Xử lý chồng lấn đất rừng ở Kỳ Anh - những bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ

Bài 1: Thực trạng đáng lo ngại ở lâm phần rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Khoảng 2.700 ha đất rừng trên địa bàn huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh (do Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh quản lý) đang xảy ra chồng lấn, tranh chấp, bất cập cần được xử lý sớm để tránh phát sinh hệ lụy.

Thực hiện thông tư của Bộ NN&PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh đã thông báo cho các hộ dân tự bỏ vốn trồng keo với diện tích 2.700 ha trên lâm phần do đơn vị quản lý tạm dừng cắt bán để thắt chặt hoạt động khai thác. Người trồng rừng ở huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh đang lo lắng và một số hộ thậm chí đã “trộm” keo của chính mình.

“Trộm” keo do chính mình trồng

bqbht_br_dt-dji-0861.jpg
Diện tích rừng trồng keo tại xã Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh) thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh quản lý.

Đầu năm 2023, Ban Quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh đã thông báo cho các hộ dân tự bỏ vốn trồng keo nguyên liệu trên lâm phần do đơn vị quản lý tạm dừng cắt bán để thắt chặt hoạt động khai thác theo tinh thần Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ NN&PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Thực hiện quy định mới, người dân xã Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh) đang rất lo lắng vì gần 659 ha keo của 209 hộ trồng bị ảnh hưởng; thậm chí, nhiều hộ đã hành động một cách “ngược” là đi khai thác “trộm” cây của chính mình.

bqbht_br_dt-db9cbfb.jpg
Anh Ngô Văn Phúc ở thôn Bắc Xuân, xã Kỳ Tây (người bên phải) trình bày với phóng viên Báo Hà Tĩnh về vướng mắc trong quá trình khai thác keo.

Anh Ngô Văn Phúc (thôn Bắc Xuân, xã Kỳ Tây) chia sẻ: “Vì keo đã đến giai đoạn khai thác và mùa mưa đã đến, nếu không cắt thì chỉ vài tuần nữa đường vào bị ngập, không thể thu hoạch được, tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng đối mặt với rủi ro cao. Vì vậy, tôi và một số hộ nữa đã lén lút khai thác; nhưng chỉ vừa cắt được khoảng 0,2-0,7 ha/hộ thì lực lượng chức năng đình chỉ và yêu cầu phải có đơn, phải thực hiện theo quy trình, quy định hiện hành. Việc này khiến chúng tôi khó hiểu vì 5 chu kỳ trước đây, cứ trồng keo sau 4 năm là “vô tư” cắt bán”.

Ông Võ Văn Xuân - Trưởng thôn Bắc Xuân là một trong những hộ có số lần “vi phạm” nhiều nhất. Theo hồ sơ quản lý của BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh, ông Xuân hiện trồng hơn 5 ha keo trên lâm phần của đơn vị và từ tháng 8/2024 đến nay, ông đã bị cán bộ Trạm Bảo vệ rừng (BVR) Sông Rác cùng các lực lượng phối hợp bắt quả tang khai thác trái phép 4 lần. Dù đã lập biên bản, nhắc nhở, chấn chỉnh nhưng ông vẫn tiếp tục vi phạm.

Ông Võ Văn Xuân phân trần: “Thôn chúng tôi có khoảng 300 ha keo (của 118 hộ) thuộc diện BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh tạm cấm khai thác. Tuy nhiên, chúng tôi luôn cho rằng, keo là do bà con trồng, tự bỏ công chăm sóc, bảo vệ nên có quyền sở hữu và được tự khai thác. Vì vậy, dù đã có thông báo cấm từ các đơn vị liên quan nhưng mọi người vẫn khai thác, trong số này có cả gia đình tôi”.

bqbht_br_dt-5b24d2c.jpg
Một số hộ dân ở thôn Xuân Bắc, xã Kỳ Tây cho rằng, việc BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh thu hồi đất để trồng rừng phòng hộ là không thuyết phục vì họ khai hoang, đã canh tác hàng chục năm.

Khi BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh yêu cầu tạm dừng khai thác, nhiều hộ dân ở xã Kỳ Tây đã chọn cách… tự “trộm” tài sản của chính mình. Việc làm “tréo ngoe” này xảy ra âm ỉ từ đầu năm 2023 cho đến nay, nhưng hơn 2 tháng gần đây thì tình hình khá phức tạp khi có đến 23/40 lượt hộ vi phạm với tổng diện tích gần 23 ha (cá biệt vào ngày 14/9 có đến 4 vụ); mới đây nhất là hộ các ông Bùi Văn Ngh. ở thôn Bắc Xuân, Phạm Văn Th. ở thôn 7, Hồ Văn K. ở thôn Nam Xuân.

Theo tìm hiểu, hiện có rất nhiều hộ dân ở 19 xã, phường thuộc huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh tự bỏ vốn trồng keo tràm trên hơn 2.700 ha đất lâm nghiệp do BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh quản lý. Tuy không “nóng” như ở xã Kỳ Tây nhưng tình trạng người dân lén lút khai thác “trộm” keo tràm do chính mình trồng cũng đang xảy ra hằng ngày trên toàn lâm phần, ở hầu hết các địa phương. Trước tình trạng này, chủ rừng và các lực lượng chức năng đã tăng cường vào cuộc, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, nhưng hiện đang gặp nhiều khó khăn, chưa hiệu quả.

bqbht_br_khai-thac-keo.jpg
Hộ dân lén lút khai thác keo thuộc địa phận xã Kỳ Tây. Ảnh cắt từ video do BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh cung cấp.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm - Trưởng BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh thừa nhận: “Tình trạng người dân không chấp hành các quy định của pháp luật trong khai thác rừng trồng (phần diện tích tự bỏ vốn trồng trên đất của đơn vị) khá phổ biến và đang diễn biến phức tạp, nhất là ở xã Kỳ Tây.

Lựa chọn thời điểm vào ban đêm, trời mưa hay khi vắng bóng lực lượng chức năng, một số hộ lại lén lút vào rừng keo của mình trồng để cắt bán. Điều này không chỉ vi phạm các quy trình và quy định khai thác hiện hành mà còn gây ảnh hưởng đến công tác quản lý, BVR của đơn vị và nguy cơ mất an toàn, mất an ninh trật tự cùng nhiều hệ lụy khác”.

Người trồng keo lo bị thu hồi đất, thực hiện giao khoán mới

Cùng với thắt chặt hoạt động khai thác, BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh cũng đã thông báo kế hoạch thu hồi toàn bộ số diện tích này để có kế hoạch, phương án sản xuất mới. Ông Nguyễn Ngọc Lâm thông tin thêm: “Theo kế hoạch, quỹ đất này sau thu hồi đơn vị sẽ xem xét, tạo điều kiện cho các hộ tái nhận khoán theo từng công đoạn trồng rừng phòng hộ bằng cây bản địa. Trong khi đó, bà con lại muốn giữ lại đất trồng keo nên việc xử lý đang gặp nhiều khó khăn”.

bqbht_br_dt-4068e8c4.jpg
Ông Võ Văn Xuân - Trưởng thôn Bắc Xuân, xã Kỳ Tây: "Dù đất chưa có “bìa đỏ” nhưng hơn 30 năm nay tôi sử dụng ổn định thửa đất này, có nộp thuế cho xã".

Cầm trên tay tờ đơn xin đất làm vườn đồi và bảo vệ rừng trên diện tích 5 ha (đơn ghi rõ tứ cận và được trưởng thôn, cán bộ địa chính xã ký xác nhận, Chủ tịch UBND xã Kỳ Tây ký tên, đóng dấu vào ngày 10/9/2002 - P.V.), ông Võ Văn Xuân - Trưởng thôn Bắc Xuân cho biết: “Năm 1988, tôi lập gia đình và vào khai hoang ở vùng bãi Đá Mài để trồng cây lương thực, rồi sau này trồng keo. Đến năm 2002, tôi làm đơn xin xã cấp đất để làm vườn đồi, trang trại kết hợp BVR và được chấp thuận. Dù chưa có “bìa đỏ” nhưng hơn 30 năm nay tôi sử dụng ổn định thửa đất này, có nộp thuế cho xã với số tiền tương đương khoảng 80 kg thóc/ha/chu kỳ. Nay BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh lại cho rằng, đất của gia đình tôi thuộc lâm phần UBND tỉnh giao cho họ khiến tôi rất lo lắng”.

Anh Ngô Văn Phúc cũng tỏ vẻ băn khoăn: “Gia đình tôi có hơn 2 ha được nhận lại từ Dự án trồng rừng 327 (vào năm 1997) và 4 ha khai hoang để phát triển sản xuất ở khu vực có độ dốc dưới 45 độ (khoảng năm 2001) đã được thôn trưởng, địa chính, Chủ tịch UBND xã ký xác nhận. Nhiều chu kỳ rồi chúng tôi sản xuất ổn định, nhưng mới đây BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh không cho thu hoạch và yêu cầu trả lại đất cho họ để nhận khoán theo quy trình rừng phòng hộ (cây bản địa) bằng nguồn kinh phí được cấp theo từng giai đoạn. Chúng tôi không đồng tình và đang rất lo mất tư liệu sản xuất”.

bqbht_br_a3.jpg
Cơ quan chức năng yêu cầu các hộ dân dừng việc khai thác keo. Ảnh cắt từ video do BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh cung cấp.

Làm việc, trao đổi với nhiều hộ dân ở các xã, phường khác đang sử dụng 2.700 ha đất của BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh trên địa bàn huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh, đa phần các hộ đều cho rằng, phần đất đang trồng keo là của họ, đã được xã cấp, được nhận khoán lại từ các chương trình trồng rừng trước đây, hoặc tự khai hoang đã hàng chục năm. Họ cũng cho rằng, việc BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh thu hồi đất để trồng rừng phòng hộ là không thuyết phục vì họ khai hoang, đã canh tác hàng chục năm.

Trái ngược với ý kiến của người dân, ông Nguyễn Hồng Thắng - Chủ tịch UBND xã Kỳ Tây khẳng định: “Mặc dù các hộ đều cho rằng đất là của gia đình, nhưng khi kiểm tra, soát xét, đối chiếu, chúng tôi thấy diện tích thuộc quyền quản lý, sử dụng của BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh. Vì vậy, việc bà con phải trả lại đất cho chủ rừng là đúng pháp luật. Về phía địa phương, chúng tôi đang tập trung tuyên truyền, vận động để bà con chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, làm đơn và hồ sơ khi khai thác, trả lại đất cho chủ rừng, đồng thuận với các chủ trương của đơn vị quản lý đất rừng…”.

Bấy lâu nay, do yếu tố lịch sử và các quy định cũ nên công tác quản lý, sử dụng, khai thác quỹ đất trên lâm phần nói chung chưa thực sự chặt chẽ dẫn đến các bất cập, hạn chế. Để quản lý đất rừng, thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật… đơn vị sẽ quyết liệt chấn chỉnh. Nhiệm vụ này dự báo sẽ gặp nhiều gian nan, nhưng bước đầu đã nhận được sự phối hợp vào cuộc của các cấp, ngành.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm - Trưởng BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh

Video: Cơ quan chức năng kiểm tra và yêu cầu các hộ dân dừng khai thác keo trên địa bàn xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh.

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Phá chuyên án trộm cắp tài sản ở Formosa Hà Tĩnh

Phá chuyên án trộm cắp tài sản ở Formosa Hà Tĩnh

Sau gần 2 năm kiên trì, bền bỉ áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Chuyên án mang bí số 2024Đ đấu tranh với các đối tượng trộm cắp tài sản tại Công ty Formosa Hà Tĩnh đã được triệt phá thành công.
Bản án lương tâm

Bản án lương tâm

Uy hiếp, đánh bố đẻ trọng thương để lấy tiền mua xe máy, bị cáo Nguyễn Văn Hiệp (trú Hương Sơn, Hà Tĩnh) không chỉ làm trái đạo lý của một người con mà còn tự đẩy mình vào tù tội.
Những đồng tiền tội lỗi

Những đồng tiền tội lỗi

Mờ mắt trước khoản tiền công lớn từ vận chuyển thuê ma túy, bị cáo Xeng và Sisavanh Yongyaerlor (Lào) đã tự khép lại cuộc đời bằng bản án tử hình do TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt.