Yangon linh thiêng và huyền bí

.Sau khi thuyết pháp và tụng kinh cầu nguyện, vị sư trụ trì chùa… thấm một ít nước vào đầu ngón tay, chấm vào sợi tóc xá lợi dài gần gang tay đưa ra trước mặt mọi người. Sợi tóc ngọ nguậy chuyển động theo mọi phương hướng. Lần đâu tiên tôi được thấy rõ ràng xá lợi Phật như vậy. Và cũng là lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến xá lợi tóc của Phật chuyển động như một vật thể sống…

Chùa Shwedagon – niềm kiêu hãnh của người Myanma.

Nếu bay thẳng từ TP.Hồ Chí Minh sang Yangon chỉ mất hai giờ bay, nhưng do lượng khách không đủ chuyến nên chúng tôi phải kéo dài hành trình gần 2 giờ bay từ Tân Sơn Nhất ra Nội Bài, rồi transit đi Yangon. Thêm hai giờ bay nữa, chiếc Boing 737 mang biểu tượng Bông Sen Vàng của Hãng hàng không Vietnam Airline từ từ hạ độ cao đáp xuống sân bay quốc tế Yangon nhỏ nhắn, xinh tươi và mến khách. Chúng tôi có mặt tại nơi được mệnh danh là đất Phật trong một chiều hè đầy nắng.

Những dấu tích xá lợi Phật

Đỉnh tháp chùa Shwedagon nạm 1.600 viên hồng ngọc, tổng trọng lượng 1.800 cara, trong đó viên to nhất 76 cara.

Cảm giác ngất ngây đã chiếm lĩnh tôi khi những tia nắng đầu tiên rọi trên ngọn tháp kiêu hãnh, có một không hai trên thế giới, tháp Chùa Vàng - Shwedagon. Sức phản chiếu của khoảng 80 tấn vàng dát trên thân tháp ở độ cao 98,9m đủ sức làm loé mắt bạn dù ở khá xa. Quanh ngọn tháp chính toạ lạc trên diện tích hơn 21ha là 74 ngôi chùa nhỏ và 4 ngôi chùa lớn trấn giữ ở bốn phương với hàng nghìn tượng Phật lớn nhỏ nạm vô số viên kim cương và ngọc quý. Người Myanma có quyền kiêu hãnh về sự linh thiêng và độc đáo của Shwedagon. Nơi đây bốn mùa nườm nượp khách thập phương về hành lễ, ngồi thiền, tham quan đất Phật. Có thông tin nói UNESCO từng ngỏ ý muốn công nhận Shwedagon là Di sản thế giới, nhưng Myanmar không chấp nhận. Trong tâm niệm của người Myanma, đây là biểu tượng phật giáo, vậy không thể đem gì so sánh với Đức Phật - bậc đại Từ, đại Bi, đại Trí, đại Dũng. Bản thân Shwedagon là di sản, công nhận hay không cũng thế mà thôi.

Lời kể trầm bổng của cô hướng dẫn viên tên Chan đưa chúng tôi ngược dòng lịch sử: Vào thế kỷ 6 trước Công nguyên, hai anh em nhà buôn Tapussa và Bhallika sang Ấn Độ buôn bán và được giác ngộ về đạo Phật nên đã về Myanma xây chùa vàng Shwedagon. Họ được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tặng tám sợi tóc làm bảo vật và một nhánh rễ cây bồ đề nơi Đức Phật chứng ngộ. Đến nay, trải qua hơn 2.500 năm, tám sợi tóc của Đức Phật vẫn được lưu giữ trong lòng tháp vàng cùng với bộ áo cà sa, cây gậy của các vị Phật và 3 bộ tàng kinh. Còn nhánh rễ cây bồ đề khi xưa đã thành một “lão” bồ đề với đường kính gốc gần 2m, tán lá xanh rì rào tỏa bóng một góc chùa.

Lúc đầu tháp chỉ được xây bằng gạch, cao 26m, không được dát vàng. Đến thế kỷ 15, một vị nữ vương rất tin vào Tam bảo nên đã cung tiến 41kg vàng, bằng đúng trọng lượng cơ thể của bà để dát lên toà tháp. Noi gương mẹ, thái tử cũng cung tiến số vàng bằng trọng lượng thân thể để dát tiếp lên tháp. Từ đó đến nay, phong tục cung tiến vàng, ngọc dát lên tháp cứ nhân lên theo lòng kính yêu Đức Phật của các phật tử đất nước này. Sau nhiều lần trùng tu, nâng cấp, ngọn tháp Chùa Vàng Shwedagon hiện tại cao 98,9m, được dát 80 tấn vàng và nạm 89.994 viên ngọc quý. Quả cầu trên đỉnh tháp có đường kính 9 inch nạm 1.600 viên hồng ngọc, tổng trọng lượng 1.800 cara, trong đó viên to nhất 76 cara. Cứ 5 năm, tháp lại được bảo dưỡng một lần. Một điều kỳ diệu là qua 8 trận động đất và một đám cháy lớn vào năm 1931, Chùa Vàng Shwedagon vẫn vững như bàn thạch. Dường như lòng kính yêu Phật của hàng triệu phật tử đã giữ ngôi chùa trường tồn, vượt qua sự khốc liệt của thiên tai.

Bên gốc cây bồ đề hơn 2.500 năm tuổi ở chùa Shwedagon.

Ở thủ đô Yangon, ngoài Shwedagon còn vô số ngôi chùa cổ đang bảo tồn xá lợi xương và xá lợi tóc của Phật. Chùa nào mái cũng nhọn, mũi cũng cong như đầu rắn. Hoa văn tinh xảo, thếp vàng rực rỡ dưới ánh mặt trời. Chùa nào, chánh điện cũng rộng thênh thang với những dãy tượng Phật Thích Ca làm bằng vàng hay thếp vàng rực rỡ. Myanmar theo tín ngưỡng Phật giáo tiểu thừa, chỉ thờ Phật Thích Ca nhưng luôn có quá nhiều tượng giống nhau như vậy trong một ngôi chùa. Lập đi lập lại, nơi nào cũng vậy, chỗ nào cũng thế. Trong một cái chùa mà nhan nhản tượng là tượng, mà cũng chỉ là tượng đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Chùa nào phía trước cũng có hai con nghê thật to thếp vàng chói lọi. Chùa nào cũng có một cái tháp hình tròn thật lớn, thật hoành tráng, lợp ngói vàng hay dát vàng, chung quanh có rất nhiều tháp nhỏ cũng thếp vàng như vậy.

Đến thăm chùa Botataung – một ngôi chùa cổ cùng tuổi với Shwedagon được dát vàng từ đỉnh tháp đến mọi ngõ ngách trong chùa. Chúng tôi được vị sư trưởng ở đây giới thiệu và cho xem xá lợi tóc của Phật. Lần đâu tiên tôi được thấy rõ ràng xá lợi Phật như vậy. Sau khi thuyết pháp và tụng kinh cầu nguyện, vị sư trưởng thấm một ít nước vào đầu ngón tay, chấm vào sợi tóc xá lợi dài gần gang tay đưa ra trước mặt mọi người. Sợi tóc ngọ nguậy chuyển động theo mọi phương hướng. Mọi người tròn mắt ngạc nhiên. Mấy bà mấy cô vội vàng quì xuống chấp tay thành kính niệm Phật.

Lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến xá lợi tóc của Phật đang chuyển động như một vật thể sống. Lần đầu tiên tôi được nghe vị cao tăng nói xá lợi có thể sinh sôi ngày càng nhiều ra. Không ai nói gì, chỉ lặng yên đảnh lễ. Không có việc tin hay không tin. Vì cái đó là bất tư nghì!

Linh thiêng thánh địa Kyaikhtiyo

Chùa Núi Vàng – Kyaikhtiyo cho tới nay vẫn là điểm đến đầu tiên của hầu hết những ai ghé thăm Myanmar. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất và nổi tiếng nhất ở Myanmar. Chùa được xây dựng trên đỉnh một tảng đá khổng lồ ở độ cao 1.100 m so với mặt biển. Đây là một công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng thế giới, di sản văn hoá khổng lồ của nhân loại. Từ dưới chân núi, du khách chỉ nhìn thấy duy nhất chỏm đá nhô ra phía ngoài, nhưng khi lên đến đỉnh qua hơn 12km bộ hành, cảnh quan diễn ra trước mắt là một quần thể kiến trúc thống nhất. Bàn tay sáng tạo của con người kết hợp với tuyệt tác thiên nhiên đã tạo nên một kỳ tích có một không hai. Đến với Kyaikhtiyo là đến đất Phật, tâm hồn con người ta trở nên thanh thoát, hư không!

Hoàng cung Kanbawzathardi ở cố đô Bago.

Chùa Kyaikhtiyo được xây trên đỉnh dãy Pau-laung chót vót cao xanh quanh năm mây vờn gió núi, cách trung tâm huyện Kyaith-to chỉ vài dặm. Tên chùa Kyaikh-ti-yo theo chiết tự có nghĩa là “chùa được vị đạo sĩ mang trên đầu”. Theo cô Chan cho biết, truyền thuyết kể lại rằng, có một đạo sĩ người Môn (một dân tộc thiểu số vùng Kimmunsakhan của Myanmar – PV) sau khi xuống tóc tu hành đã toàn tâm đi tìm miền cực lạc. Đạo sĩ đến đảnh lễ Đức Phật và cầu xin Ngài cho xuất gia làm tỳ-khưu. Sau nhiều năm hành thiền và kính tin Phật Pháp, vị đạo sĩ trở đắc Thánh quả A-la-hán, gọi là Đại Đức Gavanpati.

Một lần, Đại Đức Gavanpati cung kính chuyển lời của nhà vua xứ Suvannabhumi khẩn cầu Đức Thế Tôn quang lâm đến đây thuyết pháp. Đức Phật đã nhận lời đến thuyết pháp và trước lúc trở về Ấn Độ, Ngài đã ban cho Đại Đức Gavanpati hai sợi xá lợi tóc cuộn tròn. Sau đó, vị Đại Đức này đã được vua Trời Đế Thích giúp sức xây chùa Kyaikhtiyo để lưu giữ xá lợi quý báu của Đức Phật. Theo sở nguyện của đạo sĩ muốn hai sợi tóc xá lợi của Đức Phật phải được cất giữ trong một hòn đá có hình giống đầu của mình nên vua Trời đã giúp dân xứ Suvannabhumi vận chuyển một hòn đá khổng lồ có hình đầu người từ biển về đặt ở một ngọn núi cao nhất trong vùng. Đại Đức tạo một lỗ nhỏ trên hòn đá, đặt xá lợi tóc của Đức Phật vào và xây một ngọn tháp (Golden Rock Pagoda, dịch là Kim Thạch Tháp) bên trên xá lợi. Khi mọi việc hoàn thành, vua Trời Đế Thích trở về trời còn vị Đại Đức thì ngồi bên tảng đá tụng kinh niệm Phật và bình thản ra đi.

Vãn cảnh chùa.

Ngày nay, qua nhiều lần trùng tu, Kim Thạch Tháp tọa lạc trên đỉnh hòn đá thiêng trở thành một công trình Phật giáo huyền bí. Theo ước tính, tảng đá hình đầu người này nặng khoảng 500 tấn, nằm cheo leo trên một vách đá. Toàn bộ khối đá khổng lồ cùng cái tháp thờ cao 7,3 m được dát vàng lóng lánh. Khu vực này chỉ cho phép các nhà sư và nam giới đến gần, còn nữ giới chỉ được phép chiêm bái từ xa. Có một điều kỳ diệu là hầu hết trọng lực của hòn đá dồn về phía vực thẳm, trong khi bề mặt tiếp xúc giữa nó với vách đá chỉ khoảng hơn mét vuông, thế nhưng cả hòn đá khổng lồ lẫn Kim Thạch Tháp vẫn vững như bàn thạch trước những trận động đất khủng khiếp ở xứ sở này.

Cô Chan cho biết, vào các ngày lễ Phật, khi vị cao tăng trụ trì chùa đảnh lễ niệm chú, người thường có thể quan sát hòn đá này chuyển động qua lại. Người ta tin rằng, sở dĩ tảng đá có thể giữ vững được vị trí cheo leo bên vách đá là nhờ có xá lợi tóc của Phật Tổ được Đại Đức Gavanpati đặt vào trong đó cách nay hơn 2.500 năm!

Vĩ thanh

Đường phố Yangon về đêm thưa thớt, chỉ lác đác những chiếc xe hơi cũ rích và người bộ hành vì chính quyền thủ đô cấm tuyệt đối xe máy lưu thông. Dân cư thủ đô sống trong những căn nhà chung cư bé xíu với những chiếc cầu thang dốc đứng chỉ đủ một người đi. Đời sống ở đây còn quá cực khổ. Cái nghèo hiển hiện khắp nơi. Chúng tôi ngồi ở một quán cóc bên lề đường phố Yangon, dưới tán mấy cây me tây rậm rạp. Từng đàn quạ kêu buồn bã trong bóng tối mông lung. Mấy đứa bé Myanmar gầy gò, đen nhẻm, nằm ngủ ngon lành trên những chiếc ghế bố cáu bẩn, gió đùa tóc rối.

Myanmar là quốc gia Phật giáo nguyên thủy có 95% dân số theo đạo Phật, với hàng ngàn chùa chiền dát vàng linh thiêng và cổ kính. Bị cấm vận trong rất nhiều năm nên Yangon còn nghèo so với thủ đô các nước trong khu vực. Nhưng lạ ở chỗ là người dân luôn bình thản, tự tại với cuộc sống hiện có, không “cắm đầu cắm cổ vào kiếm tiền bằng mọi giá” . Dáng đi nhẫn nhục chịu đựng, da đen nhẻm gầy gò, tóc bay theo gió, bóng đổ dài bên chân những tòa tháp vàng lộng lẫy, nụ cười đôn hậu trên môi, không tranh, không chen, không ồn ào lý sự.

Thả hồn theo những bước chân du khách hành hương, tôi thực sự ngỡ ngàng trước trùng điệp tượng vàng, tượng ngọc và vô số tháp chùa được dát vàng lấp lánh, nhấp nhô. Kyaikhtiyo, Shwedagon hay vô số ngọn chùa vàng khác nữa, dường như được hình thành bởi một thứ ánh sáng kết tinh từ lòng tin thuần khiết của hàng triệu trái tim phật tử đất này, đã làm bừng thức chân lý hướng thiện của bất cứ ai từng đặt chân đến. Ở đó, con người ta như được thức tỉnh, như được cởi bỏ những “tham – sân – si” để ước mơ về một thế giới coi thứ quý nhất không phải là ngọc ngà châu báu, mà là tình yêu, niềm tin, là sự bình an của tâm hồn. Tôi đã thấy sự huyền diệu ấy ánh lên trong mỗi ánh mắt, nụ cười hồn hậu của những người dân Miến. Hình như quan niệm “gieo nhân nào gặt quả nấy” như triết lý luân hồi, nhân quả – báo ứng đã ăn sâu vào tiềm thức của họ vậy.

Yangon–TP.HCM, tháng 6.2012

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói