Vì sao người dân Thạch Sơn không dùng nước máy để ăn, uống?!

(Baohatinh.vn) - Dù đã có hệ thống nước sạch nhưng từ nhiều năm nay, người dân xã Thạch Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) vẫn đang dùng nước mưa, nước giếng khoan để ăn uống, còn nước máy chỉ để... giặt giũ, tưới cây.

Video: Người dân Thạch Sơn lo ngại về chất lượng nguồn nước máy

Cách đây chừng 4 năm, gia đình bà Lê Thị Bình (thôn Đình Hàn, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà) lắp đặt đường ống và đồng hồ để mua nước máy từ hệ thống cung cấp nước sinh hoạt xã Thạch Sơn.

Tuy nhiên, tới thời điểm này, hộ bà Bình vẫn đang dùng nước mưa trữ trong bể 6m3 phía sau nhà để ăn uống và nước giếng khoan để tắm rửa, còn nước máy thì chỉ dùng để giặt giũ áo quần.

Vì sao người dân Thạch Sơn không dùng nước máy để ăn, uống?!

Gia đình bà Lê Thị Bình chỉ sử dụng nước máy để giặt giũ

Việc gia đình bà Bình không sử dụng nước máy cho ăn uống đã diễn ra từ nhiều năm nay, vì thế, mỗi tháng chỉ tốn khoảng 15.000 – 20.000 đồng tiền nước, trong khi giá mỗi khối nước đã là 4.400 đồng.

“Nhà máy lấy nước từ sông Nghèn, mà sông này trước giờ bẩn lắm. Chúng tôi bơm lên bồn thì thấy nước có vàng đục, đọng lại cả phía dưới bồn, khi xả ra nước vẫn có màu vàng. Vì không yên tâm về chất lượng nguồn nước nên gia đình không dám dùng để ăn uống mà chỉ để giặt giũ thôi”, bà Lê Thị Bình chia sẻ.

Cũng theo bà Bình, thời gian gần đây, chất lượng nước máy ít nhiều đã được cải thiện, nước không còn xuất hiện màu vàng hay váng bẩn nhưng vì lo ngại trước đó nên vẫn không sử dụng để ăn uống.

Vì sao người dân Thạch Sơn không dùng nước máy để ăn, uống?!

Hệ thống cung cấp nước sinh hoạt xã Thạch Sơn bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2017.

Gia đình ông Nguyễn Văn Dũng (thôn Đình Hàn, xã Thạch Sơn) hợp đồng mua nước máy của hệ thống cung cấp nước sinh hoạt xã Thạch Sơn từ nhiều năm nay nhưng cũng dừng lại ở việc chỉ sử dụng để giặt giũ, tắm rửa.

“Vì nghi ngại chất lượng nguồn nước máy không đảm bảo nên chúng tôi chỉ để tắm giặt, còn ăn uống vẫn dùng nước mưa”, ông Dũng thông tin.

Vì sao người dân Thạch Sơn không dùng nước máy để ăn, uống?!

Nguồn nước thô được lấy từ sông Nghèn.

Nằm cách vị trí xây dựng hệ thống cung cấp nước sinh hoạt xã Thạch Sơn không xa, nhưng hộ bà Lê Thị Bông (thôn Sơn Tiến, xã Thạch Sơn) cũng không dám sử dụng nguồn nước từ cơ sở này để nấu cơm, nấu nước, mà chỉ dùng để tưới cây, tắm giặt. Ngoài việc dùng nước mưa, gia đình này phải mua thêm máy lọc để lọc nước từ giếng khoan để ăn uống mỗi ngày.

“Nước máy có màu vàng, bẩn nên tôi sợ, không dám dùng. Các hộ dân quanh đây cũng không dùng. Bể chứa nước mưa xây từ lâu rồi, may mà chưa đập đi chứ nếu không thì không biết lấy nước đâu để ăn uống”, bà Lê Thị Bông cho hay.

Vì sao người dân Thạch Sơn không dùng nước máy để ăn, uống?!

Người dân ở xã Thạch Sơn vẫn đang dùng nước mưa để ăn uống.

Theo tìm hiểu của PV, hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Thạch Sơn có tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng với công suất thiết kế 900 m3/ngày đêm, dự kiến bảo đảm cấp nước cho 1.085 hộ dân ở xã Thạch Sơn.

Công trình lấy nguồn nước thô từ sông Nghèn, được xử lý qua hệ thống trước khi cung cấp cho người dân. Hiện nay, có 800 hộ dân ở Thạch Sơn đang hợp đồng mua nước từ cơ sở này.

Vì sao người dân Thạch Sơn không dùng nước máy để ăn, uống?!

Bà Lê Thị Bông trang bị thêm máy lọc để lọc nước từ giếng khoan, thay vì sử dụng nước máy để ăn uống.

Tuy nhiên, phần lớn các hộ dân ở xã Thạch Sơn lại không sử dụng nguồn nước máy từ hệ thống cấp nước sinh hoạt cho việc ăn uống hàng ngày. Thay vào đó, họ vẫn chấp nhận dùng nước mưa, nước giếng khoan – 2 nguồn nước có nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng.

Nghịch lý này đã tồn tại suốt nhiều năm nay. Nguyên nhân xuất phát từ việc người dân lo ngại nguồn nước thô từ sông Nghèn bị ô nhiễm, dẫn tới chất lượng nguồn nước máy của hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Thạch Sơn không đảm bảo.

Xác nhận tình trạng người dân không dám dùng nước máy để ăn uống vì lo lắng về chất lượng, ông Đặng Hữu Diệu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn thông tin, đã có ý kiến phản ánh tới các đơn vị có chức năng để xem xét, xử lý.

“Vừa qua tỉnh có cử đoàn về kiểm tra và thống nhất rằng sẽ có phương án thay đổi nguồn nước thô, thay vì lấy nước từ sông Nghèn như hiện nay”, ông Đặng Hữu Diệu thông tin.

Vì sao người dân Thạch Sơn không dùng nước máy để ăn, uống?!

Theo đơn vị quản lý, chất lượng nước đầu ra từ hệ thống cung cấp nước sinh hoạt xã Thạch Sơn đảm bảo tiêu chuẩn trong ăn uống, sinh hoạt của Bộ Y tế.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Đình Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh cho biết: "Đơn vị cũng nắm bắt được tình trạng người dân xã Thạch Sơn không tin tưởng chất lượng nguồn nước từ hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Thạch Sơn. Ban đầu, công trình này do địa phương quản lý, vận hành nhưng hoạt động không hiệu quả nên vào năm 2018 bàn giao lại cho chúng tôi. Lúc bàn giao, công trình chỉ cung cấp nước cho 179 hộ dân.

Những năm trước, có một số thời điểm, hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Thạch Sơn gặp sự cố trong quá trình vận hành, dẫn tới nước đầu ra gặp vấn đề. Về sau, chất lượng nguồn nước ngày càng được nâng cao.

Vì sao người dân Thạch Sơn không dùng nước máy để ăn, uống?!

Nước thô từ sông Nghèn được lưu trữ ở bể chứa trước khi vào hệ thống xử lý.

Cũng theo ông Hồ Đình Hoài, nếu nhìn bằng mắt thường, những lo lắng của người dân là có cơ sở khi nguồn nước thô của công trình được lấy từ sông Nghèn. Tuy nhiên, trước khi cung cấp cho người dân, nguồn nước đã được xử lý qua hệ thống, đảm bảo chất lượng trong việc ăn uống, sinh hoạt.

“Hằng tuần, hằng tháng, đơn vị đều lấy mẫu nước đầu ra mang đi kiểm định và đều cho kết quả đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế sử dụng cho mục địch ăn uống, sinh hoạt. Kết quả xét nghiệm cũng được chúng tôi gửi về cho địa phương”, ông Hồ Đình Hoài cho hay.

Phó Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh cũng cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng công trình cũng như sự an tâm cho người dân khi sử dụng nước máy, đơn vị đang tính tới phương án thay thế nước thô cho hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Thạch Sơn bằng nguồn nước từ hồ Trại Tiểu (Can Lộc).

Chủ đề Hà Tĩnh 24h

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast