Hà Tĩnh - Sức bật từ FDI

(Baohatinh.vn) - Với việc ban hành và thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp thu hút đầu tư, Hà Tĩnh đã và đang trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Sự có mặt của dòng vốn FDI trên địa bàn góp phần quan trọng để tỉnh ta chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đặt nền móng cho sự phát triển mang tính đột phá và bền vững.

Theo số liệu từ Sở KH&ĐT, đến thời điểm này, Hà Tĩnh đã thu hút được 386 dự án, trong đó, có 322 dự án đầu tư trong nước với số vốn trên 77.536 tỷ đồng và 64 dự án nước ngoài với số vốn gần 20 tỷ USD. Trong đó, dự án xây dựng Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương có tổng vốn đầu tư giai đoạn I hơn 10 tỷ 548 triệu USD, trở thành dự án có nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Ngoài ra, một số nhà đầu tư nước ngoài đang lập dự án đầu tư với quy mô lớn như: Tập đoàn FORMOSA đầu tư dự án lọc hóa dầu với số vốn dự kiến 12 tỷ USD, Tập đoàn Mitshubishi (Nhật Bản) đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 với số vốn 2,5 tỷ USD, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 3 với số vốn trên 2,5 tỷ USD...

Hà Tĩnh - Sức bật từ FDI ảnh 1

Lễ thi công xây dựng Nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh (tháng 12/2012). Ảnh tư liệu

Hiện đã có 10 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Hà Tĩnh, bao gồm: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brunei, Úc, Mỹ, Thái Lan, Philipines, Lào, Trung Quốc. Đáng chú ý, Hà Tĩnh đã khơi thông 7 dòng vốn đầu tư, đặc biệt là dòng vốn FDI đầu tư vào KKT Vũng Áng. Theo con số thống kê của Bộ KH&ĐT, hiện nay, trong số 4 quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam thì trên địa bàn Hà Tĩnh đã có 3 nước (Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc) và 1 công ty của Singapore vừa đề nghị Bộ GTVT cho phép đầu tư 2 cầu cảng liền bờ tại khu vực cảng Vũng Áng.

“Trong nhiều địa phương mà Tập đoàn Samsung đến khảo sát đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện thì Hà Tĩnh được chúng tôi đánh giá cao nhất. Bởi ở đây, ngoài những điều kiện thuận lợi về đất đai, cảng biển, hệ thống giao thông thì chúng tôi còn nhận được những chính sách ưu đãi, sự quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương” - Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung C&T Joon Suk Choi cho biết.

Hà Tĩnh - Sức bật từ FDI ảnh 2

Lãnh đạo tỉnh tham quan Nhà máy Nhiệt điện Kawaxaki trong chuyến xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh tại Nhật Bản (tháng 9/2013)

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Tập đoàn FORMOSA (Đài Loan) Vương Văn Uyên khẳng định: “Gần 10 năm có mặt tại Hà Tĩnh, nhà đầu tư luôn nhận được sự hợp tác, hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời của Chính phủ Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh. Chúng tôi tin tưởng, những gì Hà Tĩnh đã hợp tác, giúp đỡ trong thời gian qua sẽ là động lực lớn để FORMOSA triển khai dự án đúng kế hoạch và thành công. Đây cũng chính là một trong những điều kiện quan trọng để Hà Tĩnh tiếp tục là mảnh đất an toàn - hiệu quả cho các nhà đầu tư tìm đến”.

Theo Phó ban Quản lý KKT tỉnh Đặng Văn Thành, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không chỉ làm nền tảng, động lực để Hà Tĩnh thực hiện và đẩy nhanh nhiệm vụ tái cấu trúc kinh tế theo hướng tăng trưởng nhanh, bền vững mà còn thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển và thực hiện đúng đường lối đổi mới, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tạo hình ảnh tích cực đối với các nhà đầu tư.

KKT Vũng Áng được hình thành và phát triển chưa đầy một thập kỷ, nhưng sự có mặt kịp thời của “dòng sữa” FDI đã sớm đưa Vũng Áng thành KKT động lực cho cả nước và khu vực. Đầu tư tại KKT Vũng Áng nổi lên 3 lĩnh vực và đang được xem là đứng đầu cả nước, đó là: điện năng, luyện thép và cảng biển nước sâu. Hiện, các nhà máy điện đầu tư tại đây có tổng công suất khoảng 7.000 MW.

Tổ máy số 1 - dự án Formosa đi vào hoạt động.

Tổ máy số 1 - dự án Formosa đi vào hoạt động.

Trong năm 2015, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (công suất 1.200 MW) do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư đã phát điện thương mại. Đến đầu năm 2016, các tổ hợp nhiệt điện do Tập đoàn FORMOSA đầu tư cũng bắt đầu phát điện; các Tập đoàn Mishubishi (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc) cũng sẽ khởi công Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 và 3.

Bên cạnh đó, Tập đoàn FORMOSA đang đẩy nhanh tiến độ thi công các lò cao để cuối năm 2015 vận hành thử nghiệm và từ năm 2016 trở đi sản xuất ổn định 7,5 triệu tấn thép/năm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, trong thời gian tới, khi hệ thống cảng biển nước sâu Sơn Dương - Vũng Áng được xây dựng hoàn chỉnh, một lượng hàng không nhỏ của nước bạn Lào, Đông Bắc Thái Lan và các tỉnh ở khu vực sẽ đổ vào đây và hứa hẹn sớm trở thành một trong những cảng lớn nhất nước.

Động lực mới từ FDI đã giúp Hà Tĩnh có những bước đi vững chắc, tạo bước đột phá trên lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ưu tiên đầu tư thỏa đáng vào sản xuất nông nghiệp...

Chủ đề Khu kinh tế Vũng Áng

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025