Hỗ trợ dạy nghề, GQVL cho lao động Lybia về nước trước thời hạn

(Baohatinh.vn) - Theo thống kê, vào thời điểm giữa tháng 7/2014, Việt Nam có 1.750 lao động lao động đang làm việc tại Libya. Hiện nay, Libya đang diễn ra phức tạp, chiến sự đang có dấu hiệu leo thang và lan rộng. Vì thế, Bộ LĐ-TBXH vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị tạm dừng việc đưa lao động sang làm việc tại Libya và đưa ngay lao động đang làm việc tại Tripoli, Bengazi về nước.

PV Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH để có thông tin đầy đủ hơn đối với những lao động Hà Tĩnh đang làm việc tại Libya.

Lao động Việt Nam tại Lybia được đưa về nước năm 2011. Ảnh: TTXVN
Lao động Việt Nam tại Lybia được đưa về nước năm 2011. Ảnh: TTXVN

- Hiện có bao nhiêu lao động Hà Tĩnh đang làm việc tại Lybia, và tình hình của số lao động này hiện nay như thế nào, thưa ông?

Theo số liệu tổng hợp của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TBXH) và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, đến đầu tháng 8/2014 Việt Nam còn lại 1.500 lao động đang làm việc tại Libya, trong đó Hà Tĩnh có 413 lao động.

Số lao động của Hà Tĩnh đang làm việc tại Libya do 6 doanh nghiệp cung ứng lao động được Bộ LĐ-TBXH cấp giấy phép đưa sang làm việc Libya. Cụ thể, DN Vinacomex cung ứng 253 lao động, DN SONA 101 cung ứng lao động, Công ty CP Quốc tế Việt – Thắng cung ứng 22 lao động...

Khi tình hình Libya có dấu hiệu không ổn định, Bộ LĐ-TB&XH và các doanh nghiệp đã kịp thời liên lạc với người lao động và Đại sứ quán Việt Nam tại Libya. Hiện nay, tại khu vực gần nơi có biến động, lao động được yêu cầu không ra ngoài, lương thực thực phẩm được cung cấp đầy đủ.

Tính đến ngày 4/8, số lao động Việt Nam trong khu vực xung đột Tripoli và Bengazi chỉ còn 91 người. Số người còn lại được khẩn trương di tản trong 48 giờ tiếp theo. Số lao động ở các khu vực chưa có xung đột sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định đưa về nước sớm.

Sở LĐ-TBXH Hà Tĩnh cũng đã chủ động phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động kịp thời nắm thông tin và thống nhất phương án phối hợp đưa lao động trở về địa phương an toàn.

- Thưa ông, chính quyền, ngành chức năng và công ty cung ứng lao động sẽ có phương án hỗ trợ, tạo điều kiện như thế nào cho lao động Hà Tĩnh sau khi trở về từ Lybia?

Ưu tiên hàng đầu đối với số lao động Hà Tĩnh sau khi trở về từ Lybia chính là việc hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các dự án tại KKT Vũng Áng, hỗ trợ vay vốn theo chương trình mục tiêu quốc gia. Sở cũng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ những lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Hiện nay, Sở LĐ-TBXH đang theo dõi sát sao, phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý lao động ngoài nước và các doanh nghiệp cung ứng lao động, nắm bắt thông tin về số lao động Hà Tĩnh về nước để thông báo cho gia đình có kế hoạch đón người lao động; tham mưu đề xuất với UBND tỉnh kế hoạch thăm hỏi, động viên kịp thời khi lao động về nước.

Trước mắt, sau khi về nước, nếu những lao động nào có nhu cầu tiếp tục đi xuất khẩu lao động trở lại, các ngành chức năng Hà Tĩnh và các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động được chuyển sang một thị trường khác.

Sở LĐ-TBXH cũng sẽ làm việc với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Quỹ hỗ trợ lao động ngoài nước và các doanh nghiệp cung ứng lao động để có chính sách hỗ trợ đối với những lao động về nước trước thời hạn.

- Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast