Cả làng bán lúa

(Baohatinh.vn) - Tối 25 tháng Chạp, tôi về nhà bác để họp họ tộc. Còn 5 ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán, lúc này, các cơ quan, đơn vị đang làm việc bình thường, thế nhưng, trong thôn của bác tộc trưởng, loa đài đã hát vang.

Tôi hỏi bác:

- Chắc làng mình đợt này khấm khá, còn 5 ngày nữa mới đến tết mà hôm nay đã mở loa đài râm ran?

- Loa của đám cưới con ông Hoàn. Chúng nó làm ăn trong Bình Dương, nay về tổ chức đám cưới, ra năm, vợ chồng nó lại vào trong đó làm ăn.

Huyện đoàn Hương Khê tổ chức đám cưới cho đoàn viên theo mô hình văn minh, tiết kiệm

Huyện đoàn Hương Khê tổ chức đám cưới cho đoàn viên theo mô hình văn minh, tiết kiệm

Rồi bác cho hay, mỗi lần trong thôn có tiếng loa vui hay buồn, cả làng lại đến chia sẻ. Đây là nét đẹp xưa nay của các làng quê. Tuy nhiên, gần đây, có những lúc “tiếng loa” lại khiến nhiều người phân vân. Đó là khi trong làng có quá nhiều đám cưới mà đối tượng khách mời lại rất rộng. Mà đã đến thì không thể đi tay không, đám cưới ít nhất cũng phải mừng 100.000 đồng, đám tang thì dăm ba chục ngàn.

Để có tiền mừng, tiền thăm, hầu hết các gia đình đều phải bán thóc, ngoại trừ một số ít có tiền lương hưu hay trợ cấp chính sách. Bác tôi nói thêm, bà con làng mình hầu hết làm ruộng, mỗi năm, nuôi được vài con lợn, ít chục con gà, may ra vừa đủ đóng đậu cho con cái học hành, không bán thóc thì lấy đâu ra tiền để mừng hay thăm hỏi. Vì thế, trong làng đã thành thói quen “loa hát rộn ràng, cả làng bán lúa”.

Nghe bác nói, tôi nao nao buồn. Cách đây 29 năm, lúc đó, theo chỉ đạo của Đảng ủy xã, đoàn thanh niên chúng tôi đã đăng ký thực hiện tổ chức đám cưới theo nếp sống mới. Ban nếp sống mới của xã được thành lập, do đồng chí thường trực đảng ủy làm trưởng ban chỉ đạo quy định rõ: Lễ kết hôn cho công dân ở các HTX được tổ chức tại hội trường HTX, do tiểu ban nếp sống mới ở các đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức.

Tại lễ kết hôn không được tổ chức ăn uống... Không ít bạn bè chúng tôi ngày đó tổ chức đám cưới tập thể, 2-3 đám cưới tổ chức cùng một lúc tại hội trường của HTX; đơn giản, gọn nhẹ, người được mời tới dự không phải lo tiền mừng, không ăn uống linh đình mà rất rui. Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội ra đời cách đây đã 17 năm (ngày 12/1/1998), thế nhưng, xem ra, cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa nghiêm túc chỉ đạo thực hiện. Mong rằng, từ câu chuyện này, các cấp, ngành cần quán triệt nghiêm túc Chỉ thị 27 để ngày cưới của các bạn trẻ thực sự là niềm vui của mọi người, tránh tình trạng “loa hát rộn ràng, cả làng bán lúa” như thôn của bác tôi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast