>> Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm: Bất an từ khâu sản xuất...
Vừa mua, vừa lo
Mỗi ngày, chị L.T.T (bán rau ở chợ Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) đều đặn dậy từ 3h sáng và bắt đầu công việc của người buôn rau bằng cách đến chợ tỉnh lấy hàng. Chị cho biết: “Rau lấy từ chợ tỉnh có rất nhiều nguồn, những loại trái mùa hầu hết là của Trung Quốc, còn các loại chính vụ thì có khi từ Đà Lạt, Quỳnh Lưu và một số vùng trồng rau trong tỉnh như Đức Thọ, Thạch Bắc, Thạch Mỹ, Thạch Liên… Thông tin về xuất xứ do chính chủ hàng cung cấp chứ thực ra rau có đảm bảo an toàn hay không, những người buôn như chúng tôi không được biết”. Chợ tỉnh, chợ Bắc Hà và hàng trăm ngôi chợ lớn nhỏ khác trong tỉnh đều mua bán theo cách thức ấy.
Nhiều người tin tưởng chọn mua rau của những người nông dân, nhưng thực tế có an toàn không lại là câu chuyện khác
Trước thực trạng các loại thực phẩm chưa được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ như hiện nay, các bà nội trợ thường chỉ biết đặt niềm tin vào người bán hàng. Thường thì họ ít khi mua hàng Trung Quốc mà chọn mua các loại rau của Quỳnh Lưu, Đà Lạt hay các vùng trong tỉnh. Tuy nhiên, liệu các loại rau tươi xanh từ khắp nhiều nơi đổ về, hàng ngày tỏa đi khắp nơi có đảm bảo an toàn thực phẩm không? Cơ quan chức năng đã test thử các sản phẩm này tại các chợ để cảnh báo cho bà con? - Những câu hỏi này chưa được trả lời thỏa đáng.
Tương tự như mặt hàng rau, các sản phẩm như thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm được bày bán trên các sạp hàng ở chợ tỉnh mặc dù đều được đóng dấu chứng nhận ATVSTP nhưng chưa đủ thuyết phục người tiêu dùng. Đó là chưa kể, tại các hàng bán gia cầm sống, các điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, các hàng hải sản còn vắng bóng các lực lượng kiểm soát.
Ngoài ra, hiện nay, các loại mặt hàng khô như sữa tươi, sữa bột, thức ăn sẵn… được quảng cáo là hàng xách tay vẫn được bày bán ở nhiều cửa hàng và được người tiêu dùng mua với số lượng lớn, chủ yếu dùng cho trẻ em, phụ nữ mang thai...
Chị Nguyễn Thị Quỳnh (phường Bắc Hà) cho biết: “Tôi đã tìm đến mặt hàng sữa ngoại ở một vài cửa hàng tại TP Hà Tĩnh và được chủ cửa hàng khẳng định đó là hàng xách tay. Tuy nhiên, khi đối chiếu thì giá bán tại gốc (đất nước sản xuất) lại cao hơn so với giá được bán lẻ tại Việt Nam. Điều đó khiến tôi lo ngại về sự xuất hiện của hàng giả, hàng nhái trên thị trường”.
Ngành chức năng khó “phủ sóng” thị trường
Giải quyết được mối lo về sự xâm nhập của thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc trên thị trường vẫn đang là bài toán khó bởi sự thiếu hụt nguồn lực trong các cơ quan chức năng. Hiện nay, toàn tỉnh có 7 đội chuyên trách quản lý thị trường với 63 người, trong khi đó, chỉ có 36 người được cấp thẻ kiểm soát viên. Điều đó dẫn tới tình trạng quản lý thị trường chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Thêm vào đó, những bất cập trong quy định kiểm tra, xử lý cũng gây không ít khó khăn cho lực lượng này.
Thức ăn đường phố là một trong những mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao
Ông Trần Hữu Hạnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, các hoạt động kiểm tra thị trường đang thực hiện theo Thông tư 09 mà theo văn bản này thì muốn kiểm tra một cơ sở kinh doanh nào đó, lực lượng chức năng phải báo trước 3 ngày. Điều đó không thể cho kết quả chính xác và khách quan được. Nếu muốn kiểm tra đột xuất thì chúng tôi phải cử cán bộ theo dõi tình hình, trong khi lực lượng lại mỏng, hầu hết đã bị quen mặt. Bên cạnh đó, ấn chỉ lại rườm rà, các nghị định của Chính phủ còn chồng chéo, thiếu tính răn đe”.
Hiện nay, các cơ quan chức năng cũng đã phối hợp nhuần nhuyễn hơn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Tuy vậy, vấn đề trách nhiệm chưa được phân định rõ ràng nên việc giải quyết tận gốc vẫn chưa triệt để.
Cùng chung khó khăn ấy, ông Phan Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh chia sẻ: “Do lực lượng cán bộ thanh tra chuyên ngành quá mỏng, hầu hết trong số đó còn kiêm nhiệm nên công tác kiểm tra, xử lý còn nhiều hạn chế. Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến thực tế các sản phẩm gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch thú y vẫn xuất hiện trên thị trường. Các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm không đủ điều kiện còn chiếm tỷ lệ cao (hơn 15%). Tình trạng kinh doanh hàng hóa thực phẩm giả, quá hạn, kém chất lượng vẫn tồn tại. Thêm vào đó, kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về ATVSTP bị cắt giảm, trung bình mỗi năm, 1 người dân Hà Tĩnh chỉ được cấp khoảng 500 đồng trong khi nguồn huy động xã hội hóa trên lĩnh vực này hết sức hạn hẹp, ngân sách địa phương chưa có danh mục này”.
Ngoài ra, thực tế hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại Hà Tĩnh còn nhỏ lẻ, chủ yếu là cá thể, hộ gia đình, điều kiện vệ sinh, nhà xưởng hạn chế nên đã gây khó khăn trong công tác quản lý, đồng thời là nguy cơ phát sinh các vi phạm và tái vi phạm. Tình trạng mua bán hàng rong, thức ăn vỉa hè phát sinh theo mùa dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao. Trong khi đó, việc trang bị các bộ test nhanh về an toàn thực phẩm phục vụ thanh kiểm tra, kiểm soát an toàn còn rất ít ỏi.
Những năm gần đây, các vụ việc vi phạm các quy định về thị trường và ATVSTP tăng đáng kể; nhiều cơ sở SXKD đã bị xử phạt hàng trăm triệu đồng và một số cơ sở vi phạm bị đình chỉ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” của thực tế thị trường còn đầy rẫy nguy cơ thiếu an toàn thực phẩm như hiện nay.
(Còn nữa)