Bà Hilary Clinton. (Nguồn: AP)
Theo phán quyết dài 2 trang công bố ngày 19/8, Thẩm phán Emmet Sullivan không chấp nhận bà Clinton đích thân xuất hiện điều trần mà bà phải trả lời bằng văn bản những câu hỏi do Judicial Watch, nhóm giám sát tư pháp bảo thủ, đưa ra.
Nhóm này cáo buộc bà Clinton sử dụng một máy chủ thư điện tử không được phép trong thời gian bà đảm nhận cương vị Ngoại trưởng Mỹ.
Phán quyết nêu rõ bà Clinton có 30 ngày để trả lời các chất vấn của nhóm giám sát tư pháp.
Hồi đầu tháng Bảy, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch đã chấp thuận khuyến nghị của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) về việc không buộc tội bà Clinton.
Theo kết quả điều tra của FBI, cơ quan này không tìm thấy chứng cứ về việc bà Hillary và các trợ lý của bà đã cố ý vi phạm luật bảo mật, dù có những bằng chứng họ đã hết sức bất cẩn trong việc xử lý các thông tin nhạy cảm và có độ bảo mật cao.
Bà Clinton đã chính thức lên tiếng xin lỗi về vụ việc trên, thừa nhận bà đã phạm "sai lầm" khi sử dụng địa chỉ e-mail cá nhân và máy chủ của riêng bà để xử lý công việc thay vì e-mail chính thức do chính phủ cấp trong thời gian bà giữ chức Ngoại trưởng từ năm 2009-2013.
Bà cam kết sẽ "chịu hoàn toàn trách nhiệm" về việc này.
Phán quyết của thẩm phấn Sullivan được đưa ra trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng giữa bà Clinton và đối thủ là ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump đang vào giai đoạn nước rút.
Vụ bê bối sử dụng thư điện tử cá nhân của bà Clinton đã trở thành tâm điểm chỉ trích của phe Cộng hòa và tỷ phủ Trump nhấn mạnh quan ngại các thông tin mật có thể bị đánh cắp, gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Đã có nhiều cử tri ủng hộ bà Clinton đặt nghi vấn về "tính trung thực và độ tin cậy" của cựu Ngoại trưởng Mỹ./.