Xuất khẩu vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ-Canada bóp nghẹt

Sau khi loại Ankara khỏi chương trình chế tạo F-35, Mỹ-Canada đã hủy các giấy phép xuất khẩu các vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng thiết bị của họ.

Các lệnh cấm vận của Hoa Kỳ và Canada đang đe dọa việc bán trực thăng tấn công và máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ cho các nước bên thứ ba. Tuy chính quyền Ankara đã đưa ra một giải pháp pháp lý doanh nghiệp cho vấn đề này, nhưng những biện pháp này có thể không vượt qua được động lực chính trị đằng sau các hạn chế xuất khẩu.

Trong một thỏa thuận mang tính bước ngoặt trị giá 1,5 tỷ USD vào năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý bán 30 trực thăng tấn công TAI/AgustaWestland T-129 ATAK (được cho là trực thăng bản địa nhưng trên thực tế được sản xuất theo giấy phép của Ý-Anh) cho Pakistan.

Đây sẽ là một trong những thỏa thuận xuất khẩu vũ khí lớn nhất từ ​​trước đến nay của ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã mong muốn thực hiện thương vụ mua bán này đến mức họ thậm chí đã đề nghị cấp cho đồng minh châu Á của mình hạn mức tín dụng 1,5 tỷ USD vào năm 2017.

Người Thổ Nhĩ Kỳ đã không lường trước được tình hình và ăn mừng quá sớm khi hoàn thành hợp đồng mà không cân nhắc rằng, nó có thể bị chặn bởi một số trục trặc không lường trước được.

Mỹ chặn thỏa thuận T-129 ATAK của Thổ Nhĩ Kỳ

T-129 nặng 5 tấn là máy bay trực thăng tấn công đa năng hai động cơ được sản xuất theo giấy phép của AgustaWestland và dựa trên nền tảng A-129 Mangusta.

Nó được cung cấp bởi hai động cơ trục turbo LHTEC T800-4A. Nhà sản xuất động cơ LHTEC, là liên doanh giữa công ty Honeywell của Mỹ và công ty Rolls-Royce của Anh. Điều này có nghĩa là nhà sản xuất T-129 của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần giấy phép xuất khẩu của Hoa Kỳ để thực hiện thỏa thuận với Pakistan, nhưng giấy phép đó không bao giờ được cấp.

Mỹ và Canada đã ra tay ngăn chặn các dự án xuất khẩu vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ

Vào tháng 3, Pakistan đã đồng ý một lần nữa để gia hạn thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ đối với các máy bay trực thăng, để cứu vãn một thương vụ mua sắm đã bị chậm trễ ngay từ đầu. “Chúng tôi đã xin được gia hạn sáu tháng từ Pakistan,” quan chức mua sắm hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, Ismail Demir nói với các phóng viên vào ngày 12 tháng 3 năm nay.

Giấy phép xuất khẩu có thể sẽ không bao giờ được cấp do Washington đang xem xét thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ do đồng minh NATO mua lại hệ thống phòng không S-400 Triumph do Nga sản xuất.

Đây là tin xấu đối với ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ - đặc biệt là vào thời điểm TAI, cường quốc hàng không vũ trụ do nhà nước quản lý của Thổ Nhĩ Kỳ, sắp giành được hợp đồng bán T-129 cho quốc gia Đông Nam Á Philippines.

Giám đốc điều hành của TAI là ông Temel Kotil, gần đây đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã tán thành thỏa thuận xuất khẩu với Manila, nhưng theo giới phân tích, đây có thể là những hy vọng hão huyền.

Trong quá khứ, TAI đã giành được sự chấp thuận trên lý thuyết của Hoa Kỳ để bán động cơ cho Philippines cho một thỏa thuận không bao giờ thành hiện thực. Đây là một lỗ hổng pháp lý mà TAI hy vọng sẽ khai thác để thúc đẩy thỏa thuận mới của Philippines.

Canada chặn các thỏa thuận TB-2 Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ

Về mặt chính trị mà nói, TAI có thể đang hy vọng quá nhiều. Gần đây nhất là vào ngày 22 tháng 4, Mỹ đã thông báo cho Ankara về việc chính thức loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi thỏa thuận liên doanh mới đang chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35 Lightning II (trong “Chương trình chế tạo Máy bay Tấn công chung” - JSF).

Tất cả những điều này đều có hại cho ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang phải vật lộn để có thể tự cung tự cấp và xuất khẩu bền vững.

Nhưng gót chân Achilles của ngành công nghiệp hàng không Thổ Nhĩ Kỳ là các hệ thống máy bay không người lái, đặc biệt là TB-2 Bayraktar, hệ thống UAV được trang bị vũ khí, đã được chứng minh khả năng chiến đấu khá tốt đối với những người mua máy bay không người lái trên toàn cầu.

Cho đến nay, Baykar Makina - nhà sản xuất TB-2, đã bán các UAV này cho Ukraine, Qatar và Azerbaijan. Vào tháng 12, TAI đã giành được hợp đồng trị giá 80 triệu dollars để bán hệ thống máy bay không người lái Anka cho quốc gia Bắc Phi Tunisia.

