Hỗ trợ đóng tàu: Nguồn cho vay lớn, ngư dân vẫn khó tiếp cận

(Baohatinh.vn) - Chính sách hỗ trợ đóng tàu khai thác hải sản, hậu cần nghề cá theo Quyết định 1822/QĐ-UBND của UBND tỉnh đã mở ra “cánh cửa” để ngư dân có cơ hội vươn khơi. Tuy nhiên, sau hơn nửa năm triển khai, doanh số cho vay đóng tàu mới chỉ đạt 6.560 triệu đồng cho 15 khách hàng...

Quyết định 1822/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quy định tạm thời một số chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và khôi phục sản xuất do ảnh hưởng sự cố môi trường (QĐ 1822) được xem là một quyết sách kịp thời, trong tình hình khó khăn.

Sau bao ngày trông ngóng, con tàu 450 CV của gia đình ông Trần Xuân Hoa (thôn Hải Hà, Kỳ Hà, TX Kỳ Anh) cũng được đưa về bến. Chỉ còn chờ sơn phủ là chiếc tàu mới này hoàn thiện để chuẩn bị cho chuyến biển đầu tiên. Để có được con tàu lớn nhất từ trước tới nay, ông Hoa đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng 1 tỷ đồng. Ông Trần Xuân Hoa cho biết: “Trước đây, con thuyền 20 CV chỉ đánh bắt trên sông Trí, xa nhất thì cũng ra đến Cửa Khẩu. Được tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất (HTLS), tôi dốc hết vốn để quyết tâm chuyển đổi nghề, vươn khơi đánh bắt xa bờ. Mùng 6 tết tới, tôi sẽ có chuyến xuất hành đầu tiên trên con tàu này”. Con tàu mới này sẽ cùng ông vươn tới bất cứ vùng đánh bắt nào.

ho tro dong tau nguon cho vay lon ngu dan van kho tiep can

Với vốn vay 1 tỷ đồng, ông Trần Xuân Hoa (thôn Hải Hà, Kỳ Hà, TX Kỳ Anh) đã sở hữu con tàu 450 CV.

Ở TX Kỳ Anh, mong ước làm cuộc "cách mạng" như ông Hoa khá nhiều, thế nhưng, để tiếp cận được vốn vay ưu đãi thì không phải ai cũng may mắn có được. Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng No&PTNT Kỳ Anh Trần Văn Tài cho biết: “Từ tháng 5 đến nay, dư nợ tăng thêm 40 tỷ đồng, chi nhánh đã tiến hành rà soát, tạo điều kiện cho vay giúp bà con duy trì sản xuất và chuyển đổi nghề. Trong số đó, dư nợ cho vay theo QĐ 1822 là 2,1 tỷ đồng, gồm 2 khách hàng đóng tàu mới và 2 khách hàng mua lưới cụ. Trên thực tế, người dân một phần tâm thế chưa sẵn sàng đầu tư, phần khác, QĐ 1822 áp dụng theo quy định vốn vay theo ngân hàng thương mại nên ngư dân vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận”.

Năng lực tài chính yếu cũng là “nút thắt” khi triển khai QĐ 1822 ở các địa phương khác như Cẩm Xuyên, Lộc Hà. Theo quyết định, đối với tàu đóng mới sẽ được hỗ trợ từ 100-600 triệu đồng. Theo đó, khi vay vốn đóng mới tàu cá, mua ngư lưới cụ, trang thiết bị thì ngân sách nhà nước sẽ HTLS cho các khoản vay giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày ban hành đến 30/6/2021 với mức hỗ trợ 7%/năm cho 5 năm đầu tiên và 6%/năm cho 10 năm tiếp theo (mức HTLS tối đa không quá 1 tỷ đồng/tàu). Từ ngày hạ thủy con tàu mới, đây là chuyến biển thứ 4 của vợ chồng anh Phạm Văn Lệ (thôn Phú Mậu, Thạch Bằng, Lộc Hà) trên con tàu 400 CV. Khác với ngày trước, mỗi chuyến biển phải chạy vạy khắp nơi mới đủ bạn thuyền vì tàu bé, mất an toàn, thì nay, trên tàu của anh luôn ổn định 8-10 lao động. Bình quân mỗi chuyến doanh thu cũng đạt khoảng 80 triệu đồng.

Anh Lệ phấn khởi: “Sau khi được hướng dẫn làm thủ tục vay vốn, ngân hàng đã tạo điều kiện để giải ngân sớm nhất, nhờ vậy, chúng tôi không bị đứt quãng mùa làm ăn. Chỉ có điều tài sản đảm bảo không nhiều, gia đình tôi chỉ được vay 280 triệu đồng trong tổng giá trị con tàu là 1,2 tỷ đồng”. Để đủ tiền đóng mới con tàu này, anh chị phải bán con thuyền cũ cộng với số tiền nhận đền bù sau sự cố môi trường. Thế nhưng, cũng chỉ được hơn 200 triệu đồng. Ngoài vay ngân hàng, gia đình phải vay mượn khắp nơi để thực hiện ước mơ.

Quyết định này cũng chỉ áp dụng cho đối tượng là ngư dân đã có tàu dưới 90 CV hoặc thuyền không máy, nhưng ban đầu rất nhiều người nhầm lẫn đối tượng nên bị trả hồ sơ. Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, đến giữa tháng 12/2016, nguồn vốn cho vay đóng tàu theo QĐ 1822 chỉ mới phát sinh tại duy nhất một ngân hàng là No&PTNT cho 15 khách hàng với doanh số cho vay đạt 6.560 triệu đồng. Ngoài ra, Ngân hàng CSXH cho vay chuyển đổi nghề 87 khách hàng với doanh số cho vay 4.150 triệu đồng. Còn lại các ngân hàng khác chưa phát sinh số liệu.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast