Nắng nóng kéo dài, người già, trẻ em nhập viện ở Hà Tĩnh gia tăng

(Baohatinh.vn) - Lượng bệnh nhân đến các cơ sở y tế Hà Tĩnh những ngày gần đây gia tăng dần do nắng nóng kéo dài, chủ yếu là trẻ em, người lớn tuổi sức đề kháng kém.

Nắng nóng kéo dài, người già, trẻ em nhập viện ở Hà Tĩnh gia tăng

Hiện nay, Khoa Nhi - BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đang có 72 bệnh nhân điều trị, trong đó chủ yếu là các bệnh về viêm đường hô hấp.

Là đơn vị chuyên môn cao nhất của hệ thống y tế tỉnh nhà, mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Tĩnh có rất đông bệnh nhân đến thăm khám và điều trị. Đặc biệt trong 3 ngày gần đây, số lượng bệnh nhân nhập viện tại một số khoa đã có xu hướng tăng cao như: Khoa Nhi, Khoa Tim mạch - Lão học, Khoa Nội Tổng hợp.

Đưa con vào điều trị tại Khoa Nhi - BVĐK tỉnh từ thứ 5 tuần trước, chị Nguyễn Thị Thanh (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Cháu được các bác sỹ chẩn đoán bị viêm đường hô hấp, do mình hay đi làm xa để cháu ở nhà với bà, không quản được nên cháu hay đi chơi giữa nắng”.

Đến ngày 8/6, tại Khoa Nhi - BVĐK tỉnh có 72 bệnh nhân điều trị tại các phòng bệnh. Theo bác sỹ Đặng Quang Minh – Trưởng khoa Nhi, bệnh nhân chủ yếu bị bệnh viêm đường hô hấp, tiêu chảy, sốt. Trong thời gian tới, nếu nắng nóng tiếp tục diễn biến phức tạp thì số bệnh nhân nhập viện dự báo sẽ tiếp tục gia tăng.

Còn tại Khoa Nhi - BVĐK thành phố Hà Tĩnh, ghi nhận đến sáng ngày 8/6, có 67 bệnh nhân đang được điều trị. Các bệnh nhi ở đây chủ yếu mắc bệnh về viêm đường hô hấp, sốt, tiêu chảy…

Nắng nóng kéo dài, người già, trẻ em nhập viện ở Hà Tĩnh gia tăng

Thời tiết nắng nóng nên người dân đến thăm khám tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh khá đông

Lý giải về nguyên nhân, bác sỹ Trần Anh Pháp – Trưởng khoa Nhi - BVĐK thành phố Hà Tĩnh cho biết: Thời điểm này, học sinh đi học trở lại trong điều kiện thời tiết nắng nóng, rất dễ mắc các loại bệnh liên quan đến viêm đường hô hấp, sốt. Mặt khác, thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, nhiễm nấm và vi khuẩn, đây là nguyên nhân gây các bệnh đường tiêu hóa.

Ngoài ra, khi chống nóng bằng biện pháp bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp sẽ gây nhiễm lạnh, viêm phổi.

Bên cạnh đó, các loại bệnh như tay - chân - miệng, sốt phát ban, thủy đậu, sốt virus cũng đều có xu hướng tăng cao trong mùa nắng nóng.

Nắng nóng kéo dài, người già, trẻ em nhập viện ở Hà Tĩnh gia tăng

Để đảm bảo sức đề kháng, phòng chống dịch bệnh, nhất là các loại bệnh theo mùa, phụ huynh cần tuân thủ nghiêm túc lịch tiêm chủng cho trẻ.

“Trẻ em có hệ miễn dịch, sức đề kháng yếu nên thường cảm thấy mệt mỏi, ốm vặt kèm nhiều bệnh khác nhau trong mùa nóng khắc nghiệt. Để phòng bệnh vào những ngày thời tiết nắng nóng, phụ huynh cần cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, hạn chế ra đường trong thời điểm ngoài trời còn nắng gắt.

Nếu các bé có những dấu hiệu như: nôn trớ, sốt cao, chướng bụng, tiêu chảy... gia đình cần đưa ngay đến cơ sở y tế, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà” – bác sỹ Đặng Quang Minh, Trưởng khoa Nhi - BVĐK tỉnh khuyến cáo.

Nắng nóng kéo dài, người già, trẻ em nhập viện ở Hà Tĩnh gia tăng

Cùng với trẻ em, người già là đối tượng đang chịu ảnh hưởng lớn do thời tiết, nhất là các bệnh lý về tăng huyết áp, tim mạch, viêm đường hô hấp.

Hiện tại, không chỉ bệnh nhi mà người già nhập viện do nắng nóng cũng có xu hướng tăng. Tại Khoa Tim mạch – Lão học hiện đang có 77 bệnh nhân vào điều trị, Khoa Nội Tổng hợp có 85 bệnh nhân, trong đó chủ yếu là bệnh nhân mắc bệnh về hô hấp, sốc nhiệt, tăng huyết áp, tim mạch, suy nhược cơ thể...

Theo khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng, để phòng tránh các bệnh thường gặp về mùa nắng nóng, người dân, nhất là trẻ em và người già cần hạn chế đi ra ngoài trời. Nếu bắt buộc phải ra đường thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.

Cần uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol… Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng. Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

Đặc biệt, thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast