Sau 3 năm "chân ướt chân ráo" từ Hà Tĩnh ra thủ đô Hà Nội “đèn sách” bằng học bổng 100% của trường TH School, nam sinh Lê Công Toàn (SN 2001, quê xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân) đang tranh thủ những ngày hè này để “cày” thêm tiếng Anh, các ứng dụng công nghệ và làm quen với văn hoá Mỹ.
Với Toàn, gác lại những buổi lên lớp tại trường Chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) để chuyển qua một ngôi trường mới với những trải nghiệm mới này là quyết định đúng đắn để biến giấc mơ tới Washington của em thành hiện thực.
Chân dung nam sinh 10X Lê Công Toàn nhận được học bổng 5 tỷ đồng cho 4 năm học của trường Whitman College (thủ đô Washington- Mỹ).
Nhắc lại hành trình chinh phục các “cửa ải”, Lê Công Toàn chia sẻ khó khăn của bản thân khi mới vào trường chính là môn tiếng Anh. Em đã rất chật vật để học từ vựng trong giao tiếp lẫn từ vựng chuyên ngành. Đặc biệt, trong một môi trường với các chương trình học quốc tế, Toàn bắt buộc phải dốc hết sức để cải thiện và nâng cao trình độ tiếng Anh của mình. Đã có lúc em muốn bỏ cuộc và tự hỏi: “Liệu đây có phải là ngôi trường dành cho mình"?
Thế nhưng, bằng sự nỗ lực và quyết tâm của bản thân, từ kỳ 2 của lớp 10, Toàn đã tự trả lời được câu hỏi đó bằng việc vượt qua rào cản ngôn ngữ. Việc học của em từ đó cũng có cách tiếp cận khác hẳn ở 7 môn - trong đó có 3 môn thi A Level (chương trình tú tài Anh, được công nhận ở hầu hết các quốc gia trên thế giới) và các môn tiếng Việt, Lịch sử, Địa lý…
Lê Công Toàn cùng bố mẹ trong Lễ tốt nghiệp trường TH School hôm 27/5.
Học rộng các môn với sự hào hứng đặc biệt, Toàn còn tự học và chơi thành thạo các nhạc cụ như guitar, ukelele, đặc biệt là đánh trống. Học bổng mà Toàn tự tìm được cũng do em "tự thân vận động", cùng với sự giúp đỡ và tư vấn của một người anh khoá trước trong trường.
Tuy chỉ nộp hồ sơ du học 7 trường đại học - số lượng khá ít so với các bạn nhưng rất may mắn, em đã nhận được sự chào đón của tất cả những trường đăng ký. Trong đó, phải kể đến niềm vui khi nhận được thư đồng ý với mức hỗ trợ tài chính lên tới 66.650 USD/năm của trường ĐH Whitman (Mỹ) với chuyên ngành Công nghệ Thông tin.
Toàn còn tự học và chơi thành thạo các nhạc cụ như guitar, ukelele, đặc biệt là đánh trống.
Toàn chia sẻ, để nộp hồ sơ du học thành công, ngoài những kết quả học tập, quan trọng nữa là bài luận. Trong bài luận hơn 600 chữ, bắt đầu từ âm thanh tiếng rao đêm lúc 1h sáng ở Hà Nội, Toàn đã tái hiện nỗi hoài niệm tuổi thơ, với những tháng ngày vất vả mà đẹp đẽ khi sống cùng bà. Toàn kể bà ngoại em là người phụ nữ Hà Tĩnh chính gốc. Ngay từ khi còn trẻ, bà đã sớm phải chịu cảnh góa bụa, một mình nuôi các con khôn lớn trưởng thành.
Sau này, khi bố mẹ Toàn rời Việt Nam xuất khẩu lao động, bà ngoại lại là người chăm sóc Toàn và các anh chị. Tuổi thơ của Lê Công Toàn trở nên hạnh phúc hơn khi tình yêu vô điều kiện của bà làm những đứa cháu quên đi cuộc sống khó khăn.
Tiếng rao trong những gánh hàng của bà đã trở thành một phần quan trọng của em khiến Toàn luôn khắc ghi lời nói của bà rằng : "Nhà mình có thể nghèo nhưng không được nghèo ý chí”. Chính vì vậy, đứa cháu nhỏ luôn cố gắng học hành để sau này có thể phụng dưỡng bà và bố mẹ lúc về già.
Ngoài học tập, Toàn còn rất hăng say trong các hoạt động vì cộng đồng, xã hội. Trong ảnh: Lê Công Toàn (ngoài cùng bên trái, hàng đầu) tham gia thiện nguyện tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Chia sẻ về những dự định của tương lai, Lê Công Toàn cho biết em sẽ lên đường tới Washington (Mỹ) để theo học ngành Khoa học máy tính ở trường Whitman College. Giấc mơ của em sẽ trở thành một lập trình viên vì em khá thích mày mò, khám phá những dãy số.
“Du học đại học Mỹ là một hành trình dài, chuẩn bị sớm là một lợi thế. Điều quan trọng nhất là bạn cần giữ vững niềm tin. Sẽ có những lúc nản chí, sẽ có những người bảo rằng bạn không làm được đâu. Tuy nhiên, quyết định cố gắng tiếp hay không lại nằm ở chính bản thân bạn” - Lê Công Toàn nhắn nhủ.