Xanh thắm đôi bờ Bến Hải

(Baohatinh.vn) - Những ngày đầu hạ, chúng tôi về với Quảng Trị, nơi ghi dấu nỗi đau chia cắt 2 miền Nam - Bắc, nơi chí căm thù, sức mạnh quật khởi của quân và dân ta đã làm nên những chiến công lẫy lừng.

"Đồn Tà Cơn năm nào bốc cháy"...

Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê, đôi mắt đượm tình quê”… Xe vừa chạy đến gần Dốc Miếu - Cồn Tiên (huyện Gio Linh), không ai bảo ai, mọi người trong đoàn nhà báo cao tuổi và cựu chiến binh Hà Tĩnh đi tham quan ở Quảng Trị lần này bỗng cùng nhau khe khẽ hát.

Quá khứ đau thương và hào hùng hiện về trong ký ức, nhất là với những nhà báo, cựu chiến binh từng có những ngày tháng gian nan chiến đấu dọc đôi bờ sông tuyến (vĩ tuyến 17). Câu chuyện về những ngày “ăn cơm bờ bắc, đánh giặc bờ nam”, về hàng rào điện tử McNamara, về những gia đình chia cắt bởi đôi bờ sông Bến Hải chiều chiều ra đứng ngóng bờ bên kia, về những bộ phim nổi tiếng “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” “Chung một dòng sông”… cứ râm ran, sôi nổi.

Du khách Hà Tĩnh chụp ảnh lưu niệm ở cầu Hiền Lương. Ảnh: Đình Quý

Nhà báo Nguyễn Khắc Hiển, người đã có 4 năm sống, chiến đấu ở đôi bờ sông tuyến, chỉ tay về phía con dốc trước mặt, nói: “Nó cũng chỉ là con dốc bình thường, nhưng trong chiến tranh, hàng rào điện tử McNamara - hệ thống hàng rào đặc biệt được Mỹ xây dựng dọc phía nam vùng giới tuyến quân sự tạm thời (nam sông Bến Hải) từ bờ biển Gio Linh qua đồi Gio Mỹ đến Dốc Miếu, Cồn Tiên lên biên giới Việt - Lào nhằm ngăn chặn sự tấn công của quân và dân ta từ phía Bắc vào.

Trong hệ thống hàng rào này, Dốc Miếu là trung tâm của các phương tiện điện thám tinh vi, là “con mắt thần” lợi hại. Tuy nhiên, dưới làn bom đạn địch và “con mắt thần” theo dõi, đêm đêm, những đoàn quân từ phía Bắc vẫn lặng lẽ vượt sông tiến vào Nam, những chuyến xe vẫn vượt Trường Sơn thẳng tiến..".

Hiện vật chiếc máy bay Boeing CH47 Chinook giữa màu xanh của cây cỏ tại sân bay Tà Cơn. Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị.

Chúng tôi tiếp tục đi về thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa. Di tích sân bay Tà Cơn và Bảo tàng Chiến thắng Đường 9 trong nắng chiều thật yên ả. Cùng hòa nhịp bước chân của chúng tôi là các cựu chiến binh từ khắp nơi về thăm lại chiến trường xưa, có cả du khách nước ngoài. Thời gian trôi qua, những chiếc máy bay, xe tăng địch nằm rải rác khắp khu vực bảo tàng, những bức ảnh, những con số... như những thước phim kể lại chiến công hào hùng của quân và dân ta.

Tà Cơn, tiếng Vân Kiều nghĩa là vùng đất bằng phẳng, hạnh phúc, là một quả đồi nằm cạnh sông Sê-pôn cách biên giới Việt - Lào 20 km. Mỹ xây dựng phòng tuyến Đường 9 - Khe Sanh, cùng với Cồn Tiên - Dốc Miếu thành 2 gọng kìm nhằm ngăn chặn sự chi viện và tấn công của quân ta từ miền Bắc vào. Địch đã tập trung hàng chục nghìn quân Mỹ, ngụy cùng hàng trăm máy bay, pháo các loại tập kết về đây. Đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đặc biệt quan tâm đến Đường 9 - Khe Sanh và ví nơi này như “cái mỏ neo” ở phía Tây của toàn bộ hệ thống phòng thủ chiến lược phía Nam khu phi quân sự. Chính vì vậy, Mỹ - ngụy tập trung xây dựng cụm cứ điểm mà chúng coi là bất khả chiến bại với quân số lên tới hơn 45.000 (trong đó có 28.000 quân Mỹ).

Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” nằm ở bờ Nam sông Bến Hải. Ảnh: Minh Huệ

Chiến dịch Khe Sanh diễn ra 170 ngày, từ tháng 1/1968 đến tháng 6/1968. Ngày 20/1, ta nổ súng bao vây, thu hút, giam chân và phân tán hỏa lực địch. Chúng không thể ngờ chúng ta đã đưa vào Khe Sanh hơn 200 nghìn quân, 81 tấn vũ khí và đạn dược, xé toang hệ thống phòng thủ địch. Các trận địa pháo ở phòng tuyến Việt - Lào nã đạn khống chế bầu trời không cho chúng tiếp viện bằng máy bay, chúng phải điều quân ở Huế lên, cuối cùng buộc phải tháo chạy. Ngày 9/7/1968 chiến dịch Khe Sanh toàn thắng.

57 năm đã trôi qua, trở lại chiến trường xưa trong những ngày tháng Tư này, cựu chiến binh Vũ Duy Tân (TP Nam Định, tỉnh Nam Định), từng là chiến sĩ C2 F2, Sư 320 chiến đấu ở đây không khỏi bồi hồi xúc động: “Cảnh vật đã thay đổi quá nhiều. Mỗi tấc đất, ngọn cỏ nơi đây từng bị cày lên xới xuống vì bom đạn, không ít đồng đội tôi đã ngã xuống để có được ngày toàn thắng”.

Đoàn nhà báo cao tuổi và du khách chụp ảnh ở cột cờ giới tuyến. Ảnh Đình Quý

Tà Cơn hôm nay đã đúng nghĩa là vùng đất bằng phẳng, hạnh phúc khi các triền đồi cà phê của bà con Vân Kiều, Pa Cô trải xanh một màu no ấm. Thị trấn Khe Sanh sầm uất nhộn nhịp với những cung đường nhựa uốn lượn dọc các triền đồi yên bình.

Một góc thị trấn Khe Sanh hôm nay.

Địa đạo Vịnh Mốc, cuộc sống trong lòng đất

Đến Quảng Trị lần này, chúng tôi ai cũng muốn về thăm lại địa đạo Vịnh Mốc. Tinh thần “Một tấc không đi, một ly không dời” đã thể hiện quyết tâm bám trụ để bảo vệ vùng đất bờ Bắc sông Bến Hải của bà con Vĩnh Linh. Tiêu biểu là Vịnh Mốc.

Vịnh Mốc - làng quê nằm trên khu đồi đất đỏ sát bờ biển, cách thị trấn Hồ Xá của huyện Vĩnh Linh khoảng 14 km về phía Đông, cách Cửa Tùng 6 km về phía Bắc. Khi Quảng Trị bị cắt đôi bởi vĩ tuyến 17 thì mảnh đất Vĩnh Linh phía Bắc sông Bến Hải trở thành "túi bom, chảo lửa".

Trong lòng địa đạo Vịnh Mốc. Ảnh: Báo Quảng Trị.

Vịnh Mốc là điểm tập trung chi viện cho đảo Cồn Cỏ. Địa đạo Vịnh Mốc là hệ thống hầm ngầm sâu trong lòng đất gồm 3 địa đạo chính nối thông nhau với tổng chiều dài trên 1.700 m, được xây dựng trong gần 3 năm từ 1965 đến 1967...

Địa đạo này nằm trong lòng một quả đồi đất đỏ bazan chạy sát mép biển, được đào cao hơn so với mực nước biển, có độ nghiêng để nước dễ thoát, đảm bảo mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường kể cả vào mùa mưa. Địa đạo có tất cả 13 cửa, gồm 7 cửa mở ra phía biển, 6 cửa thông lên đồi. Nhờ các cửa hầm mở ra phía biển nên ở tầng hầm dưới sâu vẫn luôn được đảm bảo độ thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông.

Du khách chụp ảnh lưu niệm ở cửa hầm xuống địa đạo Vịnh Mốc. Ảnh: Minh Huệ

Các lực lượng đã mất khoảng 18.000 ngày công đào và vận chuyển 6.000m3 đất đá để hoàn thành công trình kỳ vĩ, độc đáo này. Trong gần 2.000 ngày đêm trong lòng địa đạo, Nhân dân Vịnh Mốc cũng như Vĩnh Linh nói chung đã tạo nên một huyền thoại về sức sống diệu kỳ. Nơi đây, sự sống vẫn sinh sôi, đã có 17 em bé được chào đời, mọi sinh hoạt của người dân vẫn được diễn ra. Việc sản xuất để phục vụ cuộc sống, chiến đấu và chi viện cho đảo Cồn Cỏ vẫn được duy trì dẫu muôn vàn khó khăn. Ở đây có đầy đủ: kho vũ khí đạn dược, lương thực, cơ quan Đảng và chính quyền, quân sự, các công trình công cộng, giếng nước, hội trường, nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, trạm thông tin… Làng địa đạo Vịnh Mốc được Đảng, Nhà nước tuyên dương 2 lần Anh hùng và năm 1976 được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Không có điều kiện để khám phá hết các địa đạo, đoàn chúng tôi theo chân hướng dẫn viên xuống hầm cửa số 3 và lên ở cửa số 5 sau khi leo qua 81 bậc đất. Dọc đường đi, chúng tôi thấy có rất nhiều khách quốc tế. Họ đến đây để khám phá những bí ẩn về một cuộc sống trong lòng đất của Nhân dân Việt Nam, để hiểu hơn sức mạnh làm nên chiến thắng của cả một dân tộc. Vịnh Mốc giờ đã trở thành địa chỉ du lịch thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước.

Trước khi trở về Hà Tĩnh, đoàn chúng tôi đến dâng hương các liệt sỹ tại thành cổ Quảng Trị, bồi hồi đặt bước chân lên vạch vôi chỉ giới ngăn chia tại vĩ tuyến 17 ngay chính giữa cầu Hiền Lương. Dưới chân cầu, dòng sông Bến Hải một màu xanh trong miệt mài chảy ra biển Cửa Tùng. Hai bên bờ sông, những ngôi nhà bình yên ngủ dưới nắng trưa. Cụm tượng đài "Khát vọng thống nhất" vẫn vươn lên dưới nền trời xanh thắm. 50 năm kể từ ngày non sông liền một dải, nỗi đau chia cắt đất nước giờ chỉ còn lại trong ký ức. Quảng Trị yêu thương, dạt dào sức sống lại vui mừng đón những bước chân tìm về, để hội ngộ, tri ân, chiêm nghiệm, để biết trân trọng nâng niu hơn mỗi tấc đất từng thấm máu cha ông và sống trách nhiệm hơn trong hiện tại…

Chủ đề 50 năm Giải phóng miền Nam

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói