1.000 tỷ USD Mỹ đổ vào, Iran giờ vẫn chi phối Iraq

Bất chấp những nỗ lực của người Mỹ, Iran giờ chi phối Iraq từ kinh tế, chính trị đến quân sự nhằm biến nước láng giềng thành “bàn đạp” cho kế hoạch mở rộng ảnh hưởng.

Khi người Mỹ đưa quân đến Iraq cách đây 14 năm để lật đổ Tổng thống Saddam Hussein, họ trông mong Iraq sẽ trở thành một nền dân chủ theo chuẩn phương Tây. Mỹ đã đổ vào Iraq 1.000 tỷ USD, khoảng 4.500 người Mỹ đã thiệt mạng vì giấc mơ này. Sau 14 năm, không phải Mỹ mà là Iran, đối thủ của Washington tại Trung Đông, mới là người chiến thắng tại Iraq.

New York Times miêu tả khắp các khu chợ của Iraq là hàng hóa Iran, tivi phát những chương trình ca ngợi Iran. Nếu người Iraq xây nhà, họ hẳn phải dùng gạch và xi măng từ Iran. Ngay cả khi thanh niên Iraq phê thuốc, chất kích thích họ dùng có lẽ đã được buôn lậu qua biên giới với Iran. Quan trọng hơn, lực lượng dân phòng do Iran hậu thuẫn đang ngày đêm xây dựng một tuyến đường xuyên Iraq để đưa vũ khí và nhân lực Iran đến Syria và Lebanon. Người Iran thậm chí có thể sắp xếp nhân sự trong quốc hội Iraq.

New York Times cho biết ngay từ đầu, mục đích của người Iran tại Iraq đã khác Mỹ. Họ phải khống chế Iraq, đất nước từng là đối thủ trong cuộc chiến tranh tàn khốc hồi thập niên 1980. Nếu thành công, Iraq sẽ không bao giờ trở thành mối đe dọa với Iran nữa. Không những vậy, Iraq sẽ trở thành hàng lang nối Iran với Địa Trung Hải, trở thành một phần trong kế hoạch mở rộng ảnh hưởng của Iran đến Lebanon, Syria, Yemen, Afghanistan và cả khu vực.

Ảnh hưởng của Iran lên Iraq bao trùm từ kinh tế, chính trị đến quân sự. Ở vùng biên giới, người ta thấy những chiếc xe chở trai tráng Iraq dễ dàng đi vào Iran mà không bị kiểm tra. Tại Iran, các thanh niên này sẽ được huấn luyện trước khi bay đến Syria chiến dấu dưới trướng các tướng Iran để hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad. Ở chiều ngược lại, xe chở vật liệu, thuốc men, thực phẩm, hàng gia dụng từ phía Iran vào Iraq.

Người Iran gần như thống trị mọi mặt trong nền kinh tế Iraq, thậm chí gần đây một công ty Iran đã giành được hợp đồng nhặt rác ở một tỉnh Iraq. Về mặt chính trị, người Iran có đủ đồng minh trong nghị viện Iraq để đảm bảo các chính sách họ ưu ái được thông qua. Gần đây nhất, nghị viện đã thông qua luật quy định lực lượng Hồi giáo Shiite là một bộ phận cố định của lực lượng vũ trang Iraq. Điều này nghĩa là chính phủ Iraq phải cung cấp ngân sách cho lực lượng trên, vốn thân Iran.

14 năm người Mỹ đưa quân đến, rồi rút quân, rồi lại đưa quân đến Iraq để chiến đấu chống IS đã khiến vai trò của Washington tại đây luôn bị nghi vấn. Và trách nhiệm chia cho cả 3 đời chính quyền ở Washington. Trong khi đó, Iran đã khéo léo lợi dụng sự tương đồng về tôn giáo, cả 2 nước đều có phần đông dân số theo đạo Hồi dòng Shiite, và các đồng minh tại địa phương để thiết lập sự ảnh hưởng tại Iraq. Các đài truyền hình do Iran tài trợ đã khắc họa Tehran là những người bảo vệ Iraq trong khi người Mỹ là những kẻ xâm lược.

Ở trạm gác tại Diyala, mỗi ngày có khoảng 200 xe tải từ Iran mang từ trái cây đến yogurt, từ xi măng đến gạch vào Iraq. Thậm chí ở văn phòng của lính biên phòng Iraq tại biên giới, soda và kẹo họ dùng để tiếp khách cũng là từ Iran. "Iraq không có gì để cho Iran cả", Vahid Gachi, quan chức phụ trách vùng biên giới của Iran, nói với New York Times. Lợi thế này của người Iran còn đến từ khả năng điều hành kinh tế yếu kém và sự tham nhũng trong chính quyền Iraq. Người Iran cũng hiểu rằng họ cần duy trì sự tham nhũng ở Iraq.

Một trong những tham vọng lớn của Iran tại Iraq là xây dựng con đường nối đến Syria. Từ con đường thông qua Iraq này, người Iran có thể đưa các chiến binh Shiite đến chiến đấu, vận chuyển hàng hóa, vũ khí, gửi các phái đoàn Iran sang. Từ khi IS trỗi dậy từ năm 2014 đến nay, Tehran luôn đặt việc bảo vệ tỉnh Diyala ở biên giới Iraq - Iran lên hàng đầu.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tỏ dấu hiệu họ sẽ không bỏ đi ảnh hưởng tại Iraq. Thế nhưng, vấn đề là liệu có quá muộn cho ông Trump hay không. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi , người từng được cả Iran và Mỹ hậu thuẫn, đang tỏ dấu hiệu nghiêng về Washington. Dù vậy, Iran chắc chắn sẽ không ngồi im nhìn người Mỹ trở lại giành lấy ảnh hưởng ở Iraq.

Theo Zing.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói