Bám tiến độ theo ngày
Sau những ngày lo lắng, ngôi nhà của gia đình bà Lê Thị Xuân, thuộc diện hộ nghèo, đơn thân ở TDP Văn Thịnh (phường Văn Yên) cũng đã chính thức được khởi công vào những ngày cuối tháng 3 vừa qua. Chưa đến 1 tuần lễ, toàn bộ hạ tầng phần móng rộng 70m2 cũng hoàn tất. Có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, động viên gia đình còn có sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, bà con lối xóm cùng “xắn tay” để đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình.
Bà Lê Thị Xuân cho biết: “Gia đình thuộc hộ nghèo, tôi cùng người anh trai (là người khuyết tật) sống nương tựa vào nhau. Căn nhà chúng tôi ở đã xập xệ nhiều năm song vì hoàn cảnh khó khăn nên vẫn cứ phải sống tạm bợ năm này qua năm khác. Nay được Nhà nước hỗ trợ 70 triệu đồng để xây dựng lại nhà mới kiên cố, tôi mừng lắm. Hôm tháo dỡ nhà cũ, phường đã huy động lực lượng từ Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Chi đoàn, bà con nhân dân trong tổ dân phố đến cả mấy chục người đến phụ giúp; nhiều người còn cho mượn thêm tiền…, những lo lắng của tôi đã được giải tỏa. Chỉ trong vài ngày, mặt bằng đã gọn, tạo điều kiện khởi công công trình thuận lợi”.
Theo rà soát, toàn phường Văn Yên thực hiện xây mới, sửa chữa 7 ngôi nhà (3 nhà xây mới, 4 nhà sửa chữa), trong đó, 2 nhà cho hộ nghèo, 2 nhà cho hộ cận nghèo và 3 nhà cho gia đình có công. Đến nay, 3/3 ngôi nhà xây mới đã hoàn thành phần móng, 1/4 ngôi nhà thuộc diện sửa chữa đã hoàn thành, chuẩn bị bàn giao cho người dân.
Ông Lê Đình Thắng – Bí thư Đảng ủy, Trưởng BCĐ Xóa nhà tạm, nhà dột nát phường Văn Yên cho biết: “BCĐ phường phân công các tổ, chỉ đạo thành viên bám tiến độ từng nhà. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung các lực lượng hỗ trợ các gia đình đổ đất nền, tranh thủ thời tiết thuận lợi để xây dựng càng sớm càng tốt và bám tiến độ theo ngày. Cùng đó, huy động xã hội hóa các nguồn lực, ngoài mức hỗ trợ 70 triệu đồng/nhà đối với nhà xây mới và 30 triệu đồng/nhà đối với nhà sửa chữa từ Trung ương thì phường đã kêu gọi được thêm hơn 65 triệu đồng để hỗ trợ thêm cho bà con kinh phí, vật liệu xây dựng công trình”.
Cùng tâm trạng vui sướng, ngôi nhà mới của ông Nguyễn Văn Báu (SN 1947), hộ nghèo ở tổ dân phố 10, phường Đại Nài cũng đã xong phần xây dựng móng. Ông cũng được hỗ trợ 70 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà mới. “Chỉ khoảng hơn 1 tháng nữa, gia đình tôi đã có ngôi nhà mới khang trang, không lo ngập lụt, ẩm thấp mùa mưa bão nữa. Ngoài được hỗ trợ bằng tiền, cán bộ, lực lượng của phường, tổ dân phố thường xuyên qua lại để kiểm tra, đốc thúc tiến độ; bà con lối xóm giúp đỡ 100% phần xây dựng nên giúp gia đình tiết kiệm thêm chi phí”.
Với tiến độ “thần tốc”, đến ngày 29/3, phường Đại Nài đã hoàn thành khởi công 7/7 ngôi nhà xây dựng mới và sửa chữa cho các đối tượng hộ nghèo và gia đình người có công.
Ông Trần Trọng Dũng – Bí thư Đảng ủy, Trưởng BCĐ Xóa nhà tạm, nhà dột nát phường Đại Nài cho biết: “Mỗi công trình đều có kế hoạch cụ thể, bố trí thành viên BCĐ, nhân lực tham gia thực hiện để giúp bà con bám tiến độ, chất lượng và không bị bê trễ bất cứ thời gian nào. Vừa chỉ đạo công tác xây dựng, phường vừa tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa nguồn kinh phí, vật tư, vật liệu để hỗ trợ tối đa cho các gia đình. Phấn đấu trước 15/4 sẽ hoàn thành 100% nhà sửa chữa và đến 19/5 hoàn thành các nhà xây dựng, bàn giao cho người dân”.
Theo BCĐ Xóa nhà tạm, nhà dột nát thành phố Hà Tĩnh, toàn thành phố có 184 nhà tạm, nhà dột nát cần phải xây mới, sửa chữa, trong đó 121 nhà ở hộ nghèo, hộ cận nghèo, 63 nhà ở cho người có công. Qua rà soát, công trình thuộc diện xây mới là 105 nhà (35 hộ nghèo, 40 hộ cận nghèo, 30 hộ người có công) và sửa chữa là 79 nhà (23 hộ nghèo, 23 hộ cận nghèo, 33 hộ người có công). Đến nay, 100% nhà ở trong diện rà soát đã được khởi công, trong đó 30 nhà đã hoàn thiện; các công trình còn lại đang đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra, quyết tâm bàn giao 100% nhà ở kiên cố cho người dân trước ngày 19/5 tới.
Tranh thủ nguồn lực để người dân “an cư, lạc nghiệp”
27 phường, xã trên địa bàn TP Hà Tĩnh có 957 hộ nghèo, 1.348 hộ cận nghèo. Thực hiện phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát, toàn thành phố đã huy động được hơn 2,6 tỷ đồng (cấp thành phố 1,754 tỷ đồng, các xã phường 860 triệu đồng); 4.000 ngày công; 214 tấn xi măng để hỗ trợ các gia đình xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng trong diện rà soát. Điều đáng nói, với tinh thần “ai có gì góp nấy”, từ thành phố đến cấp ủy, chính quyền địa phương chắt chiu từng nguồn đóng góp quý báu, kêu gọi các kênh hỗ trợ, đóng góp để tạo nguồn lực lớn hơn cho chương trình; đồng thời tạo sức lan tỏa trong doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân.
Những ngày trôi qua, tài khoản nhận hỗ trợ của Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” thành phố liên tục cộng số dương, là tình cảm, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể, doanh nghiệp đối với cộng đồng. Người đóng góp tiền, người ủng hộ cả chục tấn xi măng, hàng vạn viên gạch; có những người thầm lặng bỏ ngày công để trở thành thợ nề, phụ hồ miễn phí trong những ngôi nhà tình nghĩa...
Ông Trần Văn Viết - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải cho hay: “Là doanh nghiệp có thương hiệu tại địa phương, chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm của mình, không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội mà còn đóng góp cùng chính quyền địa phương thực hiện công tác an sinh xã hội. Góp chút sức mình, trong 3 tháng đầu năm 2025, công ty đã trích quỹ phúc lợi hỗ trợ các địa phương xây dựng NTM với số tiền trên 100 triệu đồng; hỗ trợ TP Hà Tĩnh 50 tấn xi măng và đóng góp vào quỹ chung của toàn tỉnh 200 tấn xi măng thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát”.
Thường trực Thành ủy, BCĐ Xóa nhà tạm, nhà dột nát thành phố thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện phong trào tại các địa phương; giao các cấp ủy, chính quyền, BCĐ xóa nhà tạm, nhà dột nát ở xã, phường rà soát kỹ từng thủ tục, từng khâu trong quá trình thực hiện; đặt đường găng tiến độ từng công trình để xác định khối lượng công việc theo kế hoạch, báo cáo từng ngày về BCĐ thành phố.
Từ nay đến mốc cuối 19/5 còn hơn 1,5 tháng, 100% nhà ở phải được bàn giao cho người dân. Đặc biệt, thành phố tiếp tục tuyên truyền, lan tỏa tinh thần nhân văn của phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát đến toàn thể các tầng lớp nhân dân; tranh thủ, vận dụng tối đa nguồn lực thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách để người dân ai ai cũng an cư lạc nghiệp, ai cũng có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, góp phần hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ”.