Hoạt động của Trung tâm DN-HN&GDTX: “Bình mới, rượu cũ”…

(Baohatinh.vn) - Thực hiện chủ trương của liên Bộ GD&ĐT và LĐ-TB&XH, Hà Tĩnh đã hoàn thành sáp nhập 2 loại hình: trung tâm dạy nghề - hướng nghiệp và trung tâm giáo dục thường xuyên thành trung tâm dạy nghề - hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên (DN-HN&GDTX), chuyển cấp huyện quản lý. Tuy nhiên, sau gần 3 năm, hoạt động của mô hình này vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn…

Năm học 2014-2015, học sinh (HS) và giáo viên Trung tâm DN-HN&GDTX Hương Khê chuyển về địa điểm mới ở xã Hương Bình. Được học ở trung tâm mới khang trang, rộng 30.000m2, điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cho việc học lý thuyết và thực hành, thế nhưng, số lượng HS theo học nghề hiện chỉ có 28 em, chưa bằng 1/2 so với hồ sơ đăng ký. Cô Mai Lệ Thu - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Thời gian tới, số lượng HS có thể giảm do vào mùa mưa, địa điểm mới cách xa trung tâm và điều kiện đi lại, sinh hoạt khó khăn”.

Hoạt động của Trung tâm DN-HN&GDTX: “Bình mới, rượu cũ”… ảnh 1

Công tác tuyển sinh là bài toán nan giải với các trung tâm

Công tác tuyển sinh đầu năm học cũng là vấn đề khiến các trung tâm đau đầu. Trước thực trạng khó khăn về nguồn đào tạo lẫn sự cạnh tranh về loại hình đào tạo với hệ thống các trường tư thục, dân lập, trung cấp, cao đẳng nghề, thậm chí cả các trường THPT thời gian qua, không ít trung tâm DN-HN&GDTX trên địa bàn toàn tỉnh loay hoay để tồn tại.

Trung tâm DN-HN&GDTX Thạch Hà là một trong những đơn vị có nhiều nỗ lực trong công tác tuyển sinh. Ngay từ lúc HS bước vào kỳ thi tốt nghiệp THCS, trung tâm đã tập hợp phân luồng HS, lập danh sách từ các trường, mời phụ huynh tham gia để tư vấn nghề phù hợp với năng lực của các em. Đồng thời, trung tâm giao chỉ tiêu tư vấn tuyển sinh cho từng giáo viên; đa dạng ngành nghề, hình thức đào tạo để HS dễ dàng lựa chọn.

Hiện nay, trung tâm đã tuyển sinh được 6 lớp bổ túc THPT (201 HS); 4 lớp trung cấp chuyên nghiệp vừa học, vừa làm, góp phần chuẩn hóa cán bộ chuyên trách cấp xã (184 học viên); các khóa đào tạo chứng chỉ tin học, tiếng Anh ngắn hạn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Nguyễn Đình Nghị thì đó mới chỉ là những kết quả bước đầu, ngắn hạn… Bởi hiện nay, tâm lý HS vẫn muốn học tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề chuyên nghiệp hơn là học tại trung tâm DN-HN&GDTX.

Để tháo gỡ những khó khăn cần có sự vào cuộc từ nhiều phía.

Để tháo gỡ những khó khăn cần có sự vào cuộc từ nhiều phía.

Hơn nữa, sau khi sáp nhập, trung tâm chịu sự quản lý của huyện về biên chế và quỹ lương, về mặt chuyên môn vẫn do các sở: NN&PTNT, LĐ&TB-XH, GĐ&ĐT quản lý. Quá nhiều đầu mối quản lý dẫn đến chồng chéo, ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động, đặc biệt, khi trung tâm muốn cấp phép đào tạo nghề.

Còn theo thầy Hoàng Văn Thức - Giám đốc Trung tâm DN-HN&GDTX Cẩm Xuyên: Vì mới phân cấp quản lý nên một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, viên chức chưa được thực hiện kịp thời. Trung tâm chịu sự quản lý nhiều cấp nên chế độ báo cáo cũng phức tạp hơn, hội họp chiếm khá nhiều thời gian.

Dẫu biết sáp nhập là việc nên làm trong hoàn cảnh hiện tại nhằm tinh giản bộ máy hành chính, tiết kiệm một phần ngân sách và giảm bớt tính cạnh tranh tuyển sinh, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm tại các địa phương. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là hoạt động của một số trung tâm DN-HN&GDTX trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Rõ ràng, nâng cao hiệu quả hoạt động đang là một bài toán không hề đơn giản, cần sự nỗ lực từ nhiều phía.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast