Sử dụng đá lạnh bẩn là một trong những nguyên nhân dẫn tới không ít căn bệnh mùa hè như tiêu chảy, đường ruột, viêm họng… Tuy nhiên, có thể thấy rằng, các cơ sở sản xuất đá lạnh vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề ATVSTP.
Khi đề nghị được vào xem xét quy trình sản xuất đá lạnh, một người đàn ông của cơ sở Tuấn Hương (trên đường Nguyễn Huy Tự) lớn tiếng xua đuổi, dọa đánh phóng viên
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hệ thống cơ sở vật chất một số cơ sở sản xuất đá lạnh trên địa bàn TP Hà Tĩnh không đảm bảo vệ sinh như mái tôn, tường nhà nhiều bụi, mạng nhện, che chắn sơ sài; nhiều bộ phận máy móc bị gỉ sắt… Tại cơ sở sản xuất đá lạnh Tuấn Hương (trên đường Nguyễn Huy Tự), khi chúng tôi xuất trình giấy tờ và đề nghị được vào xem quy trình sản xuất thì ngay tức khắc bị một người đàn ông xua đuổi, chửi mắng, thậm chí dọa đánh.
Bên cạnh đó, không ít người dân sản xuất nhỏ bằng tủ lạnh sử dụng nước giếng để làm đá, khi đá tan, nhiều loại vi khuẩn tiếp tục hoạt động, có nguy cơ gây bệnh cho người sử dụng.
Theo quy định, việc quản lý sản xuất đá lạnh được phân cấp cho các đơn vị cấp huyện. Trưởng phòng Y tế TP Hà Tĩnh Dương Đăng Ngọc cho hay, trên địa bàn có khoảng 7-8 cơ sở sản xuất đá thực phẩm được cấp phép. Đá thực phẩm được các cơ sở đóng gói, bao bì đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, ở một số cơ sở chúng tôi đến tìm hiểu, đá thương phẩm thường được đựng trong các thùng tôn, sau đó, bỏ vào túi ni-lông, không có nhãn mác, thương hiệu.
Không chỉ có công nghệ làm nước đá mà cả công đoạn vận chuyển cũng rất mất vệ sinh. Ít có người vận chuyển đá lạnh bằng xe chuyên dụng, mà chủ yếu bằng xe máy hoặc xe ba gác. Đá được cho vào rọ chở hàng hoặc thùng xốp, đưa lên xe máy rồi chuyển tới các nhà hàng, quán ăn, hàng tạp hóa. Tiếp đó, phần lớn người bán dùng tay trần bốc đá, người mua vô tư uống mà không quan tâm đến vệ sinh, đặc biệt ở các hàng quán vỉa hè. Thậm chí, chính người sử dụng cũng tự tay bốc đá.
Đáng nói hơn, những ngày nắng gắt kéo dài khiến đá lạnh cháy hàng, sản xuất không đáp ứng nhu cầu của người dân, không thiếu những quán ăn, nhà hàng sử dụng đá cây phục vụ khách. Tuy nhiên, đá cây được sản xuất chỉ để dùng ướp thực phẩm.
Các cơ sở sản xuất đá cây thường không quan tâm tới vấn đề vệ sinh, đá được đặt ngay trên sàn nhà, người làm giẫm lên trên đá khi bốc vác, vận chuyển
Có mặt tại một cơ sở sản xuất đá cây ở xã Thạch Kim (Lộc Hà), chúng tôi quan sát thấy, người làm đá cây không hề quan tâm đến công tác vệ sinh, đá thành phẩm được để hẳn giữa sàn nhà, hoặc trên các tấm bạt nhàu nát, người lao động dùng tay và móc thép để bốc vác, vận chuyển, thậm chí giẫm hẳn lên đá.
Ông Võ Tá Bình - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho biết, Lộc Hà có 6 cơ sở sản xuất đá cây ướp lạnh, trong đó, 4 cơ sở có giấy phép, sản lượng đạt khoảng 4.000 tấn/năm. Những năm trước đây, công tác quản lý đá cây ướp lạnh chưa thực sự được quan tâm nhiều, trong khi ở cấp huyện không có các thiết bị đánh giá. Gần đây, dù tổ chức nhiều đợt thanh kiểm tra liên ngành, tuy nhiên, chỉ ở mức độ định tính, đánh giá bằng mắt thường, không thể đánh giá chất lượng đá có đạt các quy chuẩn yêu cầu hay không.
Phó Trưởng phòng Y tế huyện Lộc Hà Nguyễn Minh Hoàng chia sẻ: Trên địa bàn Lộc Hà cũng có hiện tượng sử dụng đá cây ướp lạnh để uống, nhưng không nhiều, một phần do ý thức của người dân đã được nâng cao. Sắp tới, huyện sẽ tăng cường kiểm tra, đồng thời, yêu cầu các nhà hàng, khách sạn phải có hợp đồng kinh doanh, hóa đơn mua đá lạnh ở các cơ sở uy tín, được cấp phép, có nhãn mác rõ ràng.
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Phan Văn Hùng cho biết, trong các đợt thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện và xử phạt một số đơn vị sản xuất đá lạnh về lỗi không sử dụng bao bì đạt tiêu chuẩn. Thực trạng ở Hà Tĩnh, đá lạnh còn có nguy cơ mất an toàn vệ sinh do quá trình kinh doanh, vận chuyển và người sử dụng, khó tránh khỏi tác động của môi trường. Vấn đề quản lý về đá lạnh vẫn đang có nhiều khó khăn, do cấp xã không có cán bộ chuyên ngành, cấp huyện không có thanh tra chuyên ngành, lực lượng còn mỏng.