GĐ Sở NN&PTNT Đặng Ngọc Sơn đề nghị các huyện thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh về công tác phòng chống rét và dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi vụ xuân 2016; triển khai khảo sát, điều tra quy hoạch đề án phát triển cây nguyên liệu phục vụ chăn nuôi bò gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng |
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, khối không khí lạnh mạnh gây rét và rét hại sẽ suy yếu từ ngày 27/1. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã gieo cấy được 20.113 ha, đạt 36% diện tích lúa vụ xuân; lạc 71 ha; ngô 17 ha và rau 135 ha.
Do ảnh hưởng của đợt rét nên tiến độ sản xuất các loại cây trồng bị ngưng trệ. Thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên gia súc của cả nước đang có nhiều diễn biến phức tạp. Tại Hà Tĩnh, 2 xã Thịnh Lộc, Hồng Lộc (Lộc Hà) có dịch lở mồm long móng gia súc chưa qua 21 ngày. Đợt rét kéo dài từ ngày 24/1 đã làm 4 con nghé bị chết (2 con ở Hương Khê và 2 con ở Kỳ Anh).
Tính đến 18/1, đoàn kiểm tra liên ngành Sở NN&PTNT đã tiến hành kiểm tra 776 loại hình cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp; 136 cơ sở SXKD thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. Theo xếp loại, về SXKD vật tư nông nghiệp, có 222 cơ sở xếp loại A; 373 cơ sở xếp loại B và 180 cơ sở xếp loại C; về thực phẩm có 17 cơ sở loại A, 86 loại B và 34 loại C.
Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Anh: Mặc dù trời vẫn duy trì nền nhiệt rét hại nhưng bà con đã ra đồng làm đất và 80% số giống đã ngâm ủ; vài ngày tới khi thời tiết ấm trở lại sẽ tiến hành gieo cấy đúng kế hoạch. |
Đoàn thanh tra đã xử lý 31 cơ sở vi phạm với 82 triệu đồng, tiêu hủy 163 kg giò chả có chứa hàn the, tịch thu 10 kg thuốc thú y ngoài danh mục và thu hồi gần 9 tấn lạc không có dấu hợp quy, không công bố hợp quy. Lấy 87 mẫu nông sản, thủy sản thực phẩm, 30 mẫu thức ăn chăn nuôi để kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Từ nay đến Tết Nguyên đán, Hà Tĩnh vẫn chịu thêm đợt không khí tăng cường, có khả năng xảy ra rét đậm. Ngành nông nghiệp đề nghị các huyện thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh về công tác phòng chống rét và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vụ xuân 2016. Đặc biệt, triển khai chống rét theo phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại. Theo đó, ngành đã đưa ra các giải pháp cụ thể cho từng loại đối tượng cây trồng, vật nuôi.
Nông dân che phủ ni lông bảo vệ diện tích mạ đã gieo |
Tại cuộc họp, ngành nông nghiệp đã bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc xây dựng đề án “Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chăn nuôi bò gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh”.
Các ý kiến đóng góp chủ yếu thống nhất việc phát triển vùng nguyên liệu phải đảm bảo quy hoạch tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa nhằm tăng cao năng suất; hỗ trợ chính sách; đảm bảo chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, phát huy hiệu quả và tăng cao thu nhập cho nông dân.