Chuyển biến trong phát triển công nghiệp nông thôn

(Baohatinh.vn) - Cùng với sự phát triển khá đồng đều của công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), công nghiệp nông thôn đã góp phần đưa bức tranh công nghiệp Hà Tĩnh nổi lên những gam màu sáng…

Chuyển biến trong phát triển công nghiệp nông thôn ảnh 1

Nhà máy Cọc sọi Vinatex Hồng Lĩnh góp phần vào sự phát triển công nghiệp Hà Tĩnh.

Giám đốc Sở Công thương Trần Nhật Tân đánh giá: Thời gian qua, CN-TTCN Hà Tĩnh có những bước chuyển biến rõ nét. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011-2015 ước đạt 41.200,68 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân dự kiến đạt 19,81%, tăng 1,06 lần so với bình quân giai đoạn 2006-2010 (18,7%/năm). Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 (theo giá so sánh 2010) dự kiến đạt trên 12.000 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với thực hiện năm 2010. Lĩnh vực sản xuất CN-TTCN đạt mức tăng trưởng cao vào các năm 2014, 2015 và công nghiệp nông thôn có nhiều khởi sắc.

Ngoài tập trung triển khai thực hiện các dự án lớn trong các khu kinh tế, khu công nghiệp và một số cụm công nghiệp (CCN) đa ngành như Nam Hồng, Bắc Cẩm Xuyên…, thời gian qua, lĩnh vực công nghiệp nông thôn và công nghiệp phụ trợ theo hướng tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới được quan tâm và ưu tiên phát triển. Ngành Công thương đã tham mưu HĐND tỉnh và UBND tỉnh xây dựng, ban hành một số quy hoạch, cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, kêu gọi các dự án đầu tư vào địa bàn.

Chuyển biến trong phát triển công nghiệp nông thôn ảnh 2

Nghề chế biến nước mắm ở Kỳ Ninh (huyện Kỳ Anh) cho thu nhập khá

Các chính sách phát triển cụm công nghiệp và chính sách khuyến công đã góp phần thu hút các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất, kinh doanh tập trung, gắn sản xuất với xử lý môi trường, phát triển bền vững, tạo diện mạo mới cho công nghiệp nông thôn. Nhờ vậy, đến nay, toàn tỉnh có 17 CCN với tổng diện tích 479,2 ha, thu hút 204 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn 2.500 tỷ đồng, trong đó, có 103 dự án đã và đang triển khai đầu tư sản xuất, kinh doanh; tăng 6 CCN và 65 dự án so với đầu năm 2011; tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm khoảng 2.500 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động. Điển hình là CCN Trung Lương, Thái Yên, Nam Hồng, Phù Việt…

Để tiếp sức cho CN-TTCN phát triển, nguồn kinh phí khuyến công của trung ương và địa phương giai đoạn 2011-2015 đã hỗ trợ 9,7 tỷ đồng cho các dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất, đào tạo nghề, trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ máy móc thiết bị… Nguồn vốn này tuy không lớn nhưng đã góp phần nâng cao năng lực và năng suất của các dự án, nhất là dự án đầu tư ở khu vực nông thôn.

Chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp tuy mới nhưng cũng đã được tỉnh quan tâm thực hiện khá hiệu quả. Ngày 4/11/2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3210/QĐ-UBND về kế hoạch hành động áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn đến năm 2015. Cùng đó, ngân sách trung ương và tỉnh đã bố trí trên 2 tỷ đồng để thực hiện các mục tiêu của chương trình như tổ chức tập huấn, hội thảo; đánh giá nhanh sản xuất sạch hơn, học tập kinh nghiệm và mua sắm tài sản phục vụ công tác tư vấn… Hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức và khả năng áp dụng sản xuất sạch hơn vào quá trình sản xuất tại các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Hà Tĩnh đang trở thành một tỉnh có chỉ số hấp dẫn trong thu hút đầu tư cao, tốc độ phát triển kinh tế nằm tốp đầu cả nước. Trong thành tựu phát triển của tỉnh thời gian qua, CN-TTCN đóng vai trò quan trọng. Với nhịp độ phát triển đều đặn như hiện nay, CN-TTCN tiếp tục góp phần đáng kể vào sự phát triển KT-XH tỉnh nhà.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast