Gần 90% người dân nông thôn ở Hương Sơn chủ yếu dùng nước ngầm

(Baohatinh.vn) - Theo thống kê, nước sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn của huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) chủ yếu từ nguồn nước giếng trong khi công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn còn rất hạn chế.

Gần 90% người dân nông thôn ở Hương Sơn chủ yếu dùng nước ngầm

Gần 90% người dân nông thôn ở Hương Sơn đang sử dụng nước từ các giếng khơi và giếng khoan.

Theo rà soát của Phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn, người dân vùng nông thôn trên địa bàn huyện đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt chủ yếu từ giếng khơi (chiếm khoảng 83%) và giếng khoan từ 15 - 40m (khoảng 7%).

Gia đình bà Trần Thị Yến ở thôn 2, xã Sơn Giang có 4 người lớn và 2 trẻ nhỏ nhưng nguồn nước phục vụ ăn uống, sinh hoạt sử dụng nhiều năm nay là nước giếng khoan.

"Trước đây, gia đình tôi sử dụng nước giếng khơi nhưng sau đó “nâng cấp” lên nước giếng khoan. Tuy vậy, chúng tôi phải khoan đến 8 lần mới có mạch nước nhưng lại bị nhiễm phèn. Để có nước sinh hoạt, phục vụ ăn uống hằng ngày, gia đình tôi phải đầu tư thêm hệ thống lọc nước hơn 20 triệu đồng. Tôi luôn mong có nguồn nước sạch từ nhà máy để sử dụng, đảm bảo sức khỏe cho gia đình” - bà Yến bày tỏ.

Gần 90% người dân nông thôn ở Hương Sơn chủ yếu dùng nước ngầm

Nước giếng khoan nhiều nơi bị nhiễm phèn.

Chỉ cách Nhà máy nước Phố Châu khoảng hơn 3 km nhưng người dân xã Sơn Giang vẫn phải sử dụng nước giếng khoan, giếng khơi để phục vụ cuộc sống hằng ngày. Để đảm bảo an toàn hơn trong quá trình sử dụng, nhiều hộ dân đã đầu tư hơn chục triệu đồng để mua máy lọc nước.

"Khảo sát cho thấy, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân địa phương rất cao. Hơn 700 hộ dân tại các thôn 1, 2, 3 và 4 của xã sẽ đăng ký sử dụng khi nước sạch về làng”, ông Phan Văn Chương – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Giang cho hay.

Gần 90% người dân nông thôn ở Hương Sơn chủ yếu dùng nước ngầm

Người dân Tân Mỹ Hà chủ yếu dùng nước mưa để ăn uống.

Tương tự, hơn 1.800 hộ dân ở xã Tân Mỹ Hà cũng đang phải sử dụng nước giếng khoan và nước mưa để sinh hoạt. Gần đây, nhiều hộ dân đã bỏ 3-5 triệu đồng kéo đường ống để lấy nước từ khe, suối bên núi Thiên Nhẫn về phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt.

Anh Nguyễn Viết Dũng ở thôn Tân Thắng, xã Tân Mỹ Hà cho hay: Nước giếng khoan ở đây hầu hết có mùi và xỉn màu khi bỏ vào vài cành chè tươi. Bởi vậy, nước giếng khoan chỉ sử dụng để tắm giặt, còn ăn uống chủ yếu từ nguồn nước mưa dự trữ.

Gần 90% người dân nông thôn ở Hương Sơn chủ yếu dùng nước ngầm

Nhiều hộ dân nông thôn huyện Hương Sơn đầu tư hệ thống lọc nước hàng chục triệu đồng để có nguồn nước đảm bảo an toàn hơn trong sinh hoạt.

Trên địa bàn huyện hiện có 2 nhà máy cấp nước tại thị trấn Tây Sơn và thị trấn Phố Châu do Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh quản lý. Tuy nhiên, các nhà máy này hiện chỉ phục vụ cho 2.500 khách hàng, tương đương với 12.000 nhân khẩu của thị trấn Tây Sơn, thị trấn Phố Châu và 245 hộ dân xã Sơn Trung; đạt tỷ lệ 0,8% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình tập trung (245/30.756 hộ).

Ngoài ra, trên địa bàn chưa có công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung nào khác được đầu tư.

Theo ông Trần Quốc Tuyết - Giám đốc Chi nhánh cấp nước Hương Sơn, do thiếu mạng lưới đường ống phủ kín nên các nhà máy nước trên địa bàn không khai thác được hết công suất. Theo đó, Nhà máy Nước Phố Châu có công suất 2.600 m3/ngày đêm nhưng chỉ mới khai thác đạt 50% (1.500 khách hàng) và Nhà máy Nước Tây Sơn có công suất 3.000 m3/ngày đêm nhưng chỉ mới khai thác đạt 30% (1.000 khách hàng).

Gần 90% người dân nông thôn ở Hương Sơn chủ yếu dùng nước ngầm

Nhà máy Nước Phố Châu có công suất 2.600 m3/ngày đêm nhưng chỉ mới khai thác được 50% công suất.

Trước nhu cầu cấp thiết, huyện Hương Sơn đang tập trung kêu gọi thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch, mở rộng mạng lưới đường ống nhằm nâng cao sức khỏe, điều kiện sống cho người dân nông thôn.

Bà Uông Thị Kim Yến – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho biết: Năm 2021 này, huyện đã ban hành chính sách hỗ trợ 30% chi phí lắp đặt đường ống chính, mở rộng mạng lưới nước sạch phục vụ sinh hoạt cho các vùng, cụm dân cư (mức hỗ trợ không quá 45 triệu đồng/km đường ống).

Đặc biệt, để tạo điều kiện cho người dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, tạo việc làm cho lao động trên địa bàn và góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng huyện, tỉnh nông thôn mới, huyện cũng đã đề xuất với tỉnh xem xét bố trí các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng 3 công trình cấp nước sạch từ nay đến năm 2025 để phục vụ cho khoảng 53.000 hộ dân.

3 công trình dự kiến gồm: công trình nước sạch Quang Diệm công suất 10.000 m3/ngày đêm, trị giá 200 tỷ đồng; công trình nước sạch Khe Cò, xã Sơn Lễ công suất 8.000 m3/ngày đêm, trị giá 170 tỷ đồng và công trình nước sạch Tân Mỹ Hà công suất 7.000 m3/ngày đêm, trị giá 150 tỷ đồng.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện điện: UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về việc ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông.
Thông tin mới nhất về bão USAGI

Thông tin mới nhất về bão USAGI

Tin mới nhất về bão USAGI, hiện đang ở gần Nam Đài Loan, sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn, nguy cơ cao với tàu thuyền. Biển động rất mạnh.
Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.