Tiếp theo là Morocco, nước muốn mua 13 hệ thống TB-2 Bayraktar. Nhưng ngày 12/4, Canada đã thông báo hủy bỏ 29 giấy phép xuất khẩu quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Các giấy phép bị hủy bao gồm các máy ảnh cảm biến điện quang Wescam, được sản xuất bởi công ty L3Harris và được sử dụng trong máy bay không người lái TB-2 Bayraktar. Trên thực tế, chúng là trái tim của toàn bộ hệ thống máy bay không người lái này, nên việc bị cấm xuất khẩu đồng nghĩa với việc thương vụ này thực sự đã “chết”.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Canada Marc Garneau cho biết, “sau khi xem xét các bằng chứng cho thấy công nghệ Canada xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ đang được sử dụng ở Nagorno-Karabakh, tôi thông báo hủy bỏ các giấy phép đã bị đình chỉ từ mùa thu năm 2020”.

Thổ Nhĩ Kỳ mạnh miệng nhưng lo?

Trong phản ứng ban đầu, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã hạ thấp những nguy cơ từ lệnh cấm vận Canada vì mục đích tuyên truyền trong nước.

Quan chức trưởng bộ phận mua sắm quốc phòng Demir cho biết, những chiếc TB-2, được trang bị camera điện quang CATS sản xuất trong nước, đã được chuyển giao cho lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ.

CATS được phát triển bởi các chuyên gia điện tử quân sự của hãng Aselsan, công ty quốc phòng lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Đáp trả lệnh cấm của Canada, đại diện công ty Aselsan đã tweet rằng “CATS đã sẵn sàng phục vụ đất nước của chúng tôi”.

Thậm chí, Selçuk Bayraktar, giám đốc kỹ thuật của Baykar (và cũng là con rể của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan), đã châm biếm rằng: “Canada không sản xuất máy bay không người lái, vậy họ đã cấm vận công nghệ nào?”.

Bất kể những tuyên truyền mạnh mẽ, những người trong cuộc biết rằng CATS không phải là một hệ thống E/O đã được chứng minh khả năng chiến đấu và những người mua tiềm năng của TB-2 muốn hệ thống “nguyên trạng” - tức là sử dụng các cảm biến của Canada, mà điều này là không còn khả thi nữa.

Có thể mất nhiều năm để Aselsan hoàn thiện CATS để phù hợp tối ưu với TB-2 Bayraktar, nếu họ có thể làm được điều đó. Và khi đó, chẳng còn nước nào đủ kiên nhẫn để chờ đợi công ty Thổ Nhĩ Kỳ hoàn thiện công nghệ của mình và thị phần béo bở này sẽ lọt vào tay nước khác.

Khi Mỹ quyết “điều chỉnh hành vi” của Thổ Nhĩ Kỳ

Trong một giải pháp được đề xuất, Morocco có thể mua TB-2 từ Thổ Nhĩ Kỳ mà không cần các pod E/O, sau đó mua riêng hệ thống Wescam từ Canada và kết hợp hai hệ thống; hoặc Canada có thể giao một số hệ thống E/O đủ dùng cho Bayrak lắp đặt cho các UAV của Maroco kèm điều kiện là toàn bộ hệ thống sau đó phải chuyển đến Maroco, bởi xét cho cùng, Canada đã cấm vận Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải Maroco hay những người mua tương lai khác của TB-2.

Có một số logic pháp lý của công ty đối với ý tưởng này, nhưng tính hiện thực của nó thì còn nghi ngờ.

Đúng là các lệnh cấm vận đối với hệ thống vũ khí được áp dụng cho quốc gia sử dụng cuối cùng chứ không phải quốc gia sản xuất. Nói cách khác, nếu Mỹ thấy không có hại khi Pakistan (hoặc Philippines) vận hành máy bay trực thăng T-129 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, họ có thể cấp giấy phép xuất khẩu động cơ LHTEC T800-4A cho các hợp đồng Thổ Nhĩ Kỳ-Pakistan (hoặc Thổ Nhĩ Kỳ-Philippines).

Tương tự, nếu chính phủ Canada không có lý do chính trị nào để phản đối việc Maroco sử dụng TB-2 Bayraktar được trang bị cảm biến Wescam, thì chính quyền Ottawa có thể xem xét thỏa thuận.

Trong cả hai trường hợp, lệnh cấm vận sẽ dành cho chính quyền Ankara và các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ, không phải các quốc gia sử dụng cuối cùng. Nhưng chính trị không phải là trò chơi thuần túy kinh tế, không phải lúc nào cũng dựa trên tính hợp pháp thuần túy.

Mục đích của những lệnh trừng phạt này là nhằm “điều chỉnh hành vi” của chính quyền Ankara chứ không phải là “giết chết” ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu mục tiêu là trừng phạt ngành công nghiệp quốc phòng của một quốc gia NATO ngày càng đi vào quỹ đạo quốc phòng của Nga và sử dụng công nghệ máy bay không người lái của họ trong cuộc xung đột Armenia–Azerbaijan có lợi cho một bên tham chiến, mọi thứ có thể trở nên thuần túy chính trị và các cảm biến Canada và động cơ Mỹ sẽ không bao giờ được cấp cho bất cứ hợp đồng xuất khẩu vũ khí nào của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Thiên Nam/baodatviet

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói