VietGAP có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam được Bộ NN&PTNT ban hành năm 2008 dựa trên 4 tiêu chí: kỹ thuật sản xuất đúng tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm (gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch), môi trường làm việc phù hợp với sức lao động của người nông dân; nguồn gốc sản phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Trên cơ sở đó, dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh cũng hướng đến mục tiêu thực hành VietGAP ở tất cả các vùng sản xuất của dự án. Trong đó, chuỗi giá trị sản phẩm chè được ưu tiên đầu tiên.
Trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP đang được người nông dân các vùng dự án tích cực hưởng ứng nhờ năng suất, chất lượng cao.
Anh Cao Đức Chỉnh – cán bộ phụ trách chuỗi giá trị sản phẩm chè cho biết: “Hiện nay, số thành viên tham gia tổ hợp tác sản xuất chè theo chuỗi giá trị ở Kỳ Thượng có 160 người, trong đó đã có 100 thành viên được chứng nhận sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP; tương đương với 35/43 ha chè ở Kỳ Thượng đã được sản xuất theo tiêu chí này. Hiện nay, các hộ còn lại cũng đã hoàn thành các tiêu chí và đang chuẩn bị được cấp chứng chỉ”.
Việc áp dụng các kiến thức trong sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp người dân thay đổi những hình thức canh tác lạc hậu, biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, biết ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm chè, môi trường và sức khỏe. Anh Trần Xuân Hậu (thôn Tiến Quang, xã Kỳ Thượng) cho biết: “Việc áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất chè cao hơn, lại tiết kiệm được chi phí về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Bằng cách tận dụng triệt để các phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ… để ủ thành phân vi sinh bón cho cây trồng, môi trường cũng đảm bảo hơn nên gia đình tôi yên tâm sản xuất. Với gần 1 ha chè, mỗi tháng, gia đình tôi cũng thu từ 5-6 triệu đồng”.
Mục tiêu của việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP của dự án chính là hình thành tư duy sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn theo định hướng thị trường cho bà con nông dân. Đồng thời, thúc đẩy các vùng sản xuất phát triển bền vững, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của nông dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao; đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Từ thành công đó, dự án đang hướng đến “phủ sóng” tiêu chuẩn VietGAP cho các vùng khác trong tỉnh. Dự án đã triển khai tập huấn kiến thức cho 1.443 hộ nông dân và cán bộ tại các xã vùng sản xuất chè Kỳ Trung (Kỳ Anh), Sơn Kim (Hương Sơn), Hương Trà (Hương Khê). Đến nay, 613 ha chè công nghiệp tại các xã Kỳ Trung, Sơn Kim, Hương Trà đã bước đầu áp dụng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đánh giá sơ bộ của dự án, trên 90% người được hỏi hiểu và có khả năng áp dụng các kiến thức được truyền đạt vào thực tế sản xuất.
Mô hình chuỗi sản phẩm chè với các tiêu chí đạt chuẩn đã và đang mở ra những hướng đi mới cho bà con nông dân. Điều đó phản ánh sự hưởng ứng tích cực của chính quyền và người dân đối với chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị nông sản. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho nông dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ phát triển ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.