Hà Tĩnh cân nhắc thực hiện các mô hình thí điểm dựa trên thực tiễn từng địa phương

(Baohatinh.vn) - Chiều 26/2, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh họp nghe báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện mô hình thí điểm nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo và chủ trương luân chuyển, biệt phái cán bộ ở cấp xã và cấp huyện.

Hà Tĩnh cân nhắc thực hiện các mô hình thí điểm dựa trên thực tiễn từng địa phương

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện các địa phương, sở, ngành liên quan.

Thời gian qua, Hà Tĩnh đã thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã; trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị huyện; trưởng ban tuyên giáo đồng thời là trưởng ban dân vận cấp huyện; trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ cấp huyện.

Hợp nhất trung tâm văn hóa thông tin - thể thao và du lịch với đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện; ban tổ chức với phòng nội vụ; ủy ban kiểm tra với thanh tra.

Hà Tĩnh cân nhắc thực hiện các mô hình thí điểm dựa trên thực tiễn từng địa phương

Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hoàng Đình Hà báo cáo sơ kết thực hiện chủ trương nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo các cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện chủ trương luân chuyển, biệt phái cán bộ cấp huyện về cấp xã và ngược lại ở các địa phương trong toàn tỉnh có đủ điều kiện.

Tham gia ý kiến tại cuộc họp, đa số đại biểu khẳng định tính đúng đắn và cần thiết của các chủ trương. Việc biệt phái, luân chuyển cán bộ; nhất thể hóa chức danh đã góp phần đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.

Hà Tĩnh cân nhắc thực hiện các mô hình thí điểm dựa trên thực tiễn từng địa phương

Bí thư Đảng ủy thị trấn Hương Khê Hoàng Quốc Nhã: Quá trình thực hiện luân chuyển, biệt phái cán bộ cần chặt chẽ trong khâu lựa chọn cán bộ, đồng thời có lộ trình đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ sâu hơn; nắm bắt tư tưởng, tâm tư, tình cảm của cán bộ nơi được luân chuyển, biệt phái về.

Hà Tĩnh cân nhắc thực hiện các mô hình thí điểm dựa trên thực tiễn từng địa phương

Bí thư Đảng ủy xã Việt Tiến (Thạch Hà) Nguyễn Nam Anh: Công tác điều động, luân chuyển cán bộ cấp huyện về xã nên một số vị trí tại huyện thiếu, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành đồng thời bố trí việc đối với một số cán bộ khi tiếp nhận trở lại huyện gặp nhiều khó khăn do không còn biên chế và vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý.

Các cơ quan thực hiện hợp nhất, nhất thể hóa chức danh đi vào hoạt động cơ bản ổn định, phát huy hiệu quả; bộ máy được giảm bớt đầu mối; vai trò điều hành, lãnh đạo đồng bộ, linh hoạt và tránh chồng chéo trong phân công thực hiện nhiệm vụ...

Hà Tĩnh cân nhắc thực hiện các mô hình thí điểm dựa trên thực tiễn từng địa phương

Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Can Lộc Bùi Thị Kiều Nhi: Dân vận là cơ quan tham mưu chủ trương, ủy ban MTTQ lại là đơn vị tổ chức thực hiện, vì vậy khi nhất thể hóa chức danh một người lãnh đạo sẽ giúp thực hiện nhiệm vụ nhanh chóng, sát đúng, xuyên suốt.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, trong quá trình hoạt động đang tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, do khối lượng công việc lớn, áp lực nhiều, có thời điểm người đứng đầu khó khăn trong sắp xếp thời gian điều hành công việc và đi cơ sở; một số cán bộ khi luân chuyển là cán bộ trẻ, có năng lực, nhiệt tình, được đào tạo bài bản nhưng còn hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn...

Hà Tĩnh cân nhắc thực hiện các mô hình thí điểm dựa trên thực tiễn từng địa phương

Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm: Trong thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh, luân chuyển, biệt phái cán bộ cần lựa chọn nhân sự là những người có tâm, có tầm. Bởi nếu người cán bộ không có năng lực, không có cơ chế giám sát rõ ràng sẽ dễ rơi vào tình trạng độc đoán, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, điều hành công việc.

Việc điều động, luân chuyển cán bộ cấp huyện về công tác tại xã khiến một số vị trí tại huyện thiếu, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành; đồng thời bố trí việc đối với một số cán bộ khi tiếp nhận trở lại huyện gặp nhiều khó khăn do không còn biên chế và vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý.

Hà Tĩnh cân nhắc thực hiện các mô hình thí điểm dựa trên thực tiễn từng địa phương

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Thị Gái: Việc triển khai mô hình nhất thể hóa chức danh hay luân chuyển, biệt phái cán bộ phải được tính toán, xem xét kỹ lưỡng ở những nơi đủ điều kiện.

Đại biểu đề xuất tiếp tục triển khai thí điểm các mô hình nhất thể hóa chức danh, luân chuyển, biệt phái cán bộ ở những nơi đủ điều kiện; đồng thời, quan tâm công tác đào tạo, quy hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ; rà soát, bổ sung quy chế làm việc ở các cơ quan hợp nhất, nhất thể hóa chức danh; xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ; quan tâm chế độ chính sách, đãi ngộ đối với cán bộ thực hiện mô hình...

Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhận định, quá trình thực hiện mô hình thí điểm sẽ mang đến những thuận lợi và không ít khó khăn. Tuy nhiên, chính trong khó khăn cũng là cơ hội để người cán bộ thể hiện vai trò của mình, mạnh dạn, quyết tâm đổi mới, tháo gỡ.

Hà Tĩnh cân nhắc thực hiện các mô hình thí điểm dựa trên thực tiễn từng địa phương

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương cần cân nhắc kỹ, không nóng vội nhưng phải có tinh thần quyết liệt. Đối với những mô hình đang hoạt động hiệu quả tốt và những địa phương có đủ điều kiện triển khai cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

“Chúng ta không vội vàng đánh giá mô hình thí điểm; tuy nhiên trong triển khai các địa phương cần rút kinh nghiệm, chủ động thực hiện mô hình theo cấp có thẩm quyền” - Bí thư Tỉnh ủy lưu ý.

Địa phương cần xác định rõ chủ trương luân chuyển và biệt phái cán bộ để thực hiện đúng; trong nhất thể hóa chức danh cần có cơ chế kiểm soát quyền lực, bố trí đúng cán bộ; theo dõi, đánh giá cán bộ qua hiệu quả công việc.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast