Chiều 2/11, PV Báo Hà Tĩnh có mặt tại UBND thị trấn Nghèn, được chứng kiến cảnh tượng khá hy hữu khi hàng chục con bò đang được nhốt trong gara để xe của cơ quan này. Cạnh đó, hàng chục chiếc xe đạp, xe máy của cán bộ thị trấn và khách đến giao dịch phải tạm thời bỏ ngoài sân để nhường chỗ nhốt bò.
Nhà gara để xe của UBND thị trấn Nghèn được trưng dụng để nhốt bò thả rông
Ông Bùi Viết Hùng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nghèn cho biết, ngay sau khi tỉnh, huyện có công điện, công văn chỉ đạo về việc xử lý trâu bò thả rông trên các tuyến giao thông đường bộ, đặc biệt là trên QL 1A, UBND thị trấn Nghèn đã triệu tập cuộc họp khẩn, điều động toàn bộ lực lượng công an xã, thôn xóm ra quân kiểm tra, xử lý số trâu bò thả rông trên các tuyến giao thông đường bộ. Đặc biệt, trong 2 ngày 1 và 2/11, các lực lượng đã bắt nhốt 30 con bò thả rông trên QL1A.
Song song với công tác xử lý vi phạm, thị trấn Nghèn cũng đã tập trung cho công tác tuyên truyền, tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không chăn dắt, thả rông trâu, bò đi lại trên phần đường có các phương tiện tham gia giao thông làm mất ATGT, vệ sinh môi trường. Các hộ dân phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để xẩy ra tai nạn giao thông.
Việc xử lý các chủ trâu bò vi phạm được người dân đồng tình, ủng hộ cao. Tuy nhiên, theo ông Hùng, cái khó khăn nhất hiện nay đó là không có địa điểm nhốt những trâu bò thả rông khi bị bắt giữ. Trong khi chờ xử lý, nếu trâu bò bị chết hay dịch bệnh cũng sẽ rất phức tạp.
Biên bản vi phạm được các hộ dân ký
Ông Trịnh Diên Thủy – một trong những hộ dân có bò bị bắt nhốt thừa nhận, việc để trâu bò chạy rông trên đường không có người chăn dắt là vi phạm về ATGT, vệ sinh môi trường, có thể gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc. Ông Thủy và nhiều người dân chăn nuôi trâu bò trên địa bàn cũng đồng tình với cách xử lý của chính quyền và cam kết không tái phạm.
Chủ bò cam kết không tái phạm thả rông trâu bò trên các tuyến giao thông
Can Lộc là địa phương có những biện pháp xử lý mạnh tay đối với chủ hộ chăn nuôi thả rông trâu bò trên các tuyến giao thông đường bộ. Trong khi đó, một số địa phương khác vẫn đang còn “hô hào”, chưa có biện pháp xử lý mạnh tay.
Trước đó, trong công điện của Chủ tịch UBND tỉnh gửi các địa phương đã nêu rõ: "Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xẩy ra tình trạng thả rông trâu bò trên đường bộ, đường sắt và tại các khu vực công cộng mà không được xử lý, gây mất TTATGT, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị".
Theo Điều 10, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, mức xử phạt người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau: Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới; để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông… Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Dắt súc vật chạy theo khi đang điều khiển hoặc ngồi trên phương tiện giao thông đường bộ… Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo đi vào đường cao tốc trái quy định. |