Như người cha của người khuyết tật

(Baohatinh.vn) - Ông là Trần Quốc Dinh (thị trấn Nghèn), năm nay ngoài 70 tuổi, thương binh hạng ¾, là Chủ tịch Hội Tàn tật, trẻ mồ côi và Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Can Lộc(Hà Tĩnh).

nhu nguoi cha cua nguoi khuyet tat

Ông Trần Quốc Dinh: “Mình làm việc này mới hiểu, có nhiều người giàu tình yêu thương lắm!”

Từ TNXP đến người lính 2 lần bị thương

“Hồi 1961 – 1964, bác và 8 người khác của huyện Can Lộc là học sinh của Trường cấp 3 Phan Đình Phùng, trường cấp 3 duy nhất trên toàn tỉnh khi đó” – khuôn mặt phúc hậu, giọng nói hiền từ, ông bắt đầu đưa tôi vào hành trình với nhiều niềm tự hào của ông. “Tốt nghiệp cấp 3, về địa phương rồi tham gia TNXP. Khi đó vì mình còn trẻ, đảng viên nên sau một thời gian là nhập ngũ vào chiến trường” – ông kể.

"Vào giữa tháng 10/1966, khi cùng nhóm trinh sát 9 người thực hiện nhiệm vụ đánh chốt, bao vây đường 9 để bộ binh tiến lên thì bị địch phản công. Trận đánh ấy, 3 đồng đội của ông hy sinh, 4 người bị thương nặng. Giờ trên người còn 6 mảnh đạn, kể cả lần bị thương thứ 2 vào năm 1968” – kéo ống quần đến đầu gối, tay nắm chặt lấy bắp chân, ông mô tả. Rồi ông cười, nụ cười chiến thắng: “Đợt ấy sau đó rồi ta giải phóng Khe Sanh đấy!”.

Sau khi được đưa về Hà Nội và Nghi Xuân (Hà Tĩnh) dưỡng thương, ông cùng nhiều chiến sĩ được đưa vào chiến trường lần nữa. Năm 1968, khi đang hành quân vào Tây Nguyên, đơn vị của ông gồm 120 người bị địch tấn công, 4 người hy sinh, rất nhiều người trong đó có ông bị thương. Với những nỗ lực, cống hiến, 3 năm liền ông là chiến sĩ thi đua cấp sư đoàn, năm 1970, được trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Nặng lòng với người khuyết tật

Năm 1970, ông được đơn vị cử đi học tại Học viện Kỹ thuật Quân sự. Nhờ ham học và học giỏi, ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Sau đó, ông chuyển đến công tác tại Học viện Hậu cần cho đến năm 1991.

Trở về địa phương, ông được đảng viên tin tưởng bầu làm Bí thư chi bộ với 74 đảng viên. Năm 2004, ông thành lập 6 CLB người khuyết tật đặt tên là “CLB Sáng tạo Việt” và tham gia chương trình sáng tạo của Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội, đạt giải nhất là 10 ngàn USD. “Phấn khởi lắm! Được chừng đó là bác về mua tủ, sách, đài cát-sét, tập hợp người khuyết tật tổ chức học đan. Sau đó, ngay trong năm là thành lập Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi. Đây là hội đầu tiên của tỉnh” – ông tươi cười kể.

Có hội rồi nhưng chưa có trụ sở, nỗi trăn trở lại giục ông nghĩ cách kiếm tìm. Năm 2005, một người bạn kết nghĩa với vợ ông sinh sống tại Tây Bắc thấu hiểu nỗi lòng ông nên hỗ trợ 260 triệu đồng. “Ngay chỗ ta ngồi, hồi trước cấp cho nhiều đơn vị không ai lấy, vì sâu đến hơn 2,2m, nhưng bác đến trực tiếp đề xuất, sau đó gọi xe giải phóng mặt bằng; rồi lên Hương Sơn mua gỗ; trực tiếp đi mua vật liệu; nhờ người giám sát kỹ thuật chặt chẽ. Vì thế, ngôi nhà này làm đã lâu nhưng chưa hề nứt nẻ” – ông kể.

Ông lại bỏ tiền túi 100 triệu đồng cùng vay mượn xây 6 ốt cho thuê, tạo nguồn cho hội và định hướng cho những người khuyết tật học nghề, tiến tới làm chủ các ốt để có thu nhập. Ông cũng vận động xây dựng cơ sở dạy nghề (đã tổ chức 8 lớp với 200 học viên) tại xã Khánh Lộc.

Vừa rồi ông đã vận động công ty sản xuất thức ăn ở Đồng Nai và công ty dầu khí ở TP Hồ Chí Minh xây dựng 8 nhà ở cho nạn nhân chất độc da cam.

Khó khăn, vất vả nhưng nhờ hiểu sâu sắc những hoàn cảnh nên ông cũng nhận về nhiều niềm hạnh phúc. Ông khoe với tôi, đã có 4 gia đình của người khuyết tật sinh con lành lặn và sống hạnh phúc như: cháu Hải ở Tùng Lộc, cháu Dũng ở Khánh Lộc… Ông còn kể thêm những người khuyết tật, trẻ mồ côi được gửi gắm những nơi tin cậy để đào tạo nghề, đi học như: cháu Ngân (mồ côi) nay là sinh viên năm thứ 2; cháu Oanh (Phúc Lộc) đang vào Đà Nẵng làm kinh tế; cháu Tuấn (Khánh Lộc), Nhâm (Tiến Lộc), Quỳnh (Phúc Lộc) cũng đã có việc làm...

“Nhiều người giàu tình yêu thương lắm!”

“Mình làm việc này mới hiểu, có nhiều người giàu tình yêu thương lắm!” – ông tâm sự. Sáng nay, có chị Nam Thạnh, bác chưa biết bao giờ, nghe bảo ở tại Lộc An - Long Khánh - Đồng Nai gọi điện bảo chuẩn bị giấy tờ để nhận gạo, mì tôm, quần áo do chị vận động. Cũng sáng nay, ông bạn của bác ở Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) hứa sẽ vận động 2 nhà hảo tâm, ra giúp cho 2 gia đình người khuyết tật. Hay như chị Liên ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho gia đình khuyết tật 4 người 50 triệu đồng, mỗi đứa con đi học 1 triệu đồng.

Như hiểu được điều thắc mắc còn ẩn trong lòng tôi, ông bảo: “Đi làm cái việc này là phải kiên trì, chịu khó. Tất nhiên, bác có cái thuận lợi là nhờ vào bạn bè. Riêng năm 2016, bác đã vào Sài Gòn 2 lần, mỗi lần 1 tuần ăn ở tại nhà bạn, đi lại có bạn chở. Nhiều người trước đây ở học viện với bác, làm nghiên cứu giờ thành đạt lắm nên làm chỗ kết nối cho mình”.

Dư âm về tình người mà ông kể đọng lại thật nhiều. Trong tôi và có thể của bạn nữa, ông tựa người cha của những người khuyết tật. Bởi vậy, những việc ông làm, thật khó có thể kể hết. Tôi chỉ muốn tiết lộ rằng, ông đã vinh dự nhận 21 bằng khen từ huyện, tỉnh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương hội đến Trung ương vinh danh về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cùng 3 Huân chương Chiến sỹ vẻ vang, Huân chương Kháng chiến hạng 2.

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast