5 siêu vũ khí thế hệ mới có thể tạo nên sức mạnh đáng gờm của lục quân Mỹ

Quân đội Mỹ đang đứng trước những ngã rẽ mới khi Lầu Năm Góc tiến hành tái cơ cấu để đối phó các đối thủ tiềm năng sau 2 thập kỷ tập trung vào cuộc chiến chống phiến quân và khủng bố.

Nga vẫn đặt ra những thách thức truyền thống trong cuộc cạnh tranh sức mạnh trên đất liền đối với Mỹ, với việc thành lập các lực lượng cơ giới hóa có thể đe dọa Mỹ tại vùng Baltic, cùng nhiều khí tài hiện đại như tên lửa đạn đạo tầm xa, pháo binh và tên lửa đất đối không.

Binh sĩ Mỹ sử dụng súng phóng lựu. Ảnh: US Army.

Trong khi đó, một cuộc xung đột giả định giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tập trung vào việc kiểm soát vùng biển và không phận ở Thái Bình Dương. Để duy trì thế cân bằng quyền lực, quân đội Mỹ cần phải triển khai tên lửa tầm xa có khả năng chống hạm và máy bay trực thăng đến các hòn đảo xa xôi, cũng như lãnh thổ của các nước đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí trên boong các con tàu của Hải quân.

Hầu hết hệ thống tác chiến trên đất liền chính của lục quân Mỹ đều được đưa vào hoạt động từ những năm 1980 hoặc sớm hơn, vì thế có tuổi đời khá cao. Mỹ đã thực hiện 5 chương trình đầy tham vọng nhằm thay thế các loại xe bọc thép, pháo và trực thăng cũ với tổng kinh phí khoảng 30 tỷ USD nhưng đều thất bại.

Vào năm 2017, lục quân Mỹ đã thành lập 8 nhóm đa chức năng do chỉ huy của các lữ đoàn dẫn đầu, có nhiệm vụ nhanh chóng phát triển một thế hệ vũ khí mới, với kinh phí phù hợp.

Đạn pháo chính xác tầm xa

Lục quân Mỹ nổi tiếng với việc sử dụng lực lượng pháo binh tinh nhuệ yểm trợ nhanh chóng và chính xác cho các cuộc tấn công trong suốt Chiến tranh thế giới thứ 2. Tuy nhiên, trong những cuộc xung đột thời gian gần đây, Mỹ ngày càng phụ thuộc vào các cuộc không kích sử dụng vũ khí tấn công chính xác thay vì các lực lượng pháo binh.

Việc yểm trợ trên không sẽ không thể thực hiện được nếu quân đội đối phương sở hữu các hệ thống phòng không đáng gờm. Trong trường hợp này, cần phải tiến hành các cuộc tấn công bằng đạn pháo và tên lửa tầm xa để phá hủy hệ thống phòng không, tạo điều kiện cho việc yểm trợ hỏa lực từ trên không.

Do vậy ưu tiên hàng đầu của lục quân Mỹ là “hỏa lực chính xác tầm xa”. Đã có khoảng 6 dự án tìm kiếm các loại vũ khí có thể tiến hành những cuộc tấn công chính xác từ đất liền nhằm vào mục tiêu cách hàng chục, thậm chí hàng trăm km.

Ở giai đoạn đầu tiên, Lục quân Mỹ tìm cách nâng cấp pháo tự hành M109 Paladin ra đời từ những năm 1960, trong khuôn khổ chương trình Pháo binh tăng tầm (Extended Range Cannon Artillery - ERCA), với thiết kế nòng dài giúp gia tăng phạm vi tấn công lên đến gần 70km.

Các vũ khí “xương sống” khác của lực lượng pháo binh, chẳng hạn như hệ thống pháo phản lực phóng loạt M270 và M142 sẽ được tích hợp tên lửa tầm xa hơn, giúp gia tăng phạm vi hoạt động lên đến gần 150km.

Sau khi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) bị hủy bỏ, lục quân Mỹ đã đẩy mạnh việc phát triển 2 loại vũ khí tầm xa tiên tiến gồm tên lửa siêu thanh có tầm bắn hơn 2.400 km, rất khó bị đánh chặn và sở hữu năng lực chống hạm ưu việt, cùng với pháo tấn công chiến lược tầm xa (Long Range Strategic Cannon), có tầm hoạt động lên đến hàng nghìn dặm. Với khẩu pháo mới, lục quân Mỹ có thể tấn công các mục tiêu như căn cứ, mạng lưới hậu cần và căn cứ không quân đối phương.

Phương tiện chiến đấu thế hệ tiếp theo

Ưu tiên thứ 2 của lục quân là thay thế xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley ngày càng lỗi thời và dễ bị tổn thương. Trước đó vào năm 2018, lục quân đã quyết định nâng cấp hệ thống truyền lực của M2 Bradley, nhưng vẫn giữ nguyên tháp pháo.

M2 Bradley đã lỗi thời và không phù hợp với yêu cầu tác chiến hiện đại của Lục quân Mỹ. Ảnh: Military.com

Hiện, lực lượng này đang tìm kiếm Phương tiện Chiến đấu Tùy chọn khả năng điều khiển (OMFV), có thể vận hành không người lái, để thay thế cho Bradley. Mẫu “thiết giáp không người lái” này sẽ có 1 khẩu pháo tự động từ 30 đến 50mm, các tên lửa mới và hệ thống bảo vệ tích cực, có khả năng chở các đội quân lớn hơn so với M2 Bradley. Theo yêu cầu của lục quân Mỹ, hạn chót để các nhà thầu quốc phòng Mỹ nộp đề xuất OMFV là ngày 18/4/2021. Các tập đoàn sản xuất vũ khí như Raytheon/Rheinmetall Lynx, General Dynamics Griffon III and the BAE CV-90 Mark IV đang cạnh tranh để nhận được hợp đồng béo bở này.

Lục quân cũng đang lắp đặt các hệ thống phòng thủ chủ động Trophy và Iron Fist trên các mẫu xe tăng Abrams and Bradley. Hệ thống này có khả năng phát hiện các tên lửa đang bay đến, gây nhiễu hoặc bắn hạ trước khi chúng lao vào xe tăng. Các tên lửa chống tăng tầm xa đã phá hủy hàng trăm chiếc xe tăng trong các cuộc xung đột tại Trung Đông, vì thế hệ thống phòng thủ chủ động APS có thể giúp gia tăng đáng kể khả năng sống sót của những xe tăng này.

Dòng máy bay cất cánh thẳng đứng

Máy bay trực thăng rất cần thiết cho chiến trường và những hoạt động cần sự cơ động. Tuy nhiên chúng tương đối đắt đỏ, tốc độ chậm (240 đến 322km/h), có tầm hoạt động ngắn và dễ bị tổn thương trước hỏa lực của đối phương. Vì thế, lục quân Mỹ đang hướng tới “Dòng máy bay cất cánh thẳng đứng” trong tương lai để thay thế hơn 2.000 trực thăng vận tải hạng trung Blackhawk và trực thăng Apache được trang bị vũ khí hạng nặng.

Hiện đang có 2 dòng máy bay mới tham gia cuộc cạnh tranh là trực thăng V-280 Valor của Bell Helicopter và trực thăng SB-1 Defiant do Sikorsky và Boeing phát triển

V-280 Valor là trực thăng cánh quạt nghiêng lưỡng dụng có thể bay với tốc độ gấp đôi các trực thăng thông thường và tầm hoạt động rộng hơn rất nhiều so với các loại trực thăng hiện nay, với khoang chứa rộng hơn trực thăng UH-60 25%.

SB-1 Defiant là trực thăng cánh quạt đồng trục, được trang bị thêm một động cơ cánh quạt đẩy ở phần đuôi, có khả năng bay với tốc độ 358 km/h.

Mạng thông tin liên lạc

Lục quân Mỹ hiện nay đang muốn xây dựng mạng lưới C3I (Chỉ huy, kiểm soát, liên lạc và tình báo) kết nối với các hệ thống tác chiến trên đất liền của họ. Trước đó, lực lượng này đã từ bỏ nỗ lực xây dựng mạng lưới WIN-T (Warfighter Integrated Network – Tactical) trị giá 6 tỷ USD do nhận thấy nó có thể dễ dàng bị xâm nhập hoặc phá hoại bằng các thiết bị gây nhiễu. Lục quân Mỹ dự định mua các phần mềm sẵn có để xây dựng mạng lưới C3I nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí. Hệ thống mạng mới cần được tiêu chuẩn hóa những vẫn đảm bảo tính linh hoạt và độ an toàn.

Lục quân cũng thành lập một nhóm chuyên trách có nhiệm vụ phát triển các thiết bị hỗ trợ điều hướng để giúp các lực lượng mặt đất dễ dàng hoạt động trong trường hợp GPS không hoạt động hoặc chỉ sai vị trí.

Phòng thủ tên lửa và phòng không

Trong nửa thế kỷ qua, sự phát triển của lực lượng không quân đã khiến Mỹ cắt giảm kinh phí cho việc xây dựng hệ thống phòng không trên đất liền của lục quân. Tuy nhiên, mối đe dọa từ các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo đã khiến việc tái xây dựng hệ thống phòng không trở thành một ưu tiên lớn.

Lục quân Mỹ hiện đang tập trung phát triển hệ thống vũ khí “phòng không tầm ngắn cơ động”, hỗ trợ các lực lượng tiền tuyến bắn hạ các mục tiêu tầm thấp. Lục quân có kế hoạch triển khai xe thiết giáp Strykers 8 bánh chủ động, được trang bị các tên lửa Stinger và Hellfire, thiết bị gây nhiễu chống máy bay không người lái và pháo nòng 30mm. Ngoài ra, lực lượng này cũng mua thêm hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt của Israel.

Đối với hệ thống phòng không tầm xa, thay vì phát triển các loại tên lửa mới, Lục quân đang chi hàng tỷ USD nâng cấp hai hệ thống phòng tên lửa phòng không Patriot và hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) bằng cách tích hợp radar mảng pha điện tử chủ động và hệ thống điều khiển hỏa lực./.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói