250 giáo viên Hà Tĩnh được công nhận giáo viên cốt cán cấp tỉnh

(Baohatinh.vn) - Sở GD&ĐT Hà Tĩnh vừa có quyết định công nhận 250 giáo viên từ bậc mầm non đến phổ thông là giáo viên cốt cán cấp tỉnh giai đoạn 2019 - 2021. Đây được xem là động thái tích cực nhằm đáp ứng quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai từ năm học tới.

250 giáo viên Hà Tĩnh được công nhận giáo viên cốt cán cấp tỉnh

Cô Lê Thị Thanh Nga - Giáo viên Địa lý Trường THPT Hương Khê là một trong 80 giáo viên cốt cán bậc THPT của Hà Tĩnh

Trong số 250 giáo viên cốt cán lần đầu tiên được công nhận có 47 giáo viên mầm non, 56 giáo viên tiểu học, 67 giáo viên trung học cơ sở và 80 giáo viên THPT. Đội ngũ này được ví như “thợ cả” trong mỗi nhà trường, họ là những người có khả năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cao, có sự ảnh hưởng tới sự phát triển nghề nghiệp của đồng nghiệp.

Tuy nhiên, để được chính thức công nhận và ghi nhận bằng một quyết định chính thức thì đây là lần đầu tiên và Hà Tĩnh cũng là một trong những tỉnh đi đầu trong về vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà cho hay: “Không phải bây giờ mà thực tế, việc đổi mới phương pháp giảng dạy đã được các trường học ở Hà Tĩnh thực hiện từ nhiều năm trước.

Ngành giáo dục Thạch Hà cũng đã kịp thời bắt nhịp với xu thế đổi mới nhờ đội ngũ cán bộ giáo viên cốt cán tâm huyết, có năng lực và đầu tàu gương mẫu. Thế nên, quyết định này của tỉnh thực sự là một bước đi tạo động lực, động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ, giáo viên không ngừng cố gắng để thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm của mình”.

250 giáo viên Hà Tĩnh được công nhận giáo viên cốt cán cấp tỉnh

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Đức Thọ) vận dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường

Tại hầu hết các trường học trên địa bàn Hà Tĩnh, nhiều năm qua, việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực người học được thực hiện qua các hoạt động tích hợp liên môn, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường dã ngoại và các hoạt động liên trường, liên cụm.

Những nhân tố cốt cán bước trước, đi đầu đã khơi dậy phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy và thực hiện các hoạt động trong mỗi nhà trường. Theo đó, việc tinh giản, tích hợp các loại hồ sơ, giáo án; hoạt động đổi mới hình thức sinh hoạt đoàn, đội… đã được áp dụng và phát huy hiệu quả.

Chương trình hiện hành với cách dạy truyền thống được tiếp nối bằng những đổi mới, sáng tạo, phát huy tích cực khả năng sáng tạo, tư duy, kỹ năng sống của học sinh... càng khẳng định vai trò mắt xích của đội ngũ cán bộ, giáo viên cốt cán.

250 giáo viên Hà Tĩnh được công nhận giáo viên cốt cán cấp tỉnh

Ở bậc mầm non, đổi mới phương pháp được thể hiện qua chuyên đề xây dựng trường học mầm non lấy trẻ làm trung tâm

Cô Nguyễn Thị Thanh Nhuần - giáo viên Trường Tiểu học Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) cho biết: "Được công nhận là giáo viên cốt cán của tỉnh là một vinh dự lớn đối với tôi. Đây cũng là sự ghi nhận của nhà trường, của cấp trên đối với những nỗ lực của mình trong suốt chặng đường vừa qua. Đồng thời, tôi cũng càng hiểu rõ hơn vai trò, trách nhiệm của bản thân, càng cố gắng hơn nữa để hoàn thành trọng trách của mình”.

Những yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo cũng như đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông đòi hỏi sự thay đổi của mỗi một giáo viên trong cách tư duy, tiếp cận bài giảng.

250 giáo viên Hà Tĩnh được công nhận giáo viên cốt cán cấp tỉnh

Việc nâng cao chất lượng của giáo viên cốt cán đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng giáo dục

Cô Lê Thị Thanh Nga - giáo viên Địa lý Trường THPT Hương Khê cho biết: “Đối với nhiệm vụ của một giáo viên cốt cán tôi không còn mới lạ, bởi sự tin tưởng của nhà trường nên tôi cũng đã vinh dự được đảm nhiệm trách nhiệm của giáo viên cốt cán từ nhiều năm nay. Thế nhưng, từ khi có quyết định của Sở GD&ĐT, tôi cảm thấy mình được ghi nhận hơn và càng vui hơn khi được tham gia vào một nhóm chuyên môn có chất lượng cao, hoạt động bài bản bằng những kế hoạch cụ thể.

Ở đó, chúng tôi có kế hoạch chung để hoạt động, có thêm cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi chuyên môn nghiệp vụ lẫn nhau. Tôi cũng cảm thấy mình trở nên có động lực hơn, năng động hơn bởi những kế hoạch riêng của cá nhân với mục tiêu phấn đấu không ngừng để theo kịp bạn bè, đồng nghiệp và cũng để truyền đạt được tất cả những nội dung kiến thức mới mà mình được tiếp cận cho tổ chuyên môn của trường mình”.

Việc nâng cao chất lượng của giáo viên cốt cán đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng giáo dục cho ngành. Bởi vậy, quyết định công nhận giáo viên cốt cán của của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh là bước đi đúng và cần thiết. Bởi, đội ngũ giáo viên cốt cán là mắt xích quan trọng trong đổi mới giáo dục, đồng thời, từ đội ngũ nòng cốt này sẽ lan tỏa phong trào nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.

Giáo viên cốt cán cấp tỉnh phải có kinh nghiệm dạy học 5 năm trở lên. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt. Có khả năng triển khai các giờ dạy mẫu, dạy thử nghiệm. Có khả năng tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm về chuyên môn nghiệp vụ. Có khả năng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đồng nghiệp. Sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, khai thác hiệu quả các thiết bị giảng dạy...

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.