Sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh: Những tiền đề vững chắc

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh là một trong những tỉnh nhận ra khá sớm tình trạng bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Bởi vậy, trước Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương và đạt được kết quả tích cực trong việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy.

Sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh: Những tiền đề vững chắc

Được sáp nhập từ 2 thôn Đông Trung và Đông Nam, thôn Trung Nam (Cẩm Thành, Cẩm Xuyên) đã tập trung xây dựng hạ tầng đồng bộ, khang trang.

Hà Tĩnh “khởi động” sớm

Tình trạng bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả được biểu hiện đầu tiên ở cấp cơ sở xã, phường, thị trấn. Từ thực tế này, ngày 19/8/2009, BTV Tỉnh ủy khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn”. Đây là bước cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn và các nghị quyết khác của Trung ương.

Từ chủ trương và quyết tâm chính trị của cấp ủy, ngày 16/12/2011, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 26/2011/NQ-HĐND về phê duyệt đề án “Sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, ban quản lý dự án, tổ chức hội”. Tiếp đó, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND, ngày 22/3/2012 về sáp nhập thôn, tổ dân phố. Với chỉ thị này, Hà Tĩnh là tỉnh đi trước chủ trương của Trung ương về sáp nhập thôn, tổ dân phố. Bởi, phải đến 31/8/2012, Bộ Nội vụ mới ban hành Thông tư số 04/2012/TT-BNV hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố.

Trên cơ sở những hiệu quả bước đầu của việc nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, xã, phường, thị trấn, kiện toàn các cơ quan hành chính, ngày 29/9/2014, BTV Tỉnh ủy ban hành Kết luận 25-KL/TU về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn”. Kết luận này tiếp tục nêu các giải pháp gắn với thực hiện Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28/5/2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”.

Những trăn trở trong sắp xếp, tổ chức bộ máy tiếp tục được BCH Đảng bộ tỉnh nghiên cứu. Trên cơ sở đó, ngày 29/6/2016, BTV Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 05-KL/TU về “Một số chủ trương nâng cao năng lực, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị”. Kết luận này ban hành và được Hà Tĩnh thực hiện từng bước trước khi có Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, tạo những bước đi căn bản để các cấp, ngành thực hiện có hiệu quả nghị quyết của BCH Trung ương.

Sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh: Những tiền đề vững chắc

Từ việc sáp nhập thôn và thực hiện kiêm nhiệm, mỗi năm, ngân sách chi cho cán bộ thôn, tổ dân phố giảm trên 84 tỷ đồng

Quyết liệt từ thôn…

Bí thư Đảng ủy xã Phù Việt (Thạch Hà) Nguyễn Văn Hướng kể: “Việc sáp nhập thôn xóm được xã tiến hành từ năm 1999. Khi đó, xóm quá manh mún, nhiều xóm chỉ vài chục hộ. Toàn xã khi đó có 18 thôn, nhưng quá trình sáp nhập còn 5 thôn. Không sáp nhập thôn thì Phù Việt rất khó để đạt chuẩn NTM, bởi lấy đâu ra nguồn lực”.

Khi thực hiện chủ trương sáp nhập thôn theo Chỉ thị 09, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) Dương Danh Hóa cho hay: “Năm 2009, xã thực hiện thí điểm sáp nhập xóm Đông Trung và Đông Nam thành thôn Trung Nam; năm 2010, xã xin huyện chủ trương sáp nhập đồng loạt. Từ 19 thôn, nay xã chỉ còn 9 thôn. Khi chưa nhập, có thôn như Hạ Bàu, Đông Lộ chỉ dưới 50 hộ; nay có thôn gần 300 hộ”. Tìm hiểu về công tác sáp nhập thôn, được biết, huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Hương Sơn… là những huyện được tỉnh khen thưởng. Theo đó, Thạch Hà giảm 124 thôn, tổ dân phố; Hương Sơn giảm 120 thôn, tổ dân phố.

Từ những đơn vị tiên phong đến việc đồng loạt thực hiện trên địa bàn tỉnh gần chục năm qua, theo ông Nguyễn Văn Thảo - Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên Sở Nội vụ, “toàn tỉnh đã giảm 722 thôn, tổ dân phố. Hiện tại, bình quân một xã có 8 thôn, tổ dân phố; giảm bình quân gần 3 thôn, tổ dân phố/xã”.

Song song với sáp nhập thôn, các địa phương đã xây dựng mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư; thực hiện bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận hoặc bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn; khoán kinh phí để thực hiện các nhóm nhiệm vụ, đồng thời xây dựng quy định khung về số lượng cán bộ thôn, tổ dân phố. Theo đó, trách nhiệm gương mẫu của đội ngũ cán bộ thôn ngày càng thể hiện rõ, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua việc tiên phong hiến đất, tài sản, ngày công để xây dựng cộng đồng; sâu sát, gắn bó với nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 2.016/2.115 bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận (chiếm 95,31%); bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố gần 60 người.

Ông Nguyễn Phi Quang - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Từ việc sáp nhập thôn và thực hiện kiêm nhiệm, mỗi năm, ngân sách chi cho cán bộ thôn, tổ dân phố giảm trên 84 tỷ đồng”.

Sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh: Những tiền đề vững chắc

BQL dự án xây dựng cơ bản ngành NN&PTNT (trực thuộc Sở NN&PTNT) được kiện toàn để thành lập BQL dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT (trực thuộc UBND tỉnh Hà Tĩnh).

… Đến các ban, sở, ngành

Cùng chung quyết tâm chính trị, từ tỉnh xuống cơ sở, các sở, ngành, UBND cấp huyện đã thực hiện quyết liệt việc sắp xếp bộ máy. Năm 2015, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 26/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của HĐND tỉnh, tỉnh Hà Tĩnh đã đánh giá hoàn thành 98,4% kế hoạch nhiệm vụ; trong đó, giảm 6 phòng quản lý nhà nước, giảm 99 trường học, sáp nhập Chi cục Lâm nghiệp vào Chi cục Kiểm lâm; giảm 323 biên chế. Thời điểm đó, UBND tỉnh đánh giá: Sau khi kiện toàn, sắp xếp lại, các tổ chức mới sớm ổn định đi vào hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy được tinh gọn, công tác quản lý, chỉ đạo được tăng cường.

Sau hội nghị sơ kết, Hà Tĩnh xác định phải tiếp tục thực hiện quyết liệt việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy. Trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Hà Tĩnh từ ngày 21 - 23/4/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Hà Tĩnh đã chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Sau cuộc làm việc, Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện việc sắp xếp các tổ chức, đơn vị thông qua Kết luận số 05-KL/TU ngày 29/6/2016. Ngoài việc nhiều đơn vị thực hiện bổ nhiệm các chức vụ kiêm nhiệm, như bí thư huyện ủy đồng thời là chủ tịch UBND huyện (Đức Thọ), nhiều địa phương đã mạnh dạn sáp nhập các hội như Can Lộc, Lộc Hà…

Thống kê mới nhất (đến ngày 20/9/2018) của Sở Nội vụ, Hà Tĩnh đã giảm 15 phòng chuyên môn của các sở, ngành, giảm 3 chi cục. Về đơn vị sự nghiệp, đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư; thành lập trung tâm hành chính công tỉnh và 13 trung tâm hành chính công huyện; chuyển Trung tâm cấp nước Khu kinh tế tỉnh về Công ty Cổ phần Cấp nước Hà Tĩnh quản lý, hoạt động theo cơ chế công ty cổ phần;

Chuyển giao Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh trực thuộc UBND tỉnh về Sở Tư pháp; sáp nhập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên TP Hà Tĩnh vào Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm tỉnh trực thuộc Sở GD&ĐT. Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn các ban quản lý dự án xây dựng cơ bản trên địa bàn toàn tỉnh, từ 26 ban còn 4 ban. Hiện nay, toàn tỉnh còn 17 ban quản lý dự án, giảm tiếp 22 ban quản lý dự án sau khi thực hiện Nghị quyết 26/2011/NQ-HÐND.

Ngày 21/7/2018, trong buổi làm việc với BCH Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá Hà Tĩnh đã có bước đi, cách làm tốt trong sắp xếp, kiện toàn bộ máy.

(còn nữa)

Chủ đề Hội nghị Trung ương

Chủ đề Sáp nhập xã ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast