Tháng 1/2020, xã Nam Phúc Thăng được thành lập từ việc sáp nhập 3 xã: Cẩm Nam, Cẩm Phúc, Cẩm Thăng. Sau sáp nhập, Nam Phúc Thăng là xã có quy mô lớn nhất huyện Cẩm Xuyên với 2.327,22 ha đất tự nhiên và 3.995 hộ dân. Ngay sau thành lập, bộ máy chính quyền xã đã đi vào hoạt động ổn định, lãnh đạo Nhân dân đẩy mạnh phát triển KT - XH, tích cực sản xuất, phát triển chăn nuôi, chủ động phòng chống dịch bệnh...
Sau sáp nhập xã, thủ tục hành chính của người dân xã Nam Phúc Thăng được giải quyết nhanh gọn và hiệu quả hơn (Ảnh: Văn Chung)
Ông Phạm Văn Tuấn – Chủ tịch UBND xã Nam Phúc Thăng nhấn mạnh: “Sau sáp nhập, bộ máy hành chính được tinh gọn và nâng cao hiệu quả hoạt động để lãnh đạo địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ. Năm 2020, xã vươn lên đứng số một toàn huyện về cải cách thủ tục hành chính. Toàn xã ước có 13/20 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm 2020. Trong đó, chỉ tiêu quan trọng như thu ngân sách ước vượt 45% so với kế hoạch huyện giao.
Tiếp đà thành công sau sáp nhập xã, địa phương đang triển khai sáp nhập thôn để tăng quy mô đơn vị hành chính, góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị cấp thôn”.
Sáp nhập từ 3 xã, Nam Phúc Thăng hiện có quy mô về diện tích tự nhiên và dân số lớn nhất huyện Cẩm Xuyên.
Những ngày này, loa truyền thanh ở các thôn xóm trên địa bàn xã Nam Phúc Thăng liên tục phát đi những bản tin tuyên truyền về chủ trương sáp nhập và đổi tên thôn của địa phương.
Ngoài ra, xã Nam Phúc Thăng còn tổ chức các cuộc họp chi bộ, họp thôn để tuyên truyền chủ trương đến tận người dân.
Cán bộ và người dân thôn Trung Bình Bá chia sẻ với phóng viên về quá trình lấy ý kiến về chủ trương sáp nhập và đổi tên thôn.
Bà Hoàng Thị Tâm – Bí thư Chi bộ thôn Trung Bình Bá, xã Nam Phúc Thăng chia sẻ: “Sau khi tổ chức họp thôn để tuyên truyền, các tổ liên gia thành lập các đoàn công tác đến tận nhà hộ dân lấy ý kiến. Chủ trương sáp nhập thôn được đa số người dân đồng tình”.
Sáp nhập thôn sẽ thuận lợi hơn trong việc huy động sức dân xây dựng cơ sở hạ tầng.
Theo đề án sáp nhập và đổi tên thôn năm 2020, xã Nam Phúc Thăng sẽ giảm từ 23 thôn xuống còn 17 thôn để đảm bảo quy mô dân số theo quy định (trên 250 hộ/thôn) và không làm xáo trộn tình hình sản xuất của Nhân dân trên địa bàn. Sau sáp nhập, xã Nam Phúc Thăng sẽ giảm một số lượng lớn cán bộ không chuyên trách ở địa phương với kinh phí khoảng trên 400 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Báu – Bí thư Đảng ủy xã Nam Phúc Thăng cho biết: “Đối với một số thôn ít người, địa bàn rộng, việc huy động sức dân để xây dựng cơ sở hạ tầng thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM là một vấn đề khó thực hiện. Nhưng nếu được sáp nhập thì việc huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng trong Nhân dân sẽ được nhân lên”.
Sáp nhập thôn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để xã Nam Phúc Thăng thuận lợi hơn trong chủ trương phá bờ thửa nhỏ thành ô thửa lớn.
Tính đến thời điểm này, xã Nam Phúc Thăng đã thực hiện lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân ở 12 thôn sáp nhập.
“Kết quả lấy ý kiến có 11 thôn tỷ lệ người dân đồng thuận đạt trên 80%. Riêng thôn 2A tỷ lệ đồng thuận chỉ đạt 61,9%. Một số người dân vẫn đang phân vân và có ý kiến trái chiều. Vì vậy, chúng tôi đang tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận trong việc thực hiện sáp nhập” - Bí thư Đảng ủy xã Nam Phúc Thăng Nguyễn Văn Báu nhấn mạnh.