Những ngày này, gia đình anh Phan Trọng Nam - Tổ trưởng Tổ hợp tác cam chanh Sơn Mai, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Hoa đang tất bật thu hoạch cam, đóng gói để gửi hàng cho các đại lý trong và ngoài tỉnh. Với 2 ha có 700 cây cam chanh đang độ thu hoạch, năm nay, vợ chồng anh ước thu khoảng trên 13 tấn cam, giá trị đạt khoảng trên 500 triệu đồng. Đây là năm thứ 3 vợ chồng anh đạt doanh thu như này.
Anh Phan Trọng Nam lớn lên trong gia đình có truyền thống trồng cam. Từ nhỏ, anh đã học hỏi nhiều kinh nghiệm chăm sóc cây cam từ gia đình. Tuy nhiên, trồng cam theo phương thức truyền thống không phải lúc nào cũng “thuận buồn xuôi gió”, nhất là những lúc thời tiết bất lợi, thị trường xuống giá.
Từ năm 2015, khi vợ chồng anh, chị ra ở riêng thì được bố mẹ giao hẳn 2ha đất đồi để tự thân lập nghiệp. Ngay thời điểm này, anh Phan Trọng Nam đã “nuôi” ý định chuyển hướng, sản xuất cam theo phương thức VietGAP để nâng tầm sản phẩm, đảm bảo ổn định đầu ra.
Sau 2 năm nghiên cứu tìm tòi qua sách báo, mạng internet, năm 2017, vợ chồng anh Phan Trọng Nam bắt tay vào xây dựng vườn cam theo tiêu chí VietGAP. Thuận lợi là anh được huyện hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật sản xuất. Ngoài ra, cơ sở còn được các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, tổ chức sản xuất đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm, điều kiện sản xuất từ khi trồng, chăm sóc, chế biến đến đóng gói sản phẩm.
Năm 2018, anh bỏ vốn hơn 200 triệu đồng mua sắm thêm thiết bị tưới nước tự động, lắp đặt hệ thống tiêu diệt côn trùng và đăng ký xây dựng vườn cam đạt chuẩn OCOP. “Trồng cam theo tiêu chí VietGAP giúp đảm bảo an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất, chúng tôi còn được các cơ quan chức năng thường xuyên test các chỉ số về thổ nhưỡng, khí hậu... để có hướng điều chỉnh sản xuất phù hợp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm" - anh Nam chia sẻ.
Nhờ đầu tư đúng hướng, đặc biệt thực hiện tốt quy trình sản xuất nên sản lượng cam của gia đình anh Nam tăng nhanh, mỗi cây trong giai đoạn cho thu hoạch đạt khoảng 350 - 400 quả. Chất lượng quả ngon, đều quả, mọng nước và ngọt nên rất được người tiêu dùng ưa chọn. Để tạo sự kết nối, hỗ trợ nhau trong sản xuất, anh thành lập THT Cam chanh Sơn Mai gồm 5 thành viên với 15 ha sản xuất và xây dựng thương hiệu “Cam chanh Huy Mạnh”.
Tháng 12/2019, “Cam chanh Huy Mạnh” chính thức được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. “Bật mí” về quy trình sản xuất, anh Nam cho biết: Toàn bộ diện tích được sử dụng phân bón hữu cơ, không sử dụng hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt côn trùng. Trung bình mỗi cây cam được bón từ 80 - 100kg phân hữu cơ trong suốt mùa vụ. Ngoài cung cấp đủ chất dinh dưỡng, thời điểm tốt nhất bón phân sau khi thu hoạch là dịp cuối tháng 12 âm lịch.
Hiện nay, với vai trò vừa là Tổ trưởng THT, vừa là Chủ tịch Hội Nông dân xã (từ năm 2016), anh Nam có đủ kinh nghiệm cũng như kiến thức để phát triển sản xuất bền vững, đồng thời, minh chứng cho việc “cán bộ đi đầu, bước trước”, lan tỏa kinh nghiệm, cách thức sản xuất mới đến các hội viên, nông dân.
“Cam chanh Huy Mạnh” được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao năm 2019
Cam chanh Huy Mạnh là sản phẩm cam đầu tiên của huyện Hương Sơn được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Mô hình cam chanh VietGap của THT Cam chanh Sơn Mai, đặc biệt là của gia đình anh Phan Trọng Nam đang là điểm đến tham quan học hỏi của không chỉ bà con nhân dân trong huyện Hương Sơn và tỉnh Hà Tĩnh mà còn thu hút sự quan tâm học hỏi, tham quan của nhiều bà con nông dân các tỉnh, thành trên cả nước. Thành công của mô hình cũng góp phần giúp xã Kim Hoa thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2022.
Ông Lê Đình Phước
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Sơn