Dù được mùa nhưng ông Nguyễn Tiến Dũng, thôn Cao Phong vẫn không vui vì giá chanh xuống thấp
Bình thường, đây sẽ là thời điểm “vui nhất” của vợ chồng ông Nguyễn Tiến Dũng - thôn Cao Phong, xã Đức Lĩnh. Thế nhưng, kể từ đầu tháng 4, các nhà hàng, quán xá và dịch vụ ăn uống nghỉ do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên thị trường tiêu thụ chanh giảm sút. Chỉ trong vòng khoảng 20 ngày, giá chanh bán tại vườn của ông Dũng đã “lao dốc”, chỉ còn 1/3 so với tháng trước.
“Tháng trước, tôi vẫn bán ra 300.000 đồng/yến tại vườn, cứ thu hoạch xong là có xe thương lái từ TP Vinh, TP Hà Tĩnh (Nghệ An) và Quảng Bình đặt mua hết. Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ thấp, nhà buôn giảm sức mua vào nên giá bán chỉ còn 100.000 đồng/yến”, ông Dũng cho biết.
Giá bán tại vườn hiện nay chỉ ở mức 10.000 đồng/kg, bằng 1/3 giá so với 1 tháng trước
Thôn Cao Phong có đến 90% hộ dân trồng chanh. Hộ ít nhất cũng có khoảng 100 cây, hộ nhiều thì 1.600- 2.000 cây. Điều đang khiến bà con nông dân ở đây lo lắng không chỉ là giá thấp mà còn là “đọng” hàng.
Ông Nguyễn Tiến Chương (cùng thôn Cao Phong) hiện có 1.600/2.000 cây chanh cho khai thác. Hiện, có khoảng 30 tấn chanh tại vườn đã đến lứa thu hoạch, vụ chanh mùa cũng đang “thúc đuổi” khiến ông lo lắng không yên.
“Các năm trước, vào độ này, chúng tôi bán ra 2 - 3 tấn vào mỗi ngày, còn bây giờ giỏi lắm cũng chỉ được vài tạ. Trong vườn, số chanh bị vàng quả do già lứa đã khá nhiều rồi, vì có hái xuống cũng chẳng bán được. Độ tháng nữa, vụ chanh mùa tiếp tục vào thu hoạch, nếu tình hình này kéo dài thì chẳng biết làm sao”, ông Chương cho biết.
Người trồng chanh đang đứng giữa khó khăn, không thu hoạch thì chanh sẽ vàng quả trên vườn mà thu hoạch xuống thì chẳng mấy ai mua
Ông Nguyễn Xuân Thê, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh trao đổi: “Cây chanh là cây trồng truyền thống và trong nhiều năm nay trở thành cây trồng xóa đói giảm nghèo rất hiệu quả tại địa phương. Đặc biệt, thời gian thu hoạch khá dài (từ tháng 11 năm trước đến tháng 8 năm sau cho hai vụ chanh trái và chanh mùa - PV) nên bà con có thu nhập gần như quanh năm. Cùng với đó, cây chanh là cây “nhà nghèo”, không đòi hỏi nhiều công sức chăm sóc, đầu tư nên phù hợp với rất nhiều hộ dân”.
Đức Lĩnh có 300 ha chanh, chiếm diện tích sản xuất chanh lớn nhất ở Vũ Quang
Khoảng 1 tháng nữa, vụ chanh mùa sẽ bắt đầu thu hoạch. Thị trường tiêu thụ sụt giảm, giá bán xuống thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm, trong khi dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp, thế nên người trồng chanh ở Đức Lĩnh (Vũ Quang) đang đối mặt với khó khăn được mùa nhưng mất thị trường tiêu thụ.
Được biết, toàn huyện Vũ Quang có 482 ha trồng chanh thì có đến 300 ha tập trung tại xã Đức Lĩnh. Những năm trước, nhờ thị trường tiêu thụ tốt nên vụ chanh trái ở Vũ Quang luôn được mùa, được giá. Bình quân mỗi năm, cả hai vụ chanh trái và chanh mùa, bà con thu nhập từ cây chanh 200 - 300 triệu đồng mỗi hộ.