Bố mẹ luôn phàn nàn với họ hàng, bạn bè rằng sao con gái mà lại có thể lì và bướng khủng khiếp như vậy. Trước đây, con còn hay nói hay cười, vậy mà từ khi bước vào tuổi teen, con như biến thành người khác. Về nhà lúc nào cũng lầm lầm, lì lì, chẳng muốn nói chuyện với ai, luôn tránh mặt bố mẹ.
Con luôn lủi về phòng ngay khi ăn cơm xong để tránh những câu hỏi của bố mẹ. Bố mẹ cũng phàn nàn với mọi người rằng, muốn biết việc học của con hay tình hình của con ở trường, ở lớp thì đều phải hỏi qua bạn bè, thầy cô chứ không thể “khai thác” gì từ con.
Bố mẹ có biết tại sao con lại có thái độ như thế không? Dù biết điều đó là không đúng nhưng con cảm thấy vô cùng khó chịu khi suốt ngày phải chịu đựng những lời than thở, cằn nhằn của bố mẹ.
Hết tiểu học, bước sang tuổi dậy thì, bố mẹ không còn dành cho con những lời dịu dàng, nhẹ nhàng như trước kia nữa. Bố mẹ cho rằng con lớn rồi, phải cho con vào “nề nếp”, “khuôn khổ”. Thế nên, suốt ngày bố mẹ yêu cầu con “phải thế này, phải thế kia” và không ngừng so sánh con với con nhà bác Hùng, dì Nguyệt...
Bị so sánh với người khác, con cảm thấy rất tổn thương. Nhiều lúc con nghĩ, sao bố mẹ không nhận những đứa trẻ ấy làm con? Dù con không học giỏi như chị Kiều Anh con bác Hùng hay con không tự lập như em Hà con dì Nguyệt nhưng con có phải là đứa trẻ “vứt đi” đâu. Con cũng có những giá trị riêng của mình.
Con thích sau này đi theo nghề làm đẹp cho người khác thì bố mẹ mắng xối xả rằng nghề đó không danh giá, nghề đó chỉ dành cho những đứa ít học, ham chơi. Bố mẹ chỉ đề cao những người có tấm bằng đại học, những người làm cơ quan nhà nước mà coi thường những người lao động chân tay. Con không suy nghĩ như vậy.
Con muốn theo nghề làm đẹp như làm tóc, spa, làm nail... vì con thích công việc này, con quan tâm và có hứng thú với thời trang. Với con, được làm nghề mình thích thì mới phát huy hết khả năng của mỗi người. Không cùng quan điểm với con, bố mẹ liền xúc phạm những người làm nghề này để con ngừng theo đuổi giấc mơ của mình. Bố mẹ và con ngày càng cách xa vì thế.
Thế nhưng, điều tồi tệ nhất xảy ra là gần đây khi bố bắt gặp con được một bạn trai cùng lớp học thêm đưa về. Người bạn trai ấy chào bố, bố chẳng nói chẳng rằng và “khuyến mãi” thêm “ánh mắt hình viên đạn” rồi đi một mạch vào nhà cùng cái sập cửa đánh rầm. Con cảm thấy vô cùng xấu hổ với người bạn của mình trước hành động của bố.
Chưa hết, khi con vào nhà, bố còn quát mắng, đe nẹt con khiến nhà cửa ầm ĩ suốt mấy ngày. Bố quy kết rằng con hư hỏng vì yêu sớm. Bố cho rằng, sớm dính vào bạn trai thì kiểu gì cũng học dốt. Điều đó càng khiến con thất vọng về bố. Những rung động đầu đời, những tình cảm trong sáng của con bị bố bóp méo. Việc con 16 tuổi và có bạn trai cũng không có gì là quá bất thường, nhưng với bố thì chẳng khác gì... “trời sập”.
Con không dám mơ có bố mẹ như chuyên gia tâm lý nhưng con khát khao có bố mẹ yêu thương con theo đúng con người của con chứ không phải như “con nhà người ta”. Con mong muốn bố mẹ hiểu khả năng của con, để cho con làm những điều con thích, chứ không phải làm những điều bố mẹ muốn. Con muốn bố mẹ hiểu tâm lý tuổi teen để thấy rằng những tình cảm tuổi học trò thật đáng trân trọng chứ không nguy hiểm, có hại như bố mẹ nghĩ.
Và bố mẹ ơi, hãy kiên trì, từng bước một để “chinh phục” tình yêu của con chứ đừng bắt ép, gây căng thẳng, dùng quyền của bố mẹ để can thiệp khiến con cảm thấy cuộc sống của mình vô cùng ngột ngạt. Đừng để con không thể chịu đựng đến mức phải đi khỏi ngôi nhà của mình bố mẹ nhé!