Ngăn chặn tội phạm vị thành niên - cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Bài 2: Thiết lập hệ thống ngăn chặn, bảo vệ vững chắc

(Baohatinh.vn) - Người chưa thành niên trên cả nước cũng như ở Hà Tĩnh phạm tội đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh ngăn chặn. Số lượng các vụ phạm tội do nhóm độ tuổi này gây ra đang có xu hướng gia tăng, đi kèm với đó là tính chất, mức độ nghiêm trọng. Để hạn chế thực trạng đáng buồn này, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của toàn xã hội.

Vị thành niên phạm tội gia tăng trong những năm gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các bậc phụ huynh trong quản lý con em. Đây cũng là vấn đề cấp bách cần các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội cùng chung tay ngăn chặn.

Thông qua mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp, giáo dục, cảm hóa người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật”, Công an xã Tùng Lộc đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn loại tội phạm này trên địa bàn xã.

Những “tấm khiên” vững chắc từ cơ sở

Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên trước đây, nhiều năm liền, xã Tùng Lộc luôn được xem là điểm “nóng” về tình hình tội phạm vị thành niên của huyện Can Lộc. Đây là điều khiến các bậc phụ huynh, chính quyền địa phương, nhà trường... lo lắng. Trước tình hình đó, tháng 6/2023, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) đã phối hợp với Công an huyện Can Lộc và UBND xã Tùng Lộc ra mắt mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp, giáo dục, cảm hóa người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật”. Đây cũng là mô hình đầu tiên tại Hà Tĩnh, đang duy trì hoạt động tốt.

Thiếu tá Bùi Xuân Văn - Trưởng Công an xã Tùng Lộc cho biết: “Từ năm 2021 đến thời điểm ra mắt mô hình, Tùng Lộc xảy ra 44 vụ/27 đối tượng phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên, những đối tượng này thường xuyên thực hiện các hành vi trộm cắp tài sản, gây rối trật tự… Có những đối tượng phạm tội nghiêm trọng đến mức phải truy tố trách nhiệm hình sự. Do vậy, việc ra mắt mô hình trên thực sự phù hợp, kịp thời. Khi mô hình đi vào hoạt động, chúng tôi đã rà soát, nắm bắt và “khoanh vùng” 22 em. Cùng đó, phối hợp với nhà trường, đoàn thanh niên và đặc biệt là gia đình để thực hiện các biện pháp giáo dục phù hợp”.

Cũng theo Thiếu tá Bùi Xuân Văn, với những em phớt lờ, không chấp hành, công an xã sẽ mời lên trụ sở, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để chấn chỉnh, cùng đó thông tin các mức án hình sự để răn đe. Nhờ cách làm này mà đến nay, tình trạng thanh thiếu niên phạm tội trên địa bàn xã đã cơ bản được kiểm soát, những em nằm trong diện theo dõi đã nêu cao ý thức chấp hành pháp luật.

Từ hiệu quả của mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp, giáo dục, cảm hóa người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật” được thí điểm tại xã Tùng Lộc, thiết nghĩ, mô hình này cần được các cấp, ngành, địa phương quan tâm nhân rộng nhằm tạo ra những “tấm khiên” giúp ngăn chặn từ sớm, từ xa các loại tội phạm; kịp thời cảm hóa các em khi mới có dấu hiệu phạm tội. Bởi, thực tế cho thấy, tội phạm tuổi vị thành niên trên địa bàn tỉnh vẫn đang gia tăng cả về số vụ và mức độ.

9 tháng năm 2024, Công an TP Hà Tĩnh đã xử lý 10 vụ/36 đối tượng, chủ yếu là hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích.

Xác định hệ lụy của tội phạm tuổi vị thành niên đối với gia đình, xã hội là vô cùng lớn nên những năm qua, Công an TP Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó phải kể đến công tác rà soát, nhận diện đưa vào diện quản lý người dưới 18 tuổi có nguy cơ phạm pháp hình sự, vi phạm pháp luật. Dù vậy, tội phạm ở lứa tuổi này vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn. Riêng trong 9 tháng năm 2024, đơn vị đã xử lý 10 vụ/36 đối tượng, chủ yếu là hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích.

Trung tá Đặng Văn Đức - Trưởng Công an TP Hà Tĩnh cho biết: “Trước thực trạng đáng lo ngại này, trước mắt đơn vị sẽ tiến hành phân loại thanh thiếu niên theo từng cấp độ nguy cơ và có biện pháp quản lý cụ thể, phù hợp. Về lâu dài, đơn vị tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả Tổ công tác 238 thông qua việc tăng cường tuần tra vũ trang, tuần tra hằng đêm từ khung giờ 22h đến 2h sáng hôm sau nhằm phòng ngừa và kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các nhóm, đối tượng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật”.

Tổ công tác 238 Công an Hà Tĩnh xử lý nhiều thanh thiếu niên ngổ ngáo trên đường phố.

Ngoài Can Lộc, TP Hà Tĩnh, công tác ngăn chặn tuổi vị thành niên phạm tội thời gian qua cũng được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh vào cuộc. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên số vụ, số đối tượng phạm tội ở lứa tuổi này vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Điều này đặt ra không ít thách thức, khó khăn cho các cơ quan chức năng.

Video: Thượng tá Nguyễn Thị Kim Chung - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự thông tin một số nhiệm vụ nhằm ngăn chặn tội phạm tuổi vị thành niên.

Thượng tá Nguyễn Thị Kim Chung - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, công tác phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm tuổi vị thành niên là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục. Để phòng ngừa, ngăn chặn, thời gian tới, lực lượng công an các cấp sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm kiềm chế, phát hiện các đối tượng có biểu hiện hoạt động tội phạm, từ đó có biện pháp răn đe, giáo dục phù hợp và đưa vào diện nghiệp vụ để quản lý; tiếp tục phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong việc đảm bảo ANTT, đẩy lùi các loại tội phạm thông qua các mô hình như: “Xã không có tội phạm ma túy”; “Zalo kết nối bình yên”; “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”...

Cũng theo Thượng tá Nguyễn Thị Kim Chung, tội phạm ngày càng trẻ hóa không còn là câu chuyện riêng của các cơ quan tư pháp, mà đó là trách nhiệm của mỗi gia đình, xã hội và chính bản thân những bạn trẻ. Để ngăn chặn, đòi hỏi sự vào cuộc của các tổ chức, lực lượng với những giải pháp đồng bộ, cụ thể.

Ngăn chặn tội phạm tuổi vị thành niên là trách nhiệm của mỗi gia đình, xã hội và chính bản thân những bạn trẻ.

Đề xuất giải pháp ngăn chặn tội phạm tuổi vị thành niên, ông Bùi Văn Lam - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho rằng, Quốc hội cần sớm thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên. Bởi, dự án luật này được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành và nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; tăng cường trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, giám sát, giáo dục người chưa thành niên…

Gia đình đóng vai trò then chốt, chính sự quan tâm, lắng nghe và định hướng kịp thời của cha mẹ sẽ giúp các em có một nền tảng vững chắc về đạo đức, lối sống lành mạnh.

Cùng vào cuộc trách nhiệm

Có 2 con trai đang học THPT nên ngoài những lúc đi làm, chị Nguyễn Thị B. (phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) luôn dành thời gian bên con, cùng sẻ chia, tháo gỡ những khúc mắc mà con đang gặp phải trong học tập, hay trong các mối quan hệ. Bởi, qua phương tiện thông tin đại chúng, chị ý thức được nguy cơ cũng như những điều không hay con có thể mắc phải nếu thiếu sự đồng hành của gia đình.

Chị B. chia sẻ: “Trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng phát triển, con trẻ bị cám dỗ và thực hiện các hành vi thiếu chuẩn mực là điều khó tránh khỏi. Do đó, việc các gia đình chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng đồng hành cùng con là điều cần thiết. Ngoài ra, các chi hội phụ nữ, tổ chức đoàn thể ở thôn, tổ dân phố cũng cần thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ nhằm tạo không gian cho các gia đình cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng nuôi dạy con khoa học”.

Từ chia sẻ của chị B. cho thấy, việc ngăn chặn nguy cơ và hạn chế sự gia tăng tội phạm tuổi vị thành niên là trách nhiệm của toàn xã hội, ngoài gia đình thì các tổ chức đoàn thể cũng cần chung tay hành động và tăng cường các giải pháp.

Các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng công tác tuyên, nâng cao nhận thức pháp luật cho hội viên, qua đó giúp chị em xây dựng gia đình nói không với các loại tội phạm.

Với vai trò của mình, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn đã đồng hành cùng chị em trong việc chăm lo gia đình, nuôi dạy con trưởng thành thông qua các mô hình: “Khi mẹ vắng nhà”, “Phụ nữ với pháp luật”... Tuy nhiên, thực tiễn đặt ra cần nhiều giải pháp hơn nữa để tạo thành những “rào chắn” ngăn chặn vững chắc.

Theo chị Trương Thị Lượng - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thời gian tới, cùng với các cấp hội, BTV Tỉnh hội sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cung cấp kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, kỹ năng về chăm sóc, giáo dục trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em tới từng hội viên theo hình thức hướng về cơ sở, sâu sát với từng hội viên, không bỏ ai ở lại phía sau. Đặc biệt, hội sẽ quan tâm tổ chức các diễn đàn để các cấp hội, hội viên chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp trong công tác tuyên truyền nhằm góp phần giúp hội viên nâng cao nhận thức pháp luật, nói không với các loại tội phạm trong gia đình”.

Phiên toà giả định góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho học sinh.

Không chỉ Hội LHPN tỉnh, các cấp bộ đoàn cũng đã và đang tích cực chung tay cùng các cấp trong việc kiềm chế, ngăn chặn “mối lo” này. Chị Nguyễn Ny Hương - Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Chúng tôi nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc định hướng, giúp đỡ các em trở thành những công dân có ích. Bởi, thế hệ trẻ chính là những chủ nhân tương lai của đất nước, là “rường cột của nước nhà”. Do đó, cùng với việc nhân rộng các mô hình như: “Phiên tòa giả định”, “Giáo dục sau vi phạm”… theo phương châm “mưa dầm, thấm lâu”, thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ đặc biệt chú trọng công tác tập huấn, tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên theo hướng “cầm tay chỉ việc”; kết nối, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp đối với các đối tượng kết thúc thời gian chấp hành án, thanh niên sau cai nghiện ma túy… Với mục tiêu cuối cùng là giúp thanh thiếu niên tu chí làm ăn, “nói không” với các tệ nạn xã hội”.

Nếu gia đình đóng vai trò then chốt thì trường học chính là “nền móng” giúp các em được rèn luyện, phát triển toàn diện. Xác định tầm quan trọng đó, thời gian qua, ngành Giáo dục đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn xây dựng nhiều mô hình phòng ngừa, ngăn chặn học sinh vi phạm pháp luật, như: “Trường học nói không với ma túy” ở Trường THPT Hà Huy Tập (Cẩm Xuyên); “Camera giấu kín” ở Trường THPT Hương Sơn; “Câu lạc bộ kỹ năng” ở Trường THPT Can Lộc…

Thầy Lê Mạnh Cường - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hương Sơn cho biết: Mô hình “Camera giấu kín” được đơn vị triển khai từ năm học 2021-2022. Qua 3 năm học, nhà trường phát hiện hơn 120 trường hợp học sinh vi phạm, chủ yếu ở các lỗi như: chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm... Hình thức xử phạt là thực hiện lao động công ích tại nhà trường, đồng thời tiến hành ký cam kết không tái phạm; những trường hợp nặng sẽ hạ một bậc hạnh kiểm. Chính sự vào cuộc và xử lý kịp thời đó của nhà trường đã hạn chế được tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông nói chung và những hành vi vi phạm pháp luật khác”.

Việc tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nhằm giúp học sinh nêu cao ý thức phòng ngừa cũng như hình thành các kỹ năng cần thiết để biết cách phòng, chống các loại tội phạm.

Dù ngành Giáo dục đã vào cuộc trách nhiệm nhằm chung tay xử lý vấn đề đang được toàn xã hội quan tâm, tuy nhiên, số học sinh vi phạm pháp luật, phạm tội vẫn còn xảy ra, điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục, nhất là các trường THPT cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để “chặn đứt” thực trạng đáng lo này.

Thầy Nguyễn Duy Ngọc - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT) cho hay: “Bên cạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp như nhân rộng các mô hình tuyên truyền pháp luật tại các trường học, thời gian tới, ngành sẽ gắn vai trò, trách nhiệm của hiệu trưởng các trường trong việc nắm bắt tình hình học sinh; tăng cường phối hợp với ngành công an và các đơn vị liên quan trong quản lý, giáo dục các em. Đặc biệt, ngành sẽ chỉ đạo các trường xây dựng mô hình trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích theo Quy định tại Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT ngày 26/10/2023 của Bộ GD&ĐT và coi đây là giải pháp quan trọng để góp phần xây dựng trường học an toàn, thân thiện, hướng tới “Trường học hạnh phúc”, nói không với các loại tệ nạn, tội phạm”.

Dạy con trẻ cũng tựa như uốn tre, phải uốn từ lúc còn non, đừng để khi những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới” sa vào con đường phạm tội, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội thì mới chung tay hành động. Nói cách khác, phải làm sao ngăn chặn cái xấu từ xa, trước khi nó có cơ hội nảy sinh.

Tiến sỹ tâm lý học Nguyễn Văn Hòa - giảng viên Trường Đại học Hà Tĩnh cho rằng: “Cha mẹ phải là người tạo ra “vắc-xin miễn dịch” cho con bằng chính tình yêu thương, trách nhiệm và phương pháp giáo dục đúng cách. Đối với nhà trường, cần tăng thời lượng, chất lượng đào tạo kỹ năng sống, giúp các em trong độ tuổi vị thành niên hiểu rõ hơn về thủ đoạn phạm tội, nguyên nhân phát sinh tội phạm, từ đó xây dựng cho mình ý thức phòng ngừa cũng như hình thành các kỹ năng cần thiết để biết cách phòng, chống. Chỉ khi các em hiểu biết pháp luật, nhận thức được tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội thì mới có thể tạo sự chuyển biến tích cực trong hành động”.

Tội phạm ngày càng trẻ hóa, gia tăng thực sự là hồi chuông báo động cho toàn xã hội. Để phòng ngừa, ngăn chặn đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ và bền vững từ nhiều phía, đó là gia đình, nhà trường, lực lượng công an và các tổ chức đoàn thể. Khi các lực lượng này cùng chung tay, phối hợp chặt chẽ mới có thể tạo ra một hệ thống bảo vệ vững chắc cho thế hệ trẻ, góp phần giảm thiểu các loại tội phạm, đảm bảo tình hình ANTT trên địa bàn.

Chủ đề Phòng chống tội phạm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói