Tủ sách của ngoại

(Baohatinh.vn) - Ngoại tôi năm nay vừa tròn 90. Đôi mắt mờ đục, đôi tai không còn nghe rõ, bước chân cũng không còn vững nhưng trí óc hãy còn tỉnh táo...

Tản văn

Ngoại mê sách vô cùng. Tuổi này rồi, có đeo kính vào, ngoại cũng chẳng thể đọc được như trước, chiếc đài rađio nhỏ xíu trở thành người bạn tâm tình với ngoại. Mở cỡ âm lượng lớn nhất, ghé sát đài vào tai, ngoại vừa nghe chương trình ca nhạc, vừa gật gù: bài “Hà Tĩnh quê mình” không ai hát hay hơn Thu Hiền.

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Đang hì hụi chơi với mấy đứa hàng xóm ngoài sân, tôi nghe tiếng ngoại gọi:

- Hà đâu con, vô ngoại bảo!

- Dạ, con đây ạ - Tôi chạy ù lại bên ngoại, nói to.

- Nghe xong bài ni thì tìm cuốn viết về 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc đọc cho ngoại nghe.

- Dạ!

Cũng phải nói luôn rằng, ngoại không tự đọc được sách nhưng đã có đôi mắt là tôi. Giá sách có những cuốn gì, tác giả nào, sắp xếp sách ra sao, ngoại đều nhớ hết và chỉ cần đọc tên thôi, tôi đã biết ngay cần tìm ở đâu. Chỉ có điều, tôi thấy thói quen lạ ở ngoại, ấy là ngoại cứ thích tôi đọc đi đọc lại vài chục cuốn cố định, trong khi giá sách của ngoại tới gần 300 cuốn. Mà thực ra thì cuốn nào ngoại cũng đã đọc và nhớ vanh vách.

- Hà đâu rồi, chi mà tìm lâu rứa con? “Đài hoa tím” ngoại để ở ngăn trên cùng, gần cuốn “Thép đã tôi thế đấy”.

- Vâng, con thấy đây rồi ạ.

- Ừm, đọc đi, đọc từ cái đoạn, ngay đêm trước ngày mấy cô được chia nhau về nghỉ bù trước khi vào Ngã ba Đồng Lộc, đêm cô Tần với cô Xuân Vĩnh Lộc nói chuyện với nhau về anh Vĩnh, rồi Xuân Vĩnh Lộc viết thư cho Vĩnh ấy...

“… Tần nằm im lặng gối đầu lên cánh tay trần, yên lặng nhìn Xuân viết thư. Ngọn đèn dầu có chụp che sáng phòng không chỉ còn lộ ra khoảng ánh sáng vừa đủ soi trên trang giấy trắng Xuân đặt lên bàn… Không một người mẹ nào muốn con đi vào nơi bom đạn hiểm nguy, nhưng cũng không có người mẹ nào lại muốn con mình trở thành kẻ đào ngũ, hèn nhát, trốn tránh nghĩa vụ thiêng liêng khi Tổ quốc trông chờ…”. Đang say sưa đọc, bỗng tôi thấy từ đôi mắt mờ đục của ngoại, hai giọt nước mắt ứa ra. Tôi lặng đi, nhìn ngoại… nghe tiếng ngoại thầm thì:

- Ngày xưa, khi còn là TNXP, ngoại cũng từng làm đường, san đường, đào hầm... cũng từng như mấy cô ni nì. Mà ngày xưa, có được gốc cây chuối với vài ba hạt muối trắng mà ăn là mừng lắm. Vừa ăn, vừa phải để dành. Có nắm ngô rang thì cũng chia ra, sáng ăn nhiều hơn để còn có sức đi làm, trưa về ăn ít hơn, đói thì cứ nước mà uống, hát cho to mà quên đói. Khổ ra rứa mà vẫn vui vẻ, ca hát, yêu đời, hăng say làm việc. Đó, ngày xưa khổ chớ không như tụi bay bây chừ, được ăn sung mặc sướng. Không cố mà học cho giỏi, mai mốt đi làm, xã hội không chấp nhận những đứa lười mô.

Rồi giọng ngoại lại run run: “Tuổi tụi bây sướng ri, tuổi 17, 20 các cô thì có mô nựa. Cống hiến hết mình cho đất nước, dân tộc, đến chết cũng không màng. Chết mà tư thế vẫn hiên ngang, vẫn sừng sững. Tin 10 cô Đồng Lộc hy sinh khiến ai cũng chết điếng. Ngoại khi nớ đang cùng ông làm sổ cho hợp tác xã mà bủn rủn chân tay. Thương, xót, đau như chính người nhà mình mất. Chiến tranh ác liệt, có trừa ai mô. Tụi bây sống răng cho xứng đáng với những người như các cô mới là sống”.

Ngồi im nghe ngoại kể, ngoại căn dặn, sống mũi tôi bỗng cay cay. Chợt nghĩ về mình, sao xấu hổ quá. Tôi lớn từng này nhưng đã làm được gì đâu cơ chứ. Vẫn trốn việc nhà đi chơi, vẫn đôi lần cãi bướng bố mẹ, học là cho mình mà cứ để ngoại và mẹ nhắc mãi mới chịu ngồi vào bàn. Tôi thấy mình tệ quá. Cũng nhờ ngoại, nhờ tủ sách của ngoại, tôi mới có ham mê đọc sách, được đi thi kể chuyện ở trường và biết trân trọng từng trang viết của mỗi tác giả tôi may mắn được đọc. Từ trong trang sách, tôi học được bao nhiêu điều mới mẻ, bổ ích. Không có tủ sách ấy, không có thói quen lạ của ngoại, chắc tôi chỉ biết chơi thả diều, nhảy dây với chúng bạn. Và hẳn là còn lười học hơn cả bây giờ.

Trời dần về chiều, để ngoại được yên tĩnh với không gian và suy nghĩ riêng, tôi lùi vào bếp chuẩn bị bữa cơm tối. Tôi phải lớn lên thôi, không thể làm công to, việc nặng thì cũng phải đỡ đần bố mẹ những việc nhà đơn giản như phơi thóc, phơi rạ, sửa soạn cơm nước… Rồi còn chăm chỉ học hành nữa. Tôi thầm cảm ơn ngoại, cảm ơn tủ sách của ngoại đã giúp tôi trưởng thành qua lứa tuổi “ô mai” khó bảo.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast