Chuyên đề: Ngăn chặn tội phạm vị thành niên - cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Bài 1: Gia tăng số vụ và mức độ

(Baohatinh.vn) - Người chưa thành niên trên cả nước cũng như ở Hà Tĩnh phạm tội đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh ngăn chặn. Số lượng các vụ phạm tội do nhóm độ tuổi này gây ra đang có xu hướng gia tăng, đi kèm với đó là tính chất, mức độ nghiêm trọng. Để hạn chế thực trạng đáng buồn này, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của toàn xã hội.

Theo các cơ quan chức năng Hà Tĩnh, người chưa thành niên phạm tội đang có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và mức độ. Hệ lụy kéo theo không chỉ là những đứa trẻ mới lớn phải đối mặt với những bản án nghiêm khắc, mất đi cơ hội “trưởng thành” mà còn là nỗi đau dai dẳng của gia đình và xã hội.

106d6194831t90236l0-copy-9993-5468.jpg
Các đối tượng N.T.H. (SN 2007, xã Sơn Bằng, Hương Sơn) và N.M.Đ., N.Q.N., N.V.L. (cùng SN 2007, trú tại xã Thạch Kim, Lộc Hà) bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích”.

Trẻ hóa tội phạm

Vào khoảng 22h ngày 4/7/2023, tại bờ kè bãi biển Xuân Hải (thuộc thị trấn Lộc Hà), dù không có mâu thuẫn nhưng N.T.H. (SN 2007, xã Sơn Bằng, Hương Sơn) và N.M.Đ., N.Q.N., N.V.L. (cùng SN 2007, cùng trú tại xã Thạch Kim, Lộc Hà) đã dùng dao, gậy baton đánh, chém anh T.Đ.Đ. (SN 2003, trú xã Phù Lưu, Lộc Hà) gây thương tích nặng (tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 48%). Xác định hành vi phạm tội của 4 trường hợp trên có tính chất liều lĩnh, côn đồ, gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lộc Hà sau đó đã khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 3, Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Hay vụ án xảy ra vào lúc 19h50’ ngày 19/10/2023, tại cửa hàng vàng bạc Ngọc Hân (phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh), L.H.D. (SN 2006) và D.G.B. (SN 2007, đều trú xã Đỉnh Bàn, Thạch Hà) đã thực hiện hành vi cướp 1 sợi dây chuyền và 1 chiếc nhẫn bằng vàng (tổng giá trị khoảng 7 triệu đồng). 2 trường hợp này sau đó bị lực lượng chức năng truy bắt, khởi tố về tội “Cướp giật tài sản” theo quy định của pháp luật.

Nguy hiểm hơn là vụ án xảy ra vào khoảng 23h ngày 21/1/2023, do mâu thuẫn cá nhân nên N.H.Đ. (SN 2006, trú phường Kỳ Thịnh, TX Kỳ Anh) đã dùng dao đâm anh N.V.T. (SN 1996, trú cùng quê). Hậu quả là anh T. tử vong trên đường đi cấp cứu. Vụ án khiến tương lai của Đ. bị chôn chặt sau song sắt khi tuổi đời còn rất trẻ; còn gia đình phải sống trong nỗi ân hận, day dứt khi không kiểm soát được hành vi của Đ., dẫn tới sự việc đau lòng.

img-3142-copy-6255-7074.jpg
Từ đầu năm 2020 trở lại đây, cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã xử lý nhiều vụ việc hình sự liên quan đến người chưa thành niên. (Ảnh: Trong số 6 đối tượng bị Công an xã Ích Hậu, Lộc Hà xử lý về hành vi trộm cắp tài sản có 4 đối tượng là người chưa thành niên).

Theo các cơ quan chức năng, ngoài mức độ nguy hiểm, nhiều trường hợp còn tái phạm nhiều lần với tính chất manh động, liều lĩnh, tập trung vào các hành vi như: giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí, gây rối trật tự công cộng; trộm cắp, cướp giật tài sản… ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn và là nguyên nhân dẫn tới những hành vi phạm pháp khác. Hệ lụy kéo theo không chỉ là những đứa trẻ mới lớn phải đối mặt với những bản án nghiêm khắc từ pháp luật, mất đi cơ hội “trưởng thành” mà còn là nỗi đau dai dẳng của gia đình và xã hội.

Từ đầu năm 2020 trở lại đây, cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã xử lý nhiều vụ việc hình sự liên quan đến người chưa thành niên. Số liệu từ Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) cho biết, từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2023, tội phạm trong độ tuổi vị thành niên xảy ra trên địa bàn tỉnh là 133 vụ/171 đối tượng, chiếm 6,6% số vụ trong tổng số tội phạm hình sự, tập trung vào các loại tội phạm như: trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích… Đáng nói, số lượng tội phạm ở nhóm tuổi này từ năm 2022 đến nay tăng mạnh: năm 2022 có 28 vụ/31 đối tượng, tăng 16% so với năm 2021; năm 2023 có 53 vụ/68 đối tượng, tăng 89% so với năm trước; từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra 34 vụ/87 đối tượng.

Không chỉ ở Hà Tĩnh, vị thành niên phạm tội đang là thực trạng chung đáng buồn trên cả nước. Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13 nghìn thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Không chỉ có dấu hiệu gia tăng về số lượng mà mức độ, thủ đoạn phạm tội của nhóm đối tượng này cũng diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi.

“Những con số trên cho thấy, tình trạng người chưa thành niên trên địa bàn tỉnh phạm tội đang có chiều hướng gia tăng. Điều này gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT và khiến nhiều em phải nhận những bản án nghiêm minh từ pháp luật khi tuổi đời còn rất trẻ”, Thượng tá Nguyễn Thị Kim Chung - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự cho hay.

Nhìn nhận thực trạng trên, ông Phan Quý Nhất - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho biết: “Từ những vụ án nêu trên có thể thấy, tình hình tội phạm “trẻ hóa” đang trở thành thực trạng đáng báo động trên địa bàn tỉnh. Đây là vấn đề đáng quan ngại bởi lẽ, tội phạm vị thành niên không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cá nhân người phạm tội, làm đảo lộn cuộc sống không ít gia đình mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho cộng đồng. Đặc biệt, khi loại tội phạm này gia tăng, diễn biến phức tạp sẽ làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lành mạnh của môi trường xã hội, thậm chí có thể là nguyên nhân lôi kéo nhiều người trẻ phạm tội. Tỷ lệ người phạm tội dưới 18 tuổi có dấu hiệu gia tăng cũng phần nào cho thấy sự suy giảm mối liên kết giữa các thành viên trong một số gia đình và sự sa sút đạo đức, lối sống của một bộ phận người trẻ”.

Video: Luật sư Phan Văn Chiều - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu (Đoàn Luật sư Hà Tĩnh) chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tội phạm tuổi chưa thành niên.

Đâu là nguyên nhân?

Cách đây gần 2 năm, em N.V.T. (khi đó là học sinh lớp 8, ở Cẩm Xuyên) đã cùng nhóm bạn gần nhà thực hiện một số vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn. Dù các vụ trộm mà T. và nhóm bạn thực hiện không bị cơ quan chức năng xử lý trách nhiệm hình sự (do có giá trị thấp), nhưng thói quen hành nghề “đạo chích” đã khiến T. gần như bỏ bê việc học, sa vào các cuộc chơi bời, tụ tập.

Tiếp cận chị N.T.H. (mẹ T.), chúng tôi được biết, chồng chị H. đi lao động ở nước ngoài, còn chị làm nghề buôn bán, thường đi sớm về muộn. Vì vậy, thời gian theo dõi việc học, chuyện cá nhân của con gần như không có. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hành vi thiếu chuẩn mực của em T.

“Thú thực, trong cuộc sống thường ngày, tôi rất ít khi chia sẻ cùng con. Thấy con điểm thấp sau mỗi kỳ học, tôi thường trách mắng thay vì tìm hiểu lí do. Việc con chơi với ai, làm những gì sau giờ học, tôi hoàn toàn không nắm được. Sau sự việc không hay đó, tôi đã nhận thức được mức độ nghiêm trọng của việc thiếu quan tâm, đồng hành cùng con và thay đổi cách thức giáo dục con” - chị H. tâm sự.

img-9268-2-copy-2524-9139.jpg
Trong số 19 bị cáo bị Toà án nhân dân TP Hà Tĩnh đưa ra xét xử về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Vô ý làm chết người”, có 14 bị cáo là người chưa thành niên.

Mải mê sinh kế hay nuông chiều quá mức, nhiều gia đình tuyệt nhiên phó mặc con cho nhà trường. Hoặc ở nhiều hoàn cảnh, các em do bố mẹ đi làm ăn xa nên thiếu sự giám sát, giáo dục thường xuyên. Điều này đã gây ra không ít hệ lụy, bởi chính sự buông lỏng quản lý của cha mẹ, nhiều em đã bị kẻ xấu lôi kéo thực hiện các hành vi phạm pháp.

Số liệu từ Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, tòa án hai cấp đã thụ lý, xét xử 198 vụ/276 bị cáo là người chưa thành niên.

Mới đây nhất là vào ngày 9/9/2024, Tòa án nhân dân TP Hà Tĩnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử nhóm bị cáo về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Vô ý làm chết người”. Đáng nói, trong số 19 bị cáo bị đưa ra xét xử, có 14 bị cáo là người chưa thành niên. Nguyên nhân được xác định là do các em thiếu hiểu biết pháp luật, thường xuyên tụ tập chơi bời, thiếu sự quản lý của gia đình. Chỉ đến khi sự việc xảy ra và phải nhận những bản án nghiêm minh từ pháp luật, các em và gia đình mới thực sự thức tỉnh. Đây không chỉ là bài học đắt giá cho các em mà còn là lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh trong việc giáo dục, quản lý con trẻ.

Bị toà án đưa ra xét xử, những đứa trẻ mới lớn không chỉ phải đối mặt với những bản án nghiêm khắc từ pháp luật, mà còn mất đi cơ hội “trưởng thành”. (Trong ảnh: phiên toà xét xử bị cáo N.V.P. (trú xã Xuân Liên, Nghi Xuân) về tội "Giết người".
Bị toà án đưa ra xét xử, những đứa trẻ mới lớn không chỉ phải đối mặt với những bản án nghiêm khắc từ pháp luật, mà còn mất đi cơ hội “trưởng thành”. (Trong ảnh: phiên toà xét xử bị cáo N.V.P. (trú xã Xuân Liên, Nghi Xuân) về tội "Giết người".

Luật sư Phan Văn Chiều - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu (Đoàn Luật sư Hà Tĩnh) cho biết, theo quy định pháp luật thì người dưới 18 tuổi được xác định là chưa thành niên, tức là chưa phát triển đầy đủ nhân cách đạo đức. Việc gia tăng tội phạm ở độ tuổi này bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó môi trường gia đình ảnh hưởng quan trọng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Tại Hà Tĩnh, nhiều em sa vào con đường phạm pháp do thiếu sự giáo dưỡng từ các bậc phụ huynh, có không ít trường hợp do có cha mẹ ly hôn, thiếu quan tâm, quản lý. Từ đó, các em tụ tập với những đối tượng cùng hoàn cảnh hoặc bị bạn bè xấu lôi kéo dẫn đến con đường phạm tội. Ngoài ra, môi trường xã hội hiện nay có quá nhiều cám dỗ khiến trẻ em dễ sa vào những hành vi phạm pháp nếu không có sự quản lý chặt chẽ từ phía gia đình.

“Theo Điều 12, Bộ luật Hình sự, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng (khung hình phạt cao nhất 7-15 năm tù) hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (khung hình phạt trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình); người chưa đủ 14 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự do hành vi của mình gây ra” - Luật sư Phan Văn Chiều thông tin.

img-9284-2-copy-8074-8889.jpg
Trước thực trạng tội phạm tuổi chưa thành niên ngày càng gia tăng, đòi hỏi các cấp, ngành và toàn xã hội cùng vào cuộc để phòng ngừa, ngăn chặn.

Nhìn từ góc độ tâm lý, Tiến sỹ tâm lý học Nguyễn Văn Hòa - giảng viên Trường Đại học Hà Tĩnh cho biết, tuổi vị thành niên là độ tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm sinh lý thường có những bất ổn, nổi loạn, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc, dễ thực hiện những hành vi mang tính bột phát. Nếu giáo dục cứng nhắc hoặc giáo dục không đúng cách thì có thể biến những đứa trẻ ngoan trở thành những đứa trẻ ngỗ ngược, thậm chí trở thành tội phạm. Ở độ tuổi chưa thành niên thì rất dễ bị cảm xúc chi phối hành vi, chỉ vì những vấn đề nhỏ nhặt mà người chưa thành niên có thể có những xúc động mạnh, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc dẫn đến thực hiện những hành vi sai trái.

“Hành động bột phát, hậu quả lâu dài”, đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, không ít người chưa thành niên đã tự tay vẽ những “nét bút đen” lên trang lý lịch cuộc đời mình bằng những tội danh để rồi đánh mất tương lai, tuổi trẻ. Đằng sau mỗi vụ án bao giờ cũng là những giọt nước mắt, nỗi đau và nỗi đau ấy sẽ còn lớn hơn khi thủ phạm chính là những thiếu niên mới chập chững bước vào đời. Thực trạng này đòi hỏi các cấp, ngành và toàn xã hội vào cuộc để phòng ngừa, ngăn chặn.

(Còn nữa)

Chủ đề Phòng chống tội phạm

Đọc thêm

Lời cảnh tỉnh từ một phiên tòa

Lời cảnh tỉnh từ một phiên tòa

Không chỉ là bài học riêng cho 3 bị cáo, phiên tòa mà TAND tỉnh Hà Tĩnh vừa mở còn là lời cảnh tỉnh cho những ai hám lợi để vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.
Đói ăn vụng, túng làm liều

Đói ăn vụng, túng làm liều

Chỉ vì cần tiền thỏa mãn nhu cầu cá nhân, Nguyễn Văn Trọng (SN 1989, xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã bất chấp hậu quả, sa chân vào con đường bất chính…
Phạt thật nặng để thay đổi hành vi!

Phạt thật nặng để thay đổi hành vi!

Quy định mới về xử lý người vi phạm Luật ATGT có hiệu lực thi hành được nhiều người dân đồng tình, tuy nhiên vẫn có một bộ phận cho rằng, mức xử phạt quá nặng.
Khi lòng tham lấn át lý trí

Khi lòng tham lấn át lý trí

Dù trong độ tuổi lao động nhưng Phùng Hà Trang (trú ở TP Hà Tĩnh) không tu chí làm ăn, mà rẽ lối sang con đường phi pháp. Kẻ lừa đảo đã phải nhận 15 năm tù giam.