WB: Đại dịch Covid-19 khiến kinh tế thế giới suy thoái trầm trọng nhất trong 150 năm

(Baohatinh.vn) - Đại dịch Covid-19 đã gây ra một “cú sốc nhanh và lớn”, khiến nền kinh tế toàn cầu phải trải qua một sự suy giảm trầm trọng nhất kể từ năm 1870 bất chấp việc các chính phủ đã có sự hỗ trợ chưa từng có.

WB: Đại dịch Covid-19 khiến kinh tế thế giới suy thoái trầm trọng nhất trong 150 năm

WB dự báo kinh tế toàn cầu sẽ giảm 5,2% do dịch Covid-19. (Ảnh minh họa: AFP)

Đó là một trong những nội dung thuộc báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2020 được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm qua.

Theo WB, nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ suy giảm nghiêm trọng ở mức 5,2% trong năm nay – mức suy giảm tồi tệ nhất trong vòng 80 năm qua.

Tuy nhiên, nếu xét về số lượng các quốc gia phải chịu tổn thất về kinh tế do đại dịch Covid-19 thì quy mô của cuộc suy thoái này là tồi tệ nhất trong 150 năm trở lại đây.

“Đây là một triển vọng đáng quan ngại, cuộc khủng hoảng có thể để lại những ảnh hưởng lâu dài và đặt ra những thách thức lớn trên toàn cầu”, bà Ceyla Pazarbasioglu, Phó Chủ tịch Khối Tăng trưởng Bình đẳng, Tài chính và Định chế của WB nói với các phóng viên hôm 8/6.

Theo bà Pazarbasioglu, mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng sẽ có thể đẩy từ 70 đến 100 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực, tăng từ mức dự báo 60 triệu người trước đó được WB đưa ra hồi tháng trước.

Bà Pazarbasioglu cho rằng điều quan trọng đầu tiên là cần giải quyết tình trạng khẩn cấp về kinh tế và sức khỏe toàn cầu. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế phải đoàn kết nhằm tìm ra biện pháp để gây dựng lại sự phục hồi mạnh mẽ nhất có thể để ngăn chặn nhiều người rơi vào tình trạng đói nghèo và thất nghiệp.

Nền kinh tế Trung Quốc được WB dự báo sẽ tăng 1% trong năm nay. Trong khi nền kinh tế Mỹ được dự báo giảm 6,1%, phản ánh sự gián đoạn liên quan đến các biện pháp kiểm soát đại dịch.

Sản lượng khu vực đồng euro (Eurozone) dự kiến sẽ giảm 9,1% trong năm 2020 do dịch bệnh lan rộng đã gây thiệt hại nặng nề cho hoạt động.

Nền kinh tế Nhật Bản được dự đoán sẽ giảm 6,1% do các biện pháp phòng ngừa đã làm chậm hoạt động kinh tế. Brazil, Mexico và Ấn Độ đều được dự báo giảm 8%, 7,5% và 3,2% tương ưng.

Mặc dù vậy, theo WB, những dự báo giảm 5,2% hiện tại về mức độ suy thoái của nền kinh tế thế giới do đại dịch Covid-19 vẫn chưa vượt qua cuộc Đại suy thoái giai đoạn 1930 đến 1932 khi nền kinh tế toàn cầu chứng kiến sự suy giảm đến 14,5%.

Theo dự báo, khi đại dịch bị đẩy lùi và các biện pháp hạn chế trong nước được dỡ bỏ ở các nền kinh tế phát triển vào giữa năm nay và sau đó ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi (EMDEs), tác động tiêu cực toàn cầu sẽ giảm trong 6 tháng cuối năm và sự hỗn loạn trong thị trường tài chính không kéo dài, tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ tăng trở lại mức 4,2% vào năm 2021 khi các nền kinh tế phát triển tăng 3,9% và EMDEs tăng trở lại 4,6%.

Tuy nhiên, triển vọng trên rất không chắc chắn bởi có nhiều rủi ro, trong đó có khả năng đại dịch kéo dài hơn, biến động tài chính và sự rút lui khỏi các mối liên kết thương mại và cung ứng toàn cầu.

Kịch bản ngược lại có thể dẫn tới nền kinh tế toàn cầu giảm tới 8% trong năm nay, sau đó là sự phục hồi chậm chạp 1% vào năm 2021 với sản lượng của EMDEs giảm gần 5% trong năm nay.

(Theo AFP)

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.