“Dân số vàng” và chiến lược đào tạo nguồn nhân lực

Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng hiện đang trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, tức là số người trong độ tuổi lao động cao hơn số người phụ thuộc. Đây thực sự là một cơ hội “vàng” cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trang bị kiến thức, tay nghề như thế nào cho thế hệ “vàng” này đang là một thách thức được đặt ra toàn xã hội nói chung và ngành LĐTBXH nói riêng.

Chuyên gia Đức trực tiếp giảng dạy tại Trường Cao đẳng Nghề Việt - Đức

Cơ hội không thể bỏ lỡ

Theo nhận định của các chuyên gia, nước ta hiện đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng và đã kết thúc thời kỳ “cơ cấu dân số trẻ” vào năm 2005. Dự kiến, giai đoạn dân số này đạt cực đại vào năm 2020. Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Tĩnh khẳng định, lao động có chất lượng sẽ giúp tỉnh tận dụng được cơ hội vàng. Theo ông Sơn, hiện nay Hà Tĩnh có khoảng gần 742 nghìn người đang ở độ tuổi lao động, và số người bước vào độ tuổi lao động hàng năm lên đến 25 nghìn người. Sự dồi dào của lực lượng này thực sự đang tạo ra cơ hội vàng cho sự phát triển xã hội. Một khi lực lượng này được tận dụng tối đa trí tuệ, sức lao động vào sản xuất, điều tất yếu sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, tạo ra giá trị tích luỹ lớn cho tương lai của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội.

Qua nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng, việc nắm bắt cơ hội để tạo nên một bước đột phá cho sự phát triển thật không dễ dàng gì. Nếu không thật khẩn trương và triệt để, Hà Tĩnh có thể bỏ lỡ cơ hội mà không xây dựng được một nền tảng vững chắc về kinh tế và an sinh xã hội. Theo ước tính, hiện có gần 25% số lao động qua đào tạo, gần 75% là lao động giản đơn. Tỉnh đang thiếu trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành tài chính, ngân hàng, du lịch, bán hàng... Hơn nữa, tình trạng đô thị hoá ngày càng mạnh, nông dân mất đất, không tìm được việc làm phù hợp, đã phát sinh ra nhiều vấn đề xã hội nhức nhối. Trước tình hình đó, công tác đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực đang được Hà Tĩnh đặt lên hàng đầu.

Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực

Khi xây dựng đề án này, các nhà hoạch định chính sách Hà Tĩnh tập trung nhấn mạnh vào việc nâng cao nhận thức về đào tạo, sử dụng lao động kỹ thuật; tăng cường năng lực, mở rộng quy mô chất lượng đào tạo (50 cơ sở dạy nghề vào năm 2015); tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị (151,5 tỷ đồng vào năm 2015) và các giải pháp về cơ chế chính sách đào tạo nghề. Tổng kinh phí cho đề án ước tính trên 1.700 tỷ đồng. Đề án đặt ra mục tiêu 50% lao động trong tỉnh qua đào tạo nghề vào năm 2015; 250 nghìn lao động được bố trí, sử dụng hợp lý.

Thời gian qua, Hà Tĩnh tập trung đa dạng hóa các loại hình cơ sở dạy nghề, liên thông các trình độ đào tạo, đa dạng hóa hình thức dạy nghề nhằm thúc đẩy quy mô tuyển sinh vào học nghề tăng nhanh. Việc liên kết đào tạo, hợp đồng trách nhiệm giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp ngày càng được chú trọng. Nhiều cơ sở dạy nghề đã trực tiếp kỳ hợp đồng đào tạo lao động cho các nhà máy, cơ sở sản xuất, các dự án đang triển khai.

Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức, Trường Cao đẳng nghề, Trường Cao đẳng cơ điện luyện kim Thái Nguyên đã ký kết hợp đồng đào tạo và đảm bảo việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp với Công ty cổ phần gang thép Vạn Lợi, Công ty cổ phần gang thép Hà Tĩnh, Công ty cổ phần khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Công ty đóng tàu Vinashin… Khoảng 85-90% học sinh sau khi tốt nghiệp tìm hoặc tạo được việc làm, được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đánh giá đảm bảo trình độ và tay nghề.

Có thể khẳng định, Hà Tĩnh xác định “gửi gắm” vào lực lượng lao động “vàng” khi huy động toàn bộ nguồn lực cho công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực. Năm 2009, kinh phí triển khai dạy nghề lên đến gần 47 tỷ đồng, tăng 75% so với năm 2008. Hiện cả tỉnh có 33 cơ sở dạy nghề, số lượng cán bộ, giáo viên tại các cơ sở dạy nghề là 524 người, đó là chưa kể đến số giáo viên đang công tác tại các trường có tham gia dạy nghề.

Hầu hết các trường ngày càng có xu hướng tăng cường xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị dạy nghề hiện đại, đồng bộ phù hợp với ngành nghề mới mà doanh nghiệp và các dự án có nhu cầu. Ngoài ra, các đơn vị đã được sự quan tâm và tranh thủ sự đầu tư của các ngành, các tổ chức, vốn tự có hoặc kêu gọi đầu tư tài trợ kinh phí của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp để xây dựng cơ sở vật chất, sân bãi, trang thiết bị máy móc đáp ứng yêu cầu đào tạo như Trường Cao đẳng nghề Việt Đức, Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh, Trường Cao đẳng Công nghệ (Tổng LĐLĐ), Trung cấp nghề Phạm Dương; các trung tâm kỹ thuật – tổng hợp – hướng nghiệp dạy nghề các huyện, thị xã từng bước được đầu tư nâng cấp đáp ứng ngày càng tốt hơn các hoạt động dạy nghề. Tổng số lượt người được đào tạo nghề trong năm 2009 là 23.875 người, tăng 12% so với năm 2008, trong đó tăng chủ yếu ở hệ cao đẳng và trung cấp.

Các trường nghề ngày càng tăng cường các trang bị các thiết bị dạy học

Hà Tĩnh đã thông qua đề án đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn 2009 – 2015 và phê duyệt đề án dạy nghề và chuyển đổi nghề cho lao động vùng bị ảnh hưởng vùng dự án khu liên hợp thép và cảng biển Sơn Dương. Trong đó, các đề án đưa ra những nhận định, những thông tin về lao động, thị trường lao động, đào tạo nghề; nhu cầu nguồn nhân lực và các chính sách đầu tư trong giai đoạn tới.

Ngoài ra, đề án cũng đưa ra giải pháp gắn kết công tác dạy nghề với giải quyết việc làm cho người lao động ở các khu, cụm công nghiệp như đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các dự án vào các khu, cụm công nghiệp; khuyến khích các cơ sở dạy nghề thực hiện dạy nghề theo đơn đặt hàng; qui hoạch, xây dựng, ban hành quy chế ưu tiên hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các khu đô thị, khu công nghiệp dịch vụ mới hình thành; tổ chức xây dựng các khu kinh doanh dịch vụ tạo thêm việc làm cho người bị thu hồi đất; rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các khu kinh doanh dịch vụ (siêu thị, chợ, ki ốt kinh doanh, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, du lịch, trông giữ xe…) tại các khu đô thị, khu công nghiệp và xây dựng cơ chế ưu tiên cho các hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi...

Rõ ràng, với dự báo đến năm 2015 sẽ có khoảng gần 800 nghìn người trong độ tuổi lao động (bằng 50% dân số), Hà Tĩnh đang tập trung tối đa mọi nguồn lực để xây dựng “thế hệ vàng” đủ tài, đủ lực, đáp ứng mục tiêu xây dựng tỉnh sớm trở thành trung tâm công nghiệp Bắc Miền Trung và của cả nước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast