỗ lực "phá vỡ liên minh sẽ phải đối mặt với hậu quả. Phản ứng gay gắt hơn, một số nhà lập pháp của Đảng Dân chủ đối lập chính của Hàn Quốc bày tỏ sự lấy làm tiếc về vụ việc này.

Phát biểu tại cuộc họp báo, nghị sĩ Hàn Quôc Kim Byung Joo nhấn mạnh: “Chúng tôi lấy làm tiếc về cơ quan tình báo Mỹ đã gián điệp bất hợp pháp các đồng minh như chúng tôi. Chúng tôi yêu cầu mở cuộc điều tra và kêu gọi không để xảy ra vụ việc tương tự”.

Về phía Israel, trong một tuyên bố, văn phòng của Thủ tướng Netanyahu mô tả cáo buộc này là dối trá và không có bất kỳ cơ sở nào. Trong khi phía Ukraine cho biết Tổng thống Volodymyr Zelensky và các quan chức an ninh hàng đầu của họ sẽ tiến hành cuộc họp để thảo luận về các cách ngăn chặn vụ rò rỉ thông tin này.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói