Hà Tĩnh: Gỡ khó cho đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở

(Baohatinh.vn) - Bố trí đào tạo, quy hoạch cán bộ, công chức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; tăng chế độ phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã... là những vấn đề cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn; bí thư, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố ở Hà Tĩnh trăn trở và mong sớm có giải pháp tháo gỡ.

Hà Tĩnh: Gỡ khó cho đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng trò chuyện với các đại biểu bên lề hội nghị gặp mặt cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn; bí thư, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.

Điều chỉnh mức hỗ trợ, bố trí, sắp xếp cán bộ cơ sở hợp lý

Hưởng ứng “Ngày thứ 4 xây dựng NTM” trên địa bàn huyện Thạch Hà, đã quá trưa, ông Trần Văn Thuận - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Thắng Hòa (xã Tân Lâm Hương) vẫn miệt mài, lăn xả cùng bà con chăm sóc hàng rào xanh, chỉnh trang rãnh thoát nước...

Thôn Thắng Hòa có hơn 270 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu. Nhiều năm qua, phong trào xây dựng NTM tại đây được người dân tích cực hưởng ứng. Chỉ tính riêng trong năm 2022, thôn đã huy động hơn 450 triệu đồng, trong đó, có hơn một nửa là nguồn kinh phí do bà con đóng góp.

Hà Tĩnh: Gỡ khó cho đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở

Xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) là địa phương được sáp nhập từ 3 xã, có quy mô dân số, diện tích lớn của huyện.

Ngoài xây dựng NTM, mọi nhiệm vụ phát triển KT-XH luôn được cấp ủy thôn đặc biệt quan tâm. Đối với mỗi việc làm, chủ trương mới, ông Thuận cùng các đồng chí trong cấp ủy đều đưa ra bàn bạc công khai, dân chủ, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của đảng viên và Nhân dân. Qua đó, tạo được sự đoàn kết trong chi bộ, phát huy tinh thần trách nhiệm, sự gương mẫu của người cán bộ đảng viên. Từ đây, mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đều được bà con trong thôn nắm bắt, đồng thuận.

Ông Trần Văn Thuận là 1 trong 3.874 bí thư, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trên toàn tỉnh. Mặc dù khối lượng công việc ở cơ sở vô cùng lớn và đóng vai trò cầu nối trực tiếp giữa “ý Đảng - lòng dân” song mức phụ cấp cho đội ngũ này chỉ dao động từ 2,4 - 2,6 triệu đồng/tháng.

Chính vì vậy, thời gian vừa qua, việc hỗ trợ, tăng phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã; đội ngũ bí thư, trưởng thôn và các chi hội, chi đoàn nhận được sự quan tâm từ cơ sở.

Hà Tĩnh: Gỡ khó cho đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở

Mặc dù khối lượng công việc vô cùng lớn nhưng mức phụ cấp cho đội ngũ cán bộ thôn chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ.

Theo thông tin từ Sở Nội vụ Hà Tĩnh, để kịp thời gỡ vướng cho đội ngũ cán bộ cơ sở, ngày 24/3/2022, UBND tỉnh đã có Văn bản số 1335/UBND về việc kiến nghị sửa đổi Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 (Nghị định 34) gửi Chính phủ và Bộ Nội vụ. Theo đó, Hà Tĩnh đề nghị xem xét, nghiên cứu sửa đổi quy định mức phụ cấp cụ thể đối với các chức danh (thôn đội trưởng, công an viên, bảo vệ dân phố, nhân viên y tế thôn, bản); hỗ trợ mức khoán chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia công việc tại thôn, tổ dân phố (ngoài nguồn đoàn phí, hội phí).

Mới đây nhất, ngày 16/2/2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục có Công văn số 628/UBND-TH gửi Chính phủ về các kiến nghị, đề xuất và các khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách. Theo đó, đề nghị xem xét thay thế Nghị định 34.

Bộ Nội vụ đang tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 34. Quá trình góp ý, Hà Tĩnh sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các địa phương và tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ tăng phụ cấp cho đội ngũ nói trên; đồng thời, ban hành nghị quyết phù hợp thực tiễn.

Ngoài việc tăng mức phụ cấp cho cán bộ cơ sở, vấn đề bố trí số lượng cán bộ, công chức phù hợp đối với các xã sáp nhập có quy mô dân số đông, địa bàn dân cư rộng cũng là câu chuyện “nóng” tại các diễn đàn trong thời gian qua

Hà Tĩnh: Gỡ khó cho đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở

Ông Nguyễn Tông Cừ (bên trái) - Bí thư Chi bộ thôn Vinh Lộc (Cẩm Lộc - Cẩm Xuyên) vận động người dân tham gia hiến đất mở rộng đường.

Được thành lập từ 3 xã: Cẩm Nam, Cẩm Phúc, Cẩm Thăng, sau sáp nhập, Nam Phúc Thăng là xã có quy mô lớn nhất huyện Cẩm Xuyên với 2.327,22 ha đất tự nhiên và 3.995 hộ dân. Ngay sau thành lập, bộ máy chính quyền xã đã đi vào hoạt động ổn định, lãnh đạo Nhân dân đẩy mạnh phát triển KT - XH.

Ông Phạm Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Nam Phúc Thăng trăn trở: “Là địa bàn rộng, dân số đông trong khi chỉ có 23 cán bộ, công chức rất khó để đáp ứng. Chúng tôi mong muốn tỉnh xem xét, bố trí số lượng phù hợp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương”.

Theo Sở Nội vụ Hà Tĩnh, số lượng cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh và số lượng cán bộ, công chức cấp xã đối với các đơn vị thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã được quy định tại Quyết định số 19/2021/QĐ-UBND ngày 16/4/2021 của UBND tỉnh. Bộ Nội vụ đang tổng hợp, nghiên cứu ý kiến để trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Do vậy, UBND tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị trong quá trình tham gia góp ý.

Trăn trở về giải pháp “tạo nguồn” cán bộ cơ sở

Có chính sách thu hút nguồn cán bộ trẻ được đào tạo chính quy vào làm việc tại các xã, phường, thôn, tổ dân phố; xây dựng đội ngũ cốt cán vùng giáo; có chính sách nhằm thu hút cán bộ trẻ, cán bộ giỏi tham gia hệ thống chính trị cấp cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ... là các vấn đề được rất nhiều cán bộ xã, phường hết sức trăn trở.

Chủ tịch UBND xã Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh) Bùi Quang Liêm băn khoăn: “Việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ trẻ hết sức khó khăn. Hiện nay, những đoàn viên ưu tú sau khi tốt nghiệp THPT thường theo học đại học, cao đẳng, học nghề thoát ly tại các địa phương xa quê”.

Hà Tĩnh: Gỡ khó cho đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở

Xã Thuận Lộc nhìn từ trên cao.

Thực tế cho thấy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở được Ban Thường vụ Tỉnh ủy hết sức quan tâm. Theo đó, cấp huyện phải chú trọng các yếu tố về năng lực, trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức ở cấp xã; làm tốt công tác tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, luân chuyển, đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ.

Trên tinh thần đó, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 46/2021/NQ-HĐND, ngày 16/12/2021 về chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022-2025. Thời gian tới, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy sẽ tiếp tục giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất chính sách thu hút cán bộ trẻ về làm việc tại cơ sở.

Ông Nguyễn Xuân Cảnh - Bí thư Đảng ủy xã Quang Diệm (Hương Sơn) đưa ra đề xuất bố trí biên chế cho cán bộ văn phòng đảng ủy xã, phường để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời, bố trí cán bộ chuyên trách công tác kiểm tra, giám sát đối với những đảng bộ có trên 300 đảng viên. Đây cũng là tiếng nói chung của rất nhiều cán bộ chủ chốt xã, phường.

Hà Tĩnh: Gỡ khó cho đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở

Ông Nguyễn Xuân Cảnh - Bí thư Đảng ủy xã Quang Diệm (Hương Sơn) đề xuất bố trí biên chế cho cán bộ văn phòng đảng ủy xã, phường để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã kiến nghị với Trung ương xem xét, cho bố trí 1 cán bộ, công chức chuyên trách văn phòng đảng ủy ở các xã, phường, thị trấn; đồng thời, kiến nghị liên quan đến việc bố trí cán bộ chuyên trách là phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy, song đến nay, Trung ương chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Trao đổi tại hội nghị gặp mặt cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn, bí thư, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố (sáng 22/3), Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng đã chỉ rõ những nhiệm vụ cán bộ xã, phường, thị trấn cần tập trung triển khai như: linh hoạt trong tuyên truyền, vận động để đưa chủ trương, chính sách kịp thời đến với người dân; các địa phương phải luôn tạo môi trường, diễn đàn, cơ hội để người dân phản biện, góp ý, hiến kế tham gia vào việc chung; quan tâm giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương. Cùng đó, cần đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng NTM, đô thị văn minh...

Đội ngũ thường trực cấp ủy các xã, phường, thị trấn, đội ngũ bí thư, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trong toàn tỉnh đã làm tốt vai trò cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với người dân; là động lực, người giữ lửa khơi dậy các phong trào hành động trong Nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng
Tin liên quan:

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Chủ đề Đưa nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hà Tĩnh vào cuộc sống

Chủ đề BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